Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hiệu quả từ đổi giờ học, giờ làm: Chưa thể đánh giá ngay

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh tan học lúc 19 giờ

Sau 5 ngày triển khai thay đổi giờ học, giờ làm, Sở GD-ĐT và Sở GTVT Hà Nội đã “ngồi lại” cùng nhau để đánh giá những thuận lợi, hạn chế của quyết sách này.
Có thể nói, việc một chính sách mới ra đời 5 ngày đã phải đưa ra bàn bạc đã cho thấy tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng của nó tới mọi người dân. Dù vậy, theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, các cơ quan vẫn phải thực hiện nghiêm túc kế hoạch điều chỉnh giờ học, giờ làm để sau một tháng sẽ có tổng hợp kiến nghị và chỉnh sửa.
THPT bị tác động lớn nhất, ĐH loay hoay
Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên Sở GD-ĐT Hà Nội Mai Sỹ Nhật cho hay, khối mầm non, tiểu học, THCS không tác động lớn bởi học sinh quận, phường nào học ở nơi đó và các em không tự tham gia giao thông nhiều, chủ yếu là cha mẹ đưa đón. Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là học sinh khối THPT và TCCN, đặc biệt là các trường học 2 ca/ngày. Được biết, Hà Nội có tới 80% trường THPT học 2 ca. Một khối nữa cũng bị ảnh hưởng nhiều là khối trường dân lập do nhiều trường có đầy đủ cấp học từ mầm non tới THPT.
“Dù nhiều trường gửi văn bản lên sở kiến nghị có giờ riêng cho trường mình nhưng chúng tôi yêu cầu không trường nào được phép tự đặt ra một giờ đặc biệt cho trường mình mà phải thực hiện chung” – ông Nhật nói.
Trong buổi họp này, ông Nhật đã tạm “sơ kết” những khó khăn mà ngành giáo dục phải đối mặt khi thực hiện quyết định đổi giờ. Theo đó, khối tiểu học và mầm non phát sinh số giờ làm việc tăng đối với giáo viên. Khối THCS, tiểu học thời gian giao ca chỉ khoảng 15 phút buổi trưa nên xảy ra ùn tắc cục bộ tại cổng trường. Với trường hợp này, sở đã chỉ đạo, trường nào có hai cổng thì mở cổng phụ phân luồng học sinh và phối hợp với các lực lượng chức năng tại phường để phân luồng giao thông.
Cũng theo ông Nhật, với học sinh THPT thời gian kết thúc lúc 19 giờ là quá muộn, không duy trì được sinh hoạt dưới cờ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng. “19 giờ tối các em đã quá mệt mà còn học thể dục thì phản khoa học. Ngoài ra, các em về muộn, tắm rửa, ăn tối muộn mệt mỏi sẽ ảnh hưởng tới học tập” – ông Nhật cho hay.
Với ngành giáo dục, ông Nhật còn chỉ ra lực lượng giáo viên chủ yếu hiện nay trong độ tuổi nuôi con nhỏ, thực hiện đổi giờ cũng gây khó khăn về việc nhà của họ.
Với các trường dân lập sẽ bị tăng chi phí do tổ chức xe đưa đón học sinh nhiều cấp học khác nhau, tăng thêm gánh nặng cho người dân khi phải đóng thêm tiền.
“Sở đã yêu cầu các trường không được tăng thêm khoản thu nào, nếu học sinh đến muộn trường mở cửa để các em vào học. Với những chi phí gia tăng trước mắt như điện, nước các trường đang tự bỏ ra, sở cũng tổng hợp những kiến nghị, phát sinh từ các trường để báo cáo thành phố” – ông Nhật cho biết.
