Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hiểu nỗi sợ để bước qua nỗi sợ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sợ hãi là một bản năng, nhưng nhanh thôi, chúng ta sẽ ổn, nếu hiểu thấu sự sợ hãi đó.

Khi Hà Nội có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên và khu phố Trúc Bạch ngay trung tâm bị phong tỏa, nỗi sợ hãi ập xuống rất nhiều người dân thủ đô. 1g sáng, người ta ùa xuống siêu thị gom nhu yếu phẩm, dù chẳng biết gom về rồi sao nữa. Thậm chí, có người chạy ào xuống siêu thị xong, đứng thẫn thờ giữa mớ hàng hóa, thú nhận: đứng đây mà chẳng biết mua gì, bắt đầu từ đâu, với nhu cầu nào.

Tệ hơn, có người nghe tin xong bỗng thấy cái gì trong nhà mình cũng chứa vi-rút: túi gạo này không biết chiều nay mẹ chồng mua ở đâu, liệu có phải là một cửa hàng trên phố Trúc Bạch? Ông chồng tối nay vừa đi đổ xăng, liệu có phải ở một trạm xăng ngay sát đó?… Nửa đêm, những cuộc điện thoại giật ngược, những câu hỏi hốt hoảng xô đẩy nhau tuôn ra…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực tế, mỗi người đều trải qua nhiều nỗi sợ như thế trong đời, dù chúng mang vẻ ngoài khác nhau và đến từ những nguyên do khác nhau, logic hay phi logic. Rất nhiều người, sau khi đi qua giai đoạn hoảng loạn, nhớ lại và tự cười nhạo mình. Nhưng đó không phải là sự ngu xuẩn, ngốc nghếch. Sigmund Freud – cha đẻ của thuyết phân tâm học lừng danh – từng nói, con người vốn có rất nhiều bản năng: bản năng sống, bản năng sinh tồn, bản năng chết, bản năng sợ hãi, bản năng giận dữ… 

Nói cách khác, sợ hãi là thứ có sẵn khi chúng ta sinh ra, chúng nằm im đó trong tiềm thức, đợi một tiếng gọi để thức dậy. Và, suốt chiều dài một đời người, chúng sẽ nhiều hoặc rất nhiều lần thức dậy, tùy cơ chế trấn tĩnh của mỗi cá nhân. 

Nói thế để thấy rằng, sự sợ hãi trước dịch Covid-19 hôm nay hoặc một lần sợ nào đó khác trong đời là tất yếu. Chúng chẳng khác mấy khi chúng ta đang ở trong khoảnh khắc nhìn một chiếc ô tô ở xa kia đang chầm chậm tiến trực diện về mình. Nhưng, cũng là Sigmund Freud, cho biết rằng, trong hệ bản năng của chúng ta còn có một thứ gọi là bản năng tự vệ. Một hoóc-môn sau đó được sinh ra, ngay lập tức hoặc không ngay lập tức, sẽ giúp chúng ta tìm ra phương án áp chế. 

Người ta bắt đầu nhận ra có một cái gì đó sai lầm phía sau đống nhu yếu phẩm kia và lúc này, họ bắt đầu hành động đúng đắn hơn, trong một trạng thái sự sợ hãi bị đẩy lùi dần dần xa hơn. Như một đứa trẻ, khi đứng trước cơn tức giận của người lớn, chúng thường đưa ánh mắt mình đi chỗ khác, đó không phải là lựa chọn mang tính ứng xử cá nhân, mà là bản năng tự vệ. 

Khi hiểu rằng sự sợ hãi là một thành tố cấu thành cuộc sống và song song đó là bản năng tự vệ, chúng ta cũng sẽ đồng thời hiểu sức mạnh nội tại của chính mình. Trong rất nhiều cách, đây là cách hữu hiệu nhất của các bệnh nhân mắc bệnh nan y, mà họ thường gọi bằng hai chữ “đối mặt”. Hiểu được nỗi sợ của chính mình trước căn bệnh, ấy cũng là không còn sợ nữa. 

Vơ vét mang vác cho thật nhiều để rồi cuối cùng dù sang hay hèn, già hay trẻ, đẹp hay xấu… cũng chỉ cần bình yên và khỏe mạnh
Vơ vét mang vác cho thật nhiều để rồi cuối cùng dù sang hay hèn, già hay trẻ, đẹp hay xấu… cũng chỉ cần bình yên và khỏe mạnh

Một trong những học thuyết gây tranh cãi của Sigmund Freud là tâm lý học đám đông. Ông cho rằng con người chả khác động vật là bao và rất dễ dàng bị chi phối, đặc biệt là khi được đặt trong đám đông. Sự sợ hãi là một minh chứng rõ nét cho điều ấy. Khi đám đông xung quanh gào thét hoảng loạn, chúng ta thật khó để đừng hoảng loạn. Và, nếu không học được cách trấn tĩnh để phán đoán và đưa ra hành động hợp lý mà cuống cuồng nhào khắp ngả để tránh chiếc xe từ xa lao tới, thì dù may mắn tránh được, chúng ta cũng sẽ làm mình bị thương. 

Dĩ nhiên, việc hiểu ấy không chỉ bằng lý thuyết của Sigmund Freud hoặc bằng tâm lý AQ. Đường đi của Covid-19, cơ chế lây lan, phạm vi bắt sóng, những cửa chốt chặn… dù y học hiện vẫn chưa giải mã được hoàn toàn, chỉ cần chúng ta hiểu đúng, dịch bệnh sẽ không khiến chúng ta hoảng loạn dẫn đến tuyệt vọng nữa. Hiểu đúng sẽ giúp phòng ngừa đúng, đưa mình đến phạm vi an toàn, ít nhất là trong một giới hạn nào đó.

Rất nhiều bệnh nhân ung thư bước qua thời gian dự báo của bác sĩ, mà nhiều người gọi là thời gian ấn định của thần chết, một cách ngoạn mục, khi và chỉ khi họ biết đặc tính căn bệnh ấy là gì, điều gì cần làm và điều gì nên tránh. Chỉ khi hiểu, họ mới tìm đúng phương pháp và đủ tâm thế đối diện. Chỉ khi đủ tâm thế đối diện, họ mới chiến thắng. 

Theo Lương Hàn/Phunuonline

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)