Một tiết học môn văn của học sinh THPT. Ảnh: Anh Khôi
|
Mặc dù có mối quan hệ mật thiết nhưng hai bộ môn ngữ học và văn học ở ĐH cũng như phần tiếng và phần văn trong bộ môn ngữ văn ở trường phổ thông chưa đạt được hiệu quả tích hợp như mong muốn. Ngoài lý do khác biệt giữa hai đối tượng của hai bộ môn tạo nên còn có lý do là sự chậm trễ phát triển của hai bộ môn này.
Việc dạy học ngữ học và Việt ngữ học luôn góp phần tích cực nâng cao năng lực đọc văn và viết văn cho học sinh phổ thông và cho sinh viên sư phạm. Tuy nhiên, trên thực tế giáo viên dạy bộ môn này vẫn chưa đóng góp được nhiều cho việc giải mã văn học, chưa nhiệt tình với kiến thức của các bộ môn ngôn ngữ học. Điều băn khoăn nhiều hơn là từ sự phân biệt hai ngành khoa học ở ĐH dẫn đến sự phân biệt hai môn văn và tiếng ở trường phổ thông nên hiệu quả tích hợp rất thấp. Hệ quả là con đường tích hợp văn và tiếng ở trường phổ thông vừa qua còn có phần gán ghép chưa tự nhiên.
1. Môn ngôn ngữ học ngày nay ở trường ĐH nhìn chung vẫn chưa bắc được chiếc cầu dẫn sang văn học. Về phía nghiên cứu văn học nhà trường, chúng ta chỉ quen với lý thuyết phản ánh, nhận thức nội dung xã hội, ý thức hệ mà chưa xem văn học như là phương tiện giao tiếp. Bộ môn ngôn ngữ học và văn học dường như chỉ được đặt bên nhau mà chưa thực sự tác động có lợi cho nhau trong hiệu quả dạy học ngữ văn. Như thế, dạy văn học trước hết phải dựa chắc vào nền tảng ngữ học, đồng thời không thể ỷ lại vào nó mà cần phải đi xa hơn.
Xét về phía ngữ học, nếu chỉ đảm nhiệm trau dồi ngôn ngữ tự nhiên thì vẫn chưa đủ để giúp người học hiểu văn học nghệ thuật. Đó chính là lý do vì sao ngữ học trong nhà trường hiện nay chưa giúp được nhiều cho việc học văn học và cũng là lý do vì sao các giáo viên văn học chưa mặn mà với tri thức ngữ học. Để cải thiện tình hình đó nhằm nâng cao hiệu suất dạy học ngữ văn, thiết nghĩ, bộ môn ngữ học trong nhà trường cần nới rộng phạm vi quan tâm hơn nữa. Nếu ngữ học bước thêm về phía diễn ngôn, tu từ học mới, ngữ học tri nhận, ký hiệu nghệ thuật, văn bản văn học chắc chắn sẽ giúp văn học đổi mới và cùng góp phần đưa chất lượng dạy học ngữ văn lên một tầm cao mới và chắc chắn ngữ học sẽ giúp ích nhiều hơn cho văn học.
2. Trên thế giới, nhiều nước đã ý thức được vai trò của ký hiệu học trong dạy học ngữ văn. Điều đó có nghĩa là người giáo viên ngữ văn cần phải được trang bị ký hiệu học, có khả năng phân tích ký hiệu trong văn bản văn học và chuyên đề ký hiệu học văn học sẽ là điều bắt buộc. Vấn đề này cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa môn văn học trong nhà trường và ký hiệu học. Các em học sinh từ bé không chỉ lớn lên trong môi trường ngôn ngữ của gia đình, bạn bè, lớp học… mà còn lớn lên trong môi trường ký hiệu xã hội vô cùng phong phú, đa dạng. Đối với học sinh tiểu học, các hình ảnh minh họa trong sách là ký hiệu. Đối với học sinh THCS, thế giới ký hiệu mở rộng hơn; còn đối với học sinh THPT, thế giới ký hiệu xung quanh đã hình thành khá toàn diện. Rèn luyện năng lực đọc ký hiệu sẽ giúp học sinh cảm nhận sâu sắc các biểu hiện của cuộc sống. Đằng sau các ký hiệu ấy là ý nghĩa, nghĩa đơn, nghĩa kép. Chúng ta không cần dạy nhiều lý thuyết rắc rối, siêu ngôn ngữ mà giúp các em có cảm giác về ký hiệu như là ngữ cảm. Đó sẽ là một năng lực nền tảng không thể thiếu để các em học văn học nghệ thuật, đọc hiểu hình tượng văn học. Vì thế cần khắc phục cách hiểu ngây thơ về văn học là một bức tranh đời sống cụ thể chân thực, rằng Đất nước đứng lên chỉ kể Anh hùng Núp… Chính cái quan niệm ấy đã tạo ra cách hiểu: “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái” trong bài Thu vịnh (Nguyễn Khuyến) là hoa năm trước khô đi còn sót lại mà không hiểu là biểu tượng của thời gian đứng yên không chịu thay đổi.
3. Một khi lấy việc học văn bản làm trọng tâm thì bên cạnh ngữ âm, ngữ pháp, chính tả, học sinh còn phải được học về từ vựng, ngữ nghĩa và ký hiệu biểu tượng. Đọc hiểu văn bản là giải mã văn bản, học tìm cách lập mã của tác giả để hiểu được văn bản. Và đó cũng là một phần quan trọng của năng lực văn bên cạnh năng lực viết. Học đọc văn cũng chính là học cách viết. Năng lực văn chỉ hình thành và phát triển trong quá trình đọc văn, làm văn. Muốn đào tạo năng lực văn trước hết phải đọc nhiều, viết nhiều chứ không có con đường nào khác. Không lạm dụng văn bản ngữ pháp như lâu nay đã làm. Trong chương trình văn học các nước, bài tập đọc có một số lượng không nhỏ với nhiều hình thức. Như vậy khuynh hướng giảm tải bằng cách giảm bớt số lượng bài đọc văn là đi ngược lại với nhu cầu của bản thân việc học văn.
Nói đến mối quan hệ giữa phần văn và phần tiếng trong chương trình ngữ văn phổ thông thiết nghĩ không thể không nói về phân bố phần ngữ trong chương trình. Theo thiển ý của chúng tôi, ở tiểu học và THCS cần giải quyết xong phần chính tả và ngữ pháp tiếng Việt. Lên THPT phải được chuyển sang học lý thuyết làm văn như nghệ thuật thuyết phục người nghe và người đọc.
Tóm lại, ở nhà trường phổ thông cần hiểu sâu mối quan hệ văn và ngữ trong bản thân văn bản, lấy đó làm cơ sở để thiết kế chương trình học văn và học tiếng. Các phương hướng đó sẽ góp phần cải thiện mối quan hệ giữa văn với ngữ nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả dạy học bộ môn.
GS.TS Trần Đình Sử
(Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)
Năng lực văn chỉ hình thành và phát triển trong quá trình đọc văn, làm văn. Muốn đào tạo năng lực văn trước hết phải đọc nhiều, viết nhiều chứ không có con đường nào khác. |
Bình luận (0)