Không chỉ các trường phổ thông gặp khó khăn trong khi thực hiện đổi giờ, các trường ĐH cũng có rất nhiều vấn đề cần được tính toán. Đại diện ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết hiện trường đang đào tạo 3 ca/ngày. Nếu 19 giờ sinh viên mới tan học như quy định thì trường chỉ dạy được 2 ca/ngày. Như thế chi phí đào tạo sẽ tăng thêm 30% đối với sinh viên so với hiện tại. Vị đại diện của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội kiến nghị nên cho sinh viên tan học từ 18 giờ.
Xuất hiện điểm ùn tắc mới
Theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội, những ngày đầu thực hiện đổi giờ học, không xảy ra tình trạng ùn tắc ở các tuyến đường hay tắc nghẽn. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm buổi chiều lại xuất hiện một số điểm tắc mới, trái với quy luật trước đó như ở đường Trúc Khê, Phan Đình Phùng, Nguyễn Trường Tộ… Các vị trí này ở gần trường tiểu học, THCS vì phụ huynh tụ tập trước cổng trường đón con vào cùng một thời điểm. Lãnh đạo công an các quận Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm cho hay, các điểm ùn tắc đã giảm tải, đường thông thoáng hơn, tuy nhiên để đánh giá khách quan thì cần thời gian lâu dài. Phó trưởng Công an huyện Từ Liêm Phạm Ngọc Kim phân tích, gần một tuần qua giao thông có vẻ thông thoáng hơn nhưng nguyên nhân phần lớn là hạ tầng cơ sở, con đường 32 đã hoạt động tốt cả hai chiều. “Sinh viên hiện nay vẫn chưa lên hết, công nhân thì mới trở lại 30-40% so với trước Tết. Vì vậy để đánh giá việc đổi giờ có hiệu quả giảm ùn tắc giao thông hay không là còn quá vội”, ông Kim nói.
Cùng quan điểm trên, đại diện Công an quận Đống Đa còn cho biết thêm, đang là tháng giêng, nhiều người Hà Nội còn đi du lịch và lễ hội tại các địa phương nên chưa tham gia giao thông.
Đại diện Công an quận Ba Đình thì cho rằng, việc giảm ùn tắc hiện nay còn do một số biện pháp thực hiện trước Tết như giảm xe tải vào nội đô, cấm taxi hoạt động tại một số tuyến phố…
Còn Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho rằng 5 ngày qua, đã tăng cường khoảng 700 lượt xe bus mỗi ngày (tăng 32%) với 6 tuyến xe bus tăng cường và tổ chức thêm 7 tuyến mới. Sở này cũng tăng khung giờ phục vụ cao điểm thêm 2 giờ mỗi ngày vào giờ cao điểm. Các tuyến xe bus cũng không còn cảnh nhồi nhét hành khách như trước đây, đáp ứng được khoảng 60.000-70.000 lượt người trong khung giờ cao điểm mỗi ngày. Hiện tại ở các tuyến đường xa đã tăng chuyến đến 23 giờ mới kết thúc. Đối với những trường có ca học tan muộn mà không còn xe bus có thể gọi điện đến trung tâm điều hành vận tải hành khách công cộng yêu cầu xe đến đón học sinh. Khi mọi việc đi vào ổn định thì sẽ cho mở thêm tuyến ở quãng đường đó. Tuy nhiên, ông cũng cho hay  còn quá sớm để đánh giá hiệu quả việc điều chỉnh giờ học, giờ làm. Tuy nhiên ông Hùng cũng yêu cầu các cơ quan phải thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm việc đổi giờ để cơ quan hữu quan nghiên cứu, tổng hợp các đề xuất gửi UBND TP và Bộ GTVT sau một tháng thực hiện.
Trước mắt, với ngành chịu nhiều ảnh hưởng từ quyết định đổi giờ học, giờ làm nhiều nhất là giáo dục ông Hùng đề nghị, với những vấn đề phát sinh trong khả năng có thể giải quyết được, Sở GD-ĐT chủ động điều chỉnh để làm ngay, cố gắng ảnh hưởng ít nhất tới đời sống học sinh, phụ huynh.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê

Bình luận (0)