Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Hiệu quả hơn nhờ dám đột phá

Tạp Chí Giáo Dục

Phương pháp dạy học theo dự án được đánh giá cao bởi thông qua hướng dẫn của giáo viên, học sinh tiếp nhận kiến thức từ thực tiễn cuộc sống, qua đó hình thành các kỹ năng tư duy, phản biện, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, sắp xếp công việc…

Cô Hoàng Thị Hiền đang hướng dẫn học sinh làm dự án

Những năm gần đây, nhiều giáo viên đột phá ứng dụng CNTT vào dạy học theo dự án đã giúp cho phương pháp này dễ thực hiện, đạt hiệu quả cao.

Hình thành các kỹ năng cho học sinh

“Có thời gian và kỹ năng, học sinh tham gia dự án nhiều hơn, phụ huynh dần hiểu được lợi ích của phương pháp này và nhiệt tình ủng hộ. Kết quả sau cùng của dự án không chỉ là các sản phẩm học sinh tạo ra mà quan trọng hơn là tư duy học tập mỗi học sinh được thay đổi”, cô Hoàng Thị Hiền cho biết.

Khi triển khai dự án Dân số và phát triển bền vững do cô Hoàng Thị Hiền (Tổ trưởng Bộ môn địa lý Trường THPT Trần Khai Nguyên, TP.HCM) hướng dẫn, học sinh khối 10, 11, 12 cùng tham gia thông qua các nhóm: Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc; Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam; Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng… Nội dung dự án đề cập đến sự gia tăng dân số quá nhanh, tỉ lệ nạo phá thai cao, mất cân bằng và bất bình đẳng về giới tính, những áp lực do gia tăng dân số… Vì thế, qua sắm vai nghiên cứu, biên kịch, đạo diễn, thiết kế… đòi hỏi học sinh phải tự tìm ra lời giải đáp về nguyên nhân, hệ quả. Mọi kiến thức dựa trên sách giáo khoa, kết hợp với sưu tầm phim ảnh thông qua CNTT, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp với thực trạng. Dự án cũng nhắm đến việc khảo sát học sinh trong trường để đánh giá suy nghĩ, thực trạng hiểu biết các vấn đề trên của các em.

Theo em Bùi Tấn Lộc (lớp 11A2), sau quá trình thực hiện, sản phẩm của các nhóm cần đạt là báo cáo tham luận, bài thuyết trình PowerPoint đến các sản phẩm tuyên truyền như poster, brochure, các thước phim và cả những cuốn tạp chí. Tất cả được báo cáo tại buổi hội thảo giả định để hình thành bức tranh tổng thể về các vấn đề dân số đáng báo động hiện nay. “Phương pháp học tập này đã đưa nhiều kiến thức từ thực tế vào, gần gũi với đời sống nên chúng em rất thích, khác với lối học truyền thống chủ yếu là lý thuyết, bài tập thiếu thực tế, cứng nhắc. Chúng em đã hiểu sâu hơn thực trạng, tác động của những vấn đề nêu trên thế giới nói chung và cụ thể tại Việt Nam, qua đó thể hiện ý thức trách nhiệm của chính bản thân mình”, Lộc cho biết.

Ngoài ra, Lộc cho biết thêm, khi tham gia thực hiện dự án trên, các em học được kỹ năng làm việc nhóm, lên kế hoạch, giải quyết vấn đề, giao tiếp…, rất có ích cho việc học, công việc sau này. Ngoài ra, người tham gia còn mở rộng kiến thức sinh học, giáo dục công dân, ngữ văn, tiếng Anh, tin học.

