Nội trú vốn là nhu cầu của phụ huynh và học sinh ở mọi quốc gia từ nhiều thập niên qua. Khoảng 15 năm trở lại đây, tại TP.HCM, mô hình trường tư thục nội trú phát triển ngày càng mạnh nhiều cả về số lượng lẫn chất lượng. Hãy cùng phóng viên Báo Giáo dục TP.HCM tìm đến một số trường nội trú, gặp BGH nhà trường, một số phụ huynh học sinh để có cái nhìn thực sự khách quan, đầy đủ của loại hình đào tạo này.
Và sân bóng Trường TH, THCS và THPT Ngô Thời Nhiệm
1. Học sinh của trường nội trú – không hư như chúng ta nghĩ
Đa phần học sinh nội trú là con em của những gia đình bận rộn làm ăn. Do áp lực công việc, không có điều kiện để chăm sóc con cái của mình, phụ huynh muốn có một môi trường giáo dục tốt để thay mình chăm sóc, bảo vệ con em tránh xa những cám dỗ và tệ nạn xã hội…
Cũng có không ít học sinh nội trú do chưa ngoan, khó dạy bảo nên cha mẹ gửi vào trường nhờ thầy cô dạy dỗ, uốn nắn theo phương pháp sư phạm tốt nhất để tu sửa mình. Trong quá trình nội trú, được hòa đồng với bạn bè, giáo viên quan tâm nên các em đã có những thay đổi tích cực trong suy nghĩ, trưởng thành hơn và sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và tập thể.
Trước đây, chúng tôi cứ nghĩ học sinh nội trú là những em nhà xa, ở tỉnh lẻ, tìm học nội trú để học tốt, để thi vào đại học và du học nhưng khi trò chuyện, tiếp xúc trực tiếp với học sinh trường Ngô Thời Nhiệm thì mới thấy, có rất nhiều học sinh chăm ngoan, học khá giỏi, có hộ khẩu TP.HCM, thậm chí nhà ở rất gần trường, phụ huynh không bận rộn công việc cũng thích và đang theo học nội trú tại ngôi trường này. Bởi lẽ, trường nội trú giúp các em rèn tính tự lập, có thêm bạn, được học tối với thầy cô bạn bè khi gia đình không thể chỉ bài cho các em.
Thực tế, cũng có học sinh không chịu ở nội trú vì sợ mất tự do trong khuôn phép của nhà trường, số khác lại thiếu bản lĩnh, không dám rời khỏi vòng tay chiều nuông của cha mẹ. Đến trường Ngô Thời Nhiệm một buổi tối tháng 9. Không gian nội trú thật gần gũi thân tình. Hai tiếng truy bài tối nghiêm túc; phút giải lao sau giờ học tối thật sôi nổi hân hoan, bữa ăn nhẹ buổi tối rôm rả tiếng cười. Nhiều phụ huynh học sinh thăm con đang học nội trú ở trường Ngô Thời Nhiệm cho chúng tôi biết, chính môi trường nội trú đã giúp con em họ đi vào nề nếp, học hành tiến bộ hơn và trưởng thành hơn trong nhận thức, nhất là lên đại học và đi du học, các em thích nghi nhanh với ký túc xá sinh viên và tự lập khi sống xa nhà.
2. Mô hình quản lý trường nội trú – thước đo của chất lượng và niềm tin
Có thể khẳng định, trường nội trú tư thục không phải là trại lính. Đó thực sự là ngôi nhà thứ hai của học sinh bởi các em ở trong trường suốt tuần, suốt tháng, thậm chí chỉ về nhà vào đợt nghỉ dài ngày. Từ ngôi nhà thứ hai này, từ tình thương và trách nhiệm của thầy cô – những người cha người mẹ thứ hai, bao cái tôi học đường thật đẹp được xây nên. Nhiều thế hệ học sinh nội trú khôn lớn từng ngày, từng giờ, ra trường thành đạt và có đóng góp tích cực cho xã hội. Ngôi trường nội trú chính là tổ ấm thân thương, là chỗ dựa vững chắc cho bao thế hệ học sinh rèn luyện, trưởng thành.
Hoạt động khép kín của môi trường nội trú giúp các em học sinh có nhiều thời gian và động lực hơn để học tập, không phải mất nhiều thời gian di chuyển tới lớp, về nhà hay bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Việc tạo ra mô hình khép kín ăn ở và học tập như các trường Nguyễn Khuyến, Ngô Thời Nhiệm đang làm đã giúp học sinh có nhiều thời gian hơn. Đó là lý do mà tỷ lệ đậu đại học ở những trường đại học tốt tại đây luôn rất cao. Các em được rèn luyện, ý thức việc học tập từ rất sớm.
