Theo TS.BS Nguyễn Đình Phú – Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 TP.HCM – do sức yếu khi tuổi đã cao người già thường hay bị té ngã và hậu quả là dễ bị gãy di lệch liên mấu chuyển xương đùi. Trước đây, việc phẫu thuật thay khớp háng đối với người cao tuổi rất khó khăn. Tuy nhiên, gần đây nhờ ứng dụng kỹ thuật cao mà BV Nhân dân 115 đã mổ thành công nhiều ca thay khớp háng cho các bệnh nhân (BN) lớn tuổi.
TS.BS Nguyễn Đình Phú và cụ bà Nguyễn Thị Th. (ảnh do BV Nhân dân 115 cung cấp) |
Có thể coi đây là những thành tựu rất đáng ghi nhận của BV Nhân dân 115 trong việc ứng dụng kỹ thuật hiện đại để đem lại sức khỏe bình thường cho những người lớn tuổi sau khi được thay khớp háng ít xâm lấn.
Nguy cơ rình rập trong phẫu thuật
BS Phú khẳng định, hiện nay phẫu thuật thay khớp háng là một giải pháp điều trị thật sự an toàn và hiệu quả cho những BN có bệnh lý hay chấn thương về khớp háng. Tuy nhiên, sau khi mổ BN cần được thầy thuốc dặn dò kỹ trong việc phục hồi chức năng xương khớp qua các bài tập sức khỏe hàng ngày, nhất là các bài tập tăng cường sức khỏe cho cơ vùng đùi và quanh khớp háng. |
Không ít BN lớn tuổi ngày hôm qua còn đi lại bình thường nhưng sau một cú ngã bất ngờ đã nằm một chỗ để con cháu phải phục vụ mà nguyên nhân là do xương khớp háng bị tổn thương nặng. Ngày 14-12-2015 cụ bà Nguyễn Thị Th. 103 tuổi, ngụ ở Q.4 phải nhập viện sau cú ngã do bị trượt chân ở trong nhà trong tình trạng đùi trái sưng to gây đau nhức không thể đứng lên đi lại bình thường được. Sau khi khám và chụp X quang, các BS chẩn đoán cụ bị gãy di lệch liên mấu chuyển xương đùi ở khớp háng cần phải mổ thay khớp háng. Trước đó BV Q.Tân Phú cũng đã có ca chuyển viện đến BV Nhân dân 115 cho một BN đã trên 90 tuổi bị gãy cổ xương đùi trái để phẫu thuật thay khớp háng ít xâm lấn. BS Phan Văn Báu – Giám đốc BV Nhân dân 115 cho biết, đây chỉ là 2 trong hàng trăm trường hợp BN lớn tuổi bị gãy di lệch liên mấu xương đùi đã được thay khớp háng thành công trong năm 2015. Theo BS Báu, trước đây BN lớn tuổi bị gãy di lệch liên mấu chuyển xương đùi rất khó khắc phục do điều kiện kỹ thuật chưa cho phép hơn nữa sức khỏe của họ cũng rất yếu, ít được chỉ định mổ vì quá trình phẫu thuật vô cùng phức tạp. Nếu đã được phẫu thuật thì cũng cần nhiều thời gian để hồi phục như ban đầu. Vì thế BN sẽ rơi vào tình trạng đau nhức kéo dài, đi lại khó khăn và có thể không ngồi dậy được sau một thời gian dài. Nhiều người còn bị lở loét, nhiễm trùng và viêm phổi sau đó do bệnh kéo dài nên dần dần kiệt sức và có thể dẫn đến tử vong trong đau đớn. Vì thế phẫu thuật thay khớp háng kịp thời không chỉ cắt đứt cơn đau mà còn cứu được mạng sống cho chính mình. BS Phú cũng cho biết, đa số BN lớn tuổi thường có nguy cơ huyết áp cao, bệnh tim mạch, cơ địa BN lại yếu nên nguy cơ tử vong trong phẫu thuật không thể tính toán được. Vì thế ê-kíp phẫu thuật cần phải chuẩn bị chặt chẽ tiên lượng được những chuyện ngoài ý muốn có thể xảy ra. Nếu các ca mổ bình thường được phép kéo dài thời gian thì các ca mổ “đặc biệt” này không bao giờ cho phép mà càng được nhanh thì càng tốt. Gây mê hồi sức phải đủ liều lượng, ít quá thì không đủ mà nhiều quá cũng không được. Sau khi gây mê lại càng theo dõi kỹ và chặt chẽ hơn để ngăn ngừa các rủi ro về các biến chứng, trong đó nguy hiểm nhất là nhồi máu cơ tim. Do “sức tàn hơi kiệt” nên ca mổ người cao tuổi không được lãng phí máu mà phải hạn chế tối đa tình trạng mất máu trong phẫu thuật.
Giải pháp an toàn và hiệu quả
Sau khi thay khớp háng, BN cần được thầy thuốc dặn dò kỹ trong việc phục hồi chức năng xương khớp qua các bài tập sức khỏe hàng ngày, nhất là các bài tập tăng cường sức khỏe cho cơ vùng đùi và quanh khớp háng. BN dễ dàng hồi phục khi độ linh hoạt của khớp tăng sau khi mổ nếu có bài tập tăng dần một cách hợp lý. Ngoài đi bộ đơn thuần, những bài tập có thể thực hiện sau phẫu thuật như: Tập cơ mông, tập gấp gối và háng, tập khép và dang háng, tập khớp cổ chân… BN không nên ngần ngại mà cần được BS tư vấn khi ngồi lái xe và quan hệ vợ chồng sau khi phẫu thuật khớp háng. Không nên ngồi ghế quá thấp kể cả lúc đi vệ sinh, không ngồi “bắt chân chữ ngũ”, xoay chân vào trong hay gấp đùi về phía bụng quá nhiều. Kết quả phục hồi tốt hay không đều phụ thuộc vào quá trình tập luyện của BN “hậu phẫu thuật”. “Nếu được giảm mức độ hoạt động và cả giảm trọng lượng cơ thể để tăng sức bền cho khớp thì càng tốt thêm. Thực tế đã chứng minh nhiều BN cơ bản có chất lượng cuộc sống bình thường sau mổ thay khớp háng” – BS Phú khẳng định.
Hương Thủy
Bình luận (0)