Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hiệu quả bình ổn giá, nhìn từ con số thống kê

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Năm 2010, hiệu quả các chương trình bình ổn lần đầu tiên vượt ra ngoài các dự cảm để thể hiện trên con số thống kê.

Chỉ số giá GDP nằm ở mức 11,86% tăng hơn so với năm trước, trong khi chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2010 so với cùng kỳ tăng có 9,19%. Chênh lệch hai chỉ số này dẫn đến một nhận định, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng thấp hơn chỉ số giá sản xuất, một khác biệt so với nhiều năm trước đó.

Phó vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) Dương Mạnh Hùng lập luận, GDP bao hàm cả giá trị tiêu dùng và sản xuất, để loại trừ yếu tố giá trong GDP thì phải tính toán trên cơ sở các chỉ số giá tương ứng.
Các năm trước, chỉ số giá tiêu dùng luôn cao hơn chỉ số giá GDP do còn tính thêm khâu lưu thông. Tuy nhiên trong năm 2010, một phần do các chương trình bình ổn giá nên có những mặt hàng giá bán thấp hơn giá sản xuất, thậm chí chưa bằng giá thành.
Năm 2010, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng thấp hơn chỉ số giá sản xuất, một khác biệt so với nhiều năm trước đó.
Các so sánh được vị này nêu ra là chỉ số giá nhiều ngành sản xuất bao gồm nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng… đã tăng trên 10%. “Theo dõi số liệu nhiều năm thì đây là lần đầu tiên xuất hiện hiện tượng này”, ông Hùng cho biết.
Để kéo chỉ số giá tiêu dùng xuống mức thấp hơn gần 3 điểm phần trăm so với chỉ số giá GDP, nhiều nguồn tài chính đã được sử dụng trong năm vừa qua. Những tham khảo dễ dàng nhất là ở các mặt hàng nhà nước quản lý giá.
Khi giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng từ 190-410 đồng/lít (kg) tùy loại vào ngày 9/8, giá dầu thô trên thị trường thế giới mới ở mức khoảng 80 USD/thùng. Nhưng trong khi giá xăng dầu vẫn giữ nguyên cho đến thời điểm này, từ tháng 9/2010, giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục biến động ở mức cao hơn, hiện nay được giao dịch quanh mốc 90 USD/thùng.
Để bù đắp phần chênh lệch giữa giá vốn và giá bán hiện nay cho các doanh nghiệp nhiều, lần quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phải “nới tay” hơn. Mới đây, ngày 13/11, Bộ Tài chính đã có văn bản cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được trích tới 700-1.200 đồng cho mỗi lít (kg) xăng dầu từ quỹ bình ổn giá, tăng hơn so với mức 450-700 đồng trước đó.
Theo một nguồn thông tin từ Bộ Tài chính, trong năm 2010 đã có khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng được bơm ra từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giữ mức giá xăng dầu ổn định trong một thời gian khá dài. Chỉ số giá nhóm giao thông chắc hẳn đã có thể tăng cao hơn mức 12,37% nếu nhân tố giá xăng dầu không diễn ra như trong năm 2010.
Một tham khảo khác, giá than bán cho điện và một số hộ tiêu thụ lớn khác dù chỉ tương đương 60% giá xuất khẩu nhưng lại không thay đổi kể từ đầu tháng 3/2010. Trong suốt chu kỳ đó, giá than xuất khẩu bình quân từ mức 69,31 USD/tấn vào tháng 2/2010 lên mức 74,81 USD/tấn tại tháng cuối năm ngoái.
Với những mặt hàng xăng dầu, than, điện… có tác động lớn đến chi phí sản xuất, lưu thông và liên đới đến giá đầu ra nhiều sản phẩm tiêu dùng, việc giữ giá ổn định trong năm 2010 có tác động lan tỏa khá lớn đến việc kiềm chế giá cả, ông Hùng nhìn nhận.
Trong khi đó, hàng nghìn điểm bán hàng bình ổn giá cũng được duy trì trong năm vừa qua ở nhiều tỉnh, thành phố lớn. Hà Nội, Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ… mạnh tay chi nhiều trăm tỷ đồng quyết giữ ổn định giá cả 19 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, rau xanh, dầu ăn, đường…
Mặc dù cam kết giữ giá rẻ hơn khoảng 10% so với thị trường vẫn được phép điều chỉnh khi giá cả lên quá cao, tuy nhiên trong gần trọn thời gian cuối năm 2010, các doanh nghiệp vẫn cố bám trụ vơi mức giá cam kết, dù thị trường nhiều thời điểm điều chỉnh mạnh về giá.
Tuy nhiên, năm 2011 những tác động tích cực đến chỉ số giá tiêu dùng như trên có thể khó hiện thực. Khẳng định tiếp tục thực hiện giá thị trường với các mặt hàng nhà nước quản lý được Chính phủ đưa ra hồi đầu năm nay đã hàm ý giá cả sẽ có điều chỉnh.
Về phía các địa phương, doanh nghiệp tham gia bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, cho dù tiếp tục giữ mức giá thấp hơn thị trường, nếu không sẵn sàng với mức chi phí lớn hơn nữa, cũng sẽ khó trì kéo chỉ số giá tiêu dùng, vì các mốc so sánh nay đã khác.
Nguồn VNECONOMY

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)