Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 quy định nội dung về giáo dục địa phương được triển khai theo đặc thù của từng địa phương. Qua tính mở và phương thức giảng dạy đổi mới, tích hợp trong hoạt động trải nghiệm và môn học, học sinh tiểu học đã sớm được tiếp cận với những kiến thức xã hội, lịch sử, địa lý; từ đó hiểu hơn về vùng đất mà các em đang sinh sống.
Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận 11) trong một tiết dạy lồng ghép kiến thức về địa phương cho học sinh lớp 1 (ảnh minh họa)
Tại TP.HCM, việc giáo dục lịch sử, địa lý địa phương được xây dựng xoay quanh những vấn đề về văn hóa, lịch sử, kinh tế, thời sự của thành phố, thiết kế theo vòng tròn đồng tâm gồm 6 chủ đề: Quê hương em, Danh nhân lịch sử văn hóa, Làng nghề truyền thống, Ẩm thực địa phương, Di tích lịch sử văn hóa, Văn hóa ứng xử. Từ khung chung, mỗi trường căn cứ vào đặc thù của đơn vị, địa bàn để triển khai nội dung giáo dục này một cách phù hợp.
Học sinh lớp 1… làm hướng dẫn viên
Nằm trên địa bàn phường Bến Thành (quận 1), nội dung giáo dục địa phương được Trường Tiểu học Nguyễn Huệ tập trung giới thiệu đến học sinh là những công trình, kiến thức địa lý, lịch sử nổi bật của phường và quận, như chợ Bến Thành, cột cờ Thủ Ngữ, dinh Độc Lập, bến Nhà Rồng…, hay đơn giản hơn là giới thiệu về các con đường, khu phố. Cô Bùi Thị Thanh (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết ngay từ hè năm học trước, giáo viên khối lớp 1 đã tìm hiểu, nghiên cứu chương trình, liệt kê các địa danh cần giáo dục cho học sinh. Nội dung giáo dục được cụ thể hóa trong các buổi sinh hoạt chuyên môn. Ngoài lồng ghép trong môn học, nội dung giáo dục địa phương sẽ được thực hiện theo chuyên đề, đặc biệt là trong hoạt động trải nghiệm. Khi lồng ghép, giáo viên phải khéo léo gắn với kiến thức lịch sử, địa danh trên địa bàn quận 1 và phường Bến Thành.
Cùng với các bài học, Trường Tiểu học Nguyễn Huệ cũng tạo môi trường “đậm đặc” kiến thức địa phương thông qua thư viện mở. Tại đây trưng bày, triển lãm các tranh, ảnh về danh lam thắng cảnh địa phương kết hợp kênh hình, kênh chữ do chính giáo viên khối lớp 1 thực hiện để thu hút học sinh. “Mục tiêu của nội dung giáo dục địa phương cho học sinh lớp 1 là nhằm giúp các em nhận diện bước đầu về địa phương, thành phố mà các em đang sống, bồi đắp cho các em tình yêu quê hương, đất nước, hiểu về những điều gần gũi nhất xung quanh mình. Vì thế, để hiệu quả trước hết chính giáo viên phải hiểu và yêu địa phương, thành phố mà mình đang sống để giáo dục học sinh một cách tự nhiên, không khiên cưỡng”, cô Thanh chia sẻ.
Sau một năm đưa nội dung giáo dục địa phương vào giảng dạy cho học sinh lớp 1, thầy Văn Nhật Phương (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, quận 11) hào hứng khoe: “Học sinh trường tôi giờ làm hướng dẫn viên du lịch được rồi!”. Nhà trường vận dụng linh hoạt, phối hợp trong các môn học, hoạt động trải nghiệm hay từ những nội dung giáo dục thường ngày. Giới thiệu các di tích trên địa bàn quận, giới thiệu tên đường, tên trường, giới thiệu các món ăn đặc trưng ngay trong bữa ăn bán trú. Xa hơn là các chuyến đi trải nghiệm để học sinh biết nhiều hơn về TP.HCM… “Quận 11 có nghề truyền thống là làm lồng đèn. Do đó, các em học sinh lớp 1 không chỉ được giới thiệu, trải nghiệm thiết kế lồng đèn trong các chuyên đề giáo dục mà còn được trực tiếp tham quan, giao lưu tìm hiểu nghề này với nghệ nhân làng nghề…”, thầy Phương cho biết.
