Hiện nay thời tiết đang ở nhiệt độ cao dễ xảy ra tình trạng cháy nổ, nhất là ở các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Nhằm chủ động ngăn ngừa và kéo giảm nguy cơ cháy nổ tạo sự yên tâm cho người dân sinh sống, Q.Tân Phú đã nhân rộng mô hình “Tổ phản ứng nhanh chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ – lực lượng vũ trang”.
Tổ phản ứng nhanh chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ – lực lượng vũ trang Q.Tân Phú diễn tập cứu nạn
Hoạt động hiệu quả
Trách nhiệm đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy của chủ hộ gia đình đã được quy định rất rõ trong Luật Phòng cháy chữa cháy, Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ và các văn bản, quy định hiện hành. Tuy đã được các cấp chính quyền tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn còn xảy ra nhiều vụ cháy gây chết người hết sức thương tâm.
Đại tá Nghiêm Văn Út (Trưởng Công an Q.Tân Phú) cho biết, trong thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM nói chung và Q.Tân Phú nói riêng đã xảy ra nhiều vụ cháy thương tâm, đặc biệt là tại các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Các thành viên trong Tổ phản ứng nhanh chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ – lực lượng vũ trang đều được trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy
Để ngăn chặn cháy nổ, tháng 1-2023, Q.Tân Phú đã thí điểm mô hình “Tổ phản ứng nhanh chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ – lực lượng vũ trang”. “Trong thời gian thí điểm, mô hình đã hoạt động có hiệu quả. Cụ thể, vào ngày 19-2 đã xảy ra vụ cháy tại Công ty văn phòng phẩm Ngọc Chiêu tại địa chỉ 373/48 Âu Cơ, phường Phú Trung, Q.Tân Phú. Ngay khi xảy ra cháy, người dân xung quanh đã hô hoán, đồng thời sử dụng chuông báo cháy tại tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy hẻm 19/6 Hoàng Xuân Nhị để báo động và sơ tán người dân. Lực lượng “Tổ phản ứng nhanh chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ – lực lượng vũ trang” phường Phú Trung sau khi nhận tin báo cháy đã nhanh chóng có mặt kịp thời sử dụng các phương tiện được trang bị sẵn và các dụng cụ tại điểm chữa cháy công cộng tiến hành chữa cháy ban đầu để khống chế đám cháy không cháy lan sang các khu vực xung quanh”, Đại tá Út cho biết.
Hạn chế tối đa cháy nổ
Ông Nguyễn Công Chánh (Phó Chủ tịch UBND Q.Tân Phú) cho biết, đặc điểm chủ yếu của loại hình nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh là loại nhà ống, diện tích nhà ở không lớn, phân bố ở các khu vực dân cư, xung quanh các chợ, tuyến đường phố và chủ yếu kinh doanh các mặt hàng là các loại vật liệu dễ cháy như quần áo, giày dép, vải, chăn màn, tạp hóa… Các loại nhà trên thường chỉ có một lối thoát nạn ra ngoài. Cửa ra vào chính tại tầng 1 thường là cửa xếp, cửa cuốn, tại các tầng trên có thể bố trí biển hiệu quảng cáo che chắn hết các hành lang mặt tiền. Đa số các hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh đều không trang bị phương tiện chữa cháy, hoặc trang bị phương tiện chữa cháy không đảm bảo yêu cầu, do đó không xử lý được đám cháy ban đầu mới phát sinh. Đặc biệt, trên địa bàn Q.Tân Phú hiện có rất nhiều các ngõ, hẻm sâu tập trung nhiều nhà (nhà ở hộ gia đình hoặc nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh) có chiều sâu từ 50m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được, gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố cháy, nổ, tai nạn xảy ra tại các khu vực này.
Khi có đám cháy, Tổ phản ứng nhanh chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ – lực lượng vũ trang sẽ có mặt kịp thời để ngăn chặn sự cố
“Nhận thấy hiệu quả từ mô hình “Tổ phản ứng nhanh chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ – lực lượng vũ trang”, chúng tôi đã nhân rộng mô hình ra toàn địa bàn quận nhằm chủ động ngăn ngừa và kéo giảm nguy cơ cháy, nổ đến mức thấp nhất về số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, không để cháy lan, cháy lớn, tạo sự yên tâm của người dân sinh sống. Mô hình trên còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc sẽ giúp gắn kết tình làng nghĩa xóm đến từng người dân trong tổ, qua đó sẽ nâng cao ý thức, trách nhiệm của những người dân sinh sống, có phương án xử lý tình huống, hỗ trợ nhau khi có sự cố cháy, nổ xảy ra trên địa bàn”, ông Chánh cho biết.
Trung tá Thái Bình Trung (Phó chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự Q.Tân Phú) cho biết, mô hình “Tổ phản ứng nhanh chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ – lực lượng vũ trang” mỗi tổ phản ứng nhanh có 6 cán bộ, chiến sĩ dân quân thường trực với 1 tổ trưởng và 5 tổ viên được trang bị đầy đủ phương tiện phòng cháy chữa cháy. Các thành viên trong tổ này có tuổi đời trẻ từ 18-25 tuổi nên cách tiếp thu và thao tác sử dụng phương tiện chữa cháy nhanh, hiệu quả. Đồng thời, lực lượng này thường xuyên có mặt 24/24 giờ nên dễ huy động. Tổ có nhiệm vụ thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ xảy ra cháy nổ, cứu nạn cứu hộ tại địa phương. Bên cạnh đó, các tổ còn tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. “Lực lượng vũ trang trên địa bàn đóng vai trò nòng cốt trong mô hình “Tổ phản ứng nhanh chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ – lực lượng vũ trang”. Để nâng cao kỹ năng cho các thành viên, Ban Chỉ huy Quân sự quận phối hợp cùng lực lượng công an địa phương tham mưu với UBND quận ban hành kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ của tổ phản ứng nhanh của từng phường để góp phần nâng cao công tác phòng cháy, chữa cháy trên toàn địa bàn”, Trung tá Trung cho biết.
Thúy Kiều
Bình luận (0)