Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hiệu quả sản xuất công nghiệp ngày càng sụt giảm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tăng trưởng cao ngành công nghiệp chưa hẳn đi cùng hiệu quả, nếu nhìn trên tương quan các con số.

Với mức tăng trưởng hai con số trong 6 tháng đầu năm 2010, sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã có sự phục hồi rõ nét, sau những chao đảo do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới cuối năm 2008, đầu năm 2009. Tuy nhiên, những vấn đề đang ẩn sau sự phục hồi kể trên đã được mang ra “mổ xẻ” tại buổi họp giao ban sản xuất tháng 6, diễn ra giữa tuần qua, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.

Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2010 đã đạt khoảng 366,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2009 – Ảnh: Việt Tuấn.

Giá trị gia tăng không song hành tăng trưởng
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp số liệu từ Bộ Công Thương cho biết, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm đã đạt khoảng 366,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2009. Nếu so với mức tăng tương ứng của cùng kỳ năm ngoái chỉ 4%, nhận định sản xuất công nghiệp đã phục hồi ấn tượng là thuyết phục.
Nhưng nếu tính theo chỉ số phát triển công nghiệp (IIP), chỉ số này 6 tháng đầu năm 2010 chỉ tăng 8,9% so với cùng kỳ 2009, trong đó IIP công nghiệp khai thác mỏ giảm 0,1%; công nghiệp chế biến tăng 12,5%; và công nghiệp điện, nước, gas tăng 14,9%.
Đáng chú ý, một đại diện của Bộ Công Thương tham gia buổi họp lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khoảng cách giữa giá trị tăng thêm với sản lượng đầu ra đã vào khoảng 2,2 lần, và đang có dấu hiệu “phình to” trong những năm gần đây, theo tính toán sơ bộ.
“Tình hình rất đáng báo động về hiệu quả sản xuất ngành công nghiệp”, vị đại diện này lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên đưa con số này vào trong các báo cáo trình lên Chính phủ.
Một lý giải về hiệu quả sản xuất công nghiệp thấp là do hiệu suất sử dụng điện của nền kinh tế không cao. Đây được cho là một trong các nguyên nhân làm tăng chi phí đầu vào sản xuất, giảm lợi nhuận hoạt động sản xuất công nghiệp.
Bộ Công Thương dẫn chứng, trong khi ở các nước, với mỗi 1 đơn vị tăng trưởng GDP tương ứng với tăng trưởng điện năng từ 1-1,2%, tương quan này tại Việt Nam gần đây gấp vào khoảng 2,6 lần.
Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, một số dự án mới triển khai có thể đã đầu tư công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng và không hiệu quả. “Cần xem lại việc các địa phương đâu đó vẫn cấp phép cho các dự án thép, xi măng… có công nghệ lạc hậu”, ông này nói.
Trong khi đó, hoạt động đầu tư nước ngoài được kỳ vọng sẽ mang tới những công nghệ mới, công nghệ nguồn cải thiện năng suất và nâng cao hiệu quả sản xuất công nghiệp, đã không thể hiện được vai trò này.
Sự chuyển hướng vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản khiến ngành công thương đứng trước thực trạng năng lực sản xuất những năm tới có thể sẽ khó khăn, vị chuyên gia kể trên tỏ rõ sự lo lắng.
Chính sách chưa hướng đến hiệu quả?
Những cảm nhận của người trong cuộc không phải không có cơ sở. Cả trên lý luận và thực tiến con số, những phân tích của giới chuyên môn đều cho thấy lo ngại của Bộ Công Thương là xác đáng.
Hệ thống lại các nguyên nhân dẫn đến hiệu quả sản xuất công nghiệp ngày càng sụt giảm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, độ doãng mà vị đại diện ngành công thương nêu có phần do thay đổi cơ cấu ngành.
Lĩnh vực khai khoáng thường có giá trị gia tăng cao đang trong xu hướng giảm dần về tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, thay vào đó là công nghiệp chế biến. Nhưng, ngành công nghiệp này tại Việt Nam lại chủ yếu là gia công, giá trị gia tăng thấp.
Một điểm đáng lưu ý khác là quá trình thay đổi về công nghệ, quy trình sản xuất trong ngành công nghiệp chế biến cũng đang dẫn tới việc sử dụng nhiều máy móc, thiết bị hơn, nhưng đồng thời cũng sử dụng nhiều nguyên, nhiên liệu đầu vào, khiến giá trị gia tăng ngày càng tụt hậu so với tăng trưởng giá trị sản lượng.
Hơn nữa, chính sách công nghiệp lại chưa ưu tiên vào các ngành chế biến có giá trị gia tăng cao. Nhiều ngành sản xuất đang sử dụng tỷ lệ lớn nguyên liệu đầu vào, khiến phần giá trị gia tăng thu hẹp, ông Lâm lưu ý thêm.
Phân tích trong chuỗi số liệu hàng chục năm qua, TS. Trần Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, thực trạng kinh tế hiện nay đang hết sức đáng lo ngại với năng suất lao động thấp, hiệu quả nền kinh tế không cao, năng lực cạnh tranh hạn chế nhưng chưa thể tạo năng lực cạnh tranh thay thế.
Dường như vấn đề không đơn thuần là một hiện tượng tức thời mà đã trở thành vấn đề căn bản, liên quan đến cơ cấu ngành. Và thậm chí, vấn đề trầm trọng hơn ở nhiều nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến, nếu những số liệu được ông Cung dẫn chứng là chính xác.
“Hiệu quả chung của nền kinh tế có xu hướng giảm dần”, nghiên cứu chung của CIEM và Học viện cạnh tranh châu Á (thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu – Singapore) khẳng định.
Dẫn kết quả của nghiên cứu kể trên, ông Cung kết luận, một biểu hiện của hiệu quả giảm là cơ cấu chi phí của nền kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng chi phí trung gian, đồng thời giảm chi phí nhân công và lợi nhuận.
Nếu so giai đoạn 5 năm sau đổi mới (1986-1990) và giai đoạn hiện nay, nghiên cứu trên chỉ ra rằng, đóng góp vào tăng trưởng đang dựa chủ yếu vào vốn, từ mức trên 55% đã lên tới gần 80%. Trong khi đó, nhân tố lao động giảm từ hơn 38% xuống còn gần 12%; năng suất các yếu tố tổng hợp chỉ điều chỉnh rất ít, từ gần 7% lên khoảng 9%.

Theo VnEconomy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)