Sáng tạo trong mùa dịch
Giáo dục địa phương là nội dung mới trong Chương trình GDPT 2018 nhằm hướng đến mục tiêu tổng thể của chương trình là phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực học sinh. Bằng nhiều hình thức triển khai, đảm bảo trang bị cho học sinh những kiến thức gần gũi nhất về địa phương, thành phố mà các em đang sinh sống. Trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, đại diện nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM cho rằng, để mục tiêu giáo dục địa phương đem lại hiệu quả như mong đợi thì từ năm học 2021-2022, các trường và giáo viên phải đổi mới hơn nữa trong tổ chức, giúp học sinh tiếp cận nội dung này sâu hơn. “Các tiết học trải nghiệm đưa học sinh đến những địa danh lịch sử, văn hóa có thể sẽ được thay bằng các hoạt động giáo dục tại chỗ. Có thể trao cơ hội cho học sinh tự thu thập thông tin về địa danh đó, nhờ phụ huynh cùng vào cuộc với định hướng của giáo viên. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giáo dục địa phương, tăng thêm kênh hình, kênh chữ…”, cô Bùi Thị Thanh nêu ví dụ. Cô Thanh nhìn nhận, bản thân Chương trình GDPT 2018 đã đòi hỏi giáo viên phải vận động liên tục để đưa những kiến thức, kỹ năng gần gũi nhất đến với học sinh, gắn kết các em với những thực tế của địa phương, công việc của ba mẹ. Do vậy, trong bối cảnh dịch bệnh, sự vận động đó cần “dịch chuyển” theo hướng thích nghi, dài hơi, cho học sinh được khám phá, tìm hiểu…
Giáo dục địa phương là nội dung mới trong Chương trình GDPT 2018 nhằm hướng đến mục tiêu tổng thể của chương trình là phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực học sinh. |
Cùng chung quan điểm, cô Nguyễn Thị Lệ Hằng (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Văn Tần, quận 6) phân tích, các thiết chế văn hóa trên địa bàn phường, quận, thành phố sẽ gắn với những câu chuyện về lịch sử, địa lý. Song, không phải cứ đến tận nơi thì học sinh mới hình dung và hiểu về những câu chuyện đó. “Trong điều kiện dịch bệnh, giáo viên có thể sưu tầm những thước phim, hình ảnh, tư liệu về địa danh; tổ chức cho học sinh vẽ, tìm hiểu về địa danh hoặc tổ chức dựng phim về địa danh đó. Quan trọng nhất là trong mọi hoạt động học sinh phải được trực tiếp tham gia”, cô Hằng nói. Bên cạnh đó, cô Hằng cũng nhấn mạnh, từ mỗi tiết học, khi có điều kiện giáo viên nên lồng ghép các nội dung về giáo dục địa phương một cách sinh động. Để thổi được hồn địa phương vào trong bài giảng, không phải giáo viên thích đưa nội dung nào vào thì đưa mà đòi hỏi phải có sự tính toán sao cho hài hòa, phù hợp. Muốn vậy, ngoài sự đổi mới, sáng tạo, giáo viên còn phải chịu khó. Bởi, để học sinh tiểu học hiểu và yêu về địa phương, thành phố các em đang sống thì trước hết mỗi giáo viên phải có kiến thức sâu rộng về địa phương, thành phố nhằm chọn lọc và lồng ghép cho phù hợp. Đôi khi chỉ một chi tiết, một câu chuyện nhỏ về địa danh đó nhưng lại mang ý nghĩa giáo dục cực kỳ lớn.
Đánh giá về hiệu quả triển khai nội dung giáo dục địa phương cho học sinh lớp 1 trong năm học vừa qua, bà Lâm Hồng Lãm Thúy (Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM) khẳng định, các trường đã triển khai rất linh hoạt với những nội dung hết sức gần gũi, thân quen với học sinh. Hình thành một cách tự nhiên và khắc sâu nơi các em ý thức về tình yêu quê hương, lòng biết ơn, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học, góp phần bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hóa của TP.HCM. “Để nội dung giáo dục này tiếp tục phát huy hiệu quả, trong năm học tới các trường và giáo viên phải linh hoạt và sáng tạo hơn nữa, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp”, bà Thúy cho biết.
Bài, ảnh: Đ.Yến
Bình luận (0)