Tương tự, với dự án Học văn để sống do cô Nguyễn Minh Ngọc (giáo viên dạy văn Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý, TP.HCM) hướng dẫn, học sinh đã cảm nhận văn chương một cách nhẹ nhàng, sâu lắng từ cuộc sống, văn hóa đất nước, con người Việt Nam qua các làng nghề truyền thống như: Làm chiếu, lò đất, nặn tò he, làm nhang… Ở dự án này, học sinh cũng được chia nhóm, trực tiếp tìm hiểu nét đẹp văn hóa từng làng nghề qua các thời kỳ hình thành phát triển. Sau đó vận dụng kiến thức văn học, tiếng Anh, tin học để tạo ra các thước phim tài liệu.

Theo cô Ngọc, hoạt động tìm hiểu kiến thức từ thực tiễn giúp học sinh hiểu vấn đề sâu rộng mà sách vở không chuyển tải hết. Các em không chỉ được hình thành kỹ năng mà còn được bồi đắp vốn sống, từ đó nâng cao ý thức gìn giữ, bảo vệ nền văn hóa đất nước.

Giảm khó khăn, nâng hiệu quả

Thời gian qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã đẩy mạnh công tác tập huấn cho hàng trăm giáo viên các cấp về những bước triển khai, phương pháp, kỹ thuật xây dựng một dự án. Đồng thời khuyến khích giáo viên vận dụng CNTT vào đổi mới hình thức tổ chức, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học… 

Dạy học theo dự án là phương pháp tích hợp được nhiều môn, trong đó người tham gia sử dụng CNTT như phương tiện để tìm kiếm thông tin, trao đổi, tạo ra sản phẩm sau dự án. Tuy nhiên nhiều giáo viên không dừng lại ở trình chiếu, soạn giảng, tìm kiếm… mà biến CNTT thành phương tiện giúp quá trình thực hiện dự án trở nên phong phú, hoàn thiện hơn.

Cụ thể, ở những dự án do mình hướng dẫn, cô Hiền chú trọng xây dựng lớp học online trên facebook. Theo đó, mọi kế hoạch, hoạt động giảng dạy, trao đổi thông tin, tiến độ dự án, tập huấn kỹ năng tạo sản phẩm… đều thực hiện online. Vì vậy, ngoài giờ học chính khóa và học thêm, bất cứ lúc nào và ở đâu học sinh đều có thể lên mạng thực hiện.

“Đặc điểm của dạy học theo dự án là tích hợp cùng lúc nội dung kiến thức nhiều môn học, đòi hỏi học sinh phải dành thời gian tìm hiểu nghiên cứu vấn đề trong thực tế cuộc sống; nhưng do phải học nhiều môn ở trường, học thêm ở nhà khiến các em không có thời gian. Học qua online giảm được những khó khăn này, không chỉ cho học sinh mà còn cho giáo viên. Đây cũng là cách hạn chế học sinh lướt web vô bổ, thay vào đó các em khai thác kho kiến thức khổng lồ trên internet, hình thành khả năng tìm kiếm, chọn lọc, xử lí thông tin và khả năng tự học”, cô Hiền chia sẻ.

Là người đã thực hiện thành công một số dự án nhờ ứng dụng CNTT hiệu quả, thầy Ngô Thành Nam (giáo viên Trường TH-THCS-THPT Việt Úc) luôn khuyến khích, hướng dẫn học sinh sử dụng các công cụ Excel Survey, Survey Monkey, OneNote, Sway, Skyper… vào tìm kiếm thông tin, hợp tác, trao đổi, tạo ra sản phẩm dự án. Cách làm này đã phá vỡ giới hạn của một lớp học thông thường, học sinh làm việc thuận tiện, kết nối với thế giới bên ngoài dễ dàng.

“Khi thực hiện dự án về an toàn giao thông, ngoài tìm kiếm thông tin, thực hiện khảo sát online, tạo ra sản phẩm, việc sử dụng một số công cụ như Skype, Sway đã giúp học sinh kết nối với bạn bè quốc tế để có cái nhìn toàn diện về vấn đề các em đang tìm hiểu cũng như nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh”, thầy Nam nói.

Bài, ảnh: Trinh Ngọc

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)