Ở nội trú, từng khung giờ nghỉ ngơi, ăn uống, học tập, tập thể dục… đều có nghiên cứu kỹ, theo các phác đồ khoa học giúp cho các em học thêm được nhiều thói quen tốt. Ngoài ra, phụ huynh rất an tâm vì việc ăn uống trong nội trú an toàn, không phải lo lắng chuyện con ăn uống bên ngoài mất vệ sinh, có thể bị ngộ độc thực phẩm.
Một phụ huynh ở huyện Gò Dầu (Tây Ninh) cho biết, chị cho con gái đầu theo học trường Nguyễn Khuyến từ năm lớp 10. Sau hơn một năm ở nội trú, lực học của con tốt hơn vì có bạn bè cùng học tập. Sinh hoạt cá nhân của con có nhiều cải thiện đáng kể. Những thói quen bừa bộn, ngủ dậy muộn, làm biếng, phụ thuộc vào cha mẹ đã không còn. Tất cả mọi sinh hoạt cá nhân đã được con tự làm một cách nhanh chóng và thuần thục. Chị còn chia sẻ, mấy năm nữa cậu con út đến tuổi vào phổ thông, chị tiếp tục gửi con theo học tại nội trú ở thành phố. Nó không chỉ giúp cho các em học hành tiến bộ mà còn rèn luyện thêm nhiều đức tính tự lập khác.
Hồ bơi Trường TH, THCS và THPT Ngô Thời Nhiệm
Tuy vậy, vẫn còn đó, những điều tiếng không hay về giáo viên vô cảm với học trò. Tai nạn trường học vẫn còn xảy ra (bạo lực học đường, ngộ độc thực phẩm, tự tử…) Đó là nỗi lo chung cho mọi ngôi trường và toàn xã hội chứ không riêng trường nội trú tư thục. Phụ huynh và xã hội cần nhìn nhận công tâm những mặt hạn chế và những mặt tích cực của trường nội trú tư thục để lựa chọn ngôi trường phù hợp cho con em theo học, mặt khác, góp phần thúc đẩy sự phát triển của giáo dục ngoài công lập nói riêng và nền giáo dục nước nhà nói chung. Thành công của trường Ngô Thời Nhiệm, Nguyễn Khuyến, Hồng Đức, Hồng Hà… là minh chứng rõ ràng để khẳng định, trường nội trú đang đóng góp phần đáng kể cho phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục, giải quyết chỗ học, giảm đi những tệ nạn xã hội mà các cơ quan quản lý, ngành giáo dục và phụ huynh đang rất quan tâm.
3. Để trường nội trú trở thành ngôi nhà thứ hai của học sinh
Đó không phải lý thuyết suông. Đó là tầm nhìn chiến lược, là tâm huyết của những nhà đầu tư và trách nhiệm của những người liên quan đến giáo dục thông qua những hành động thiết thực, cụ thể. Trường nội trú sẽ là ngôi nhà thứ hai của học sinh khi:
Cơ sở vật chất phải đầy đủ, tiện nghi: phòng ở, điều kiện sinh hoạt đảm bảo cho học sinh được thoải mái, rèn luyện tri thức và thể chất, thẩm mỹ. Các dịch vụ chăm sóc y tế vui chơi cho học sinh sau giờ học và ngày nghỉ cuối tuần phải đa dạng, giúp các em phát triển phẩm chất và năng lực.
Đội ngũ giáo viên phải đủ Tâm và Tầm: vừa trí tuệ, vừa thân tình, vừa nghiêm khắc vừa tận tâm thương yêu học trò. Thầy cô nội trú phải có năng lực sư phạm, trình độ chuyên môn tốt để hướng dẫn, giải đáp, tư vấn cho các em các vấn đề trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Môi trường nội trú phải văn minh và thực tiễn: vận dụng linh hoạt chương trình giáo dục phổ thông mới, đáp ứng nhu cầu của người học, giúp học sinh rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống, có khả năng tự lập, dễ thích ứng với môi trường mới, hòa nhập cộng đồng tốt. Việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, kiến thức cho học sinh trường nội trú hay ngoại trú, bán trú đều cần sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội và cần nhiều hơn sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ từ lãnh đạo ngành giáo dục các cấp. Có như vậy, trường nội trú tư thục không phải là bức tranh màu xám như suy nghĩ của một số người. Ở đó còn có màu đỏ rực rỡ của nhiệt huyết, màu xanh dịu mát của tình thầy trò, màu hồng tươi tắn của tình bạn…
Môi trường nội trú đang là sự lựa chọn của rất nhiều phụ huynh và học sinh trên khắp cả nước. Năm học 2020-2021, trường Ngô Thời Nhiệm có 2.400 học sinh nội trú 1.200 tại TP.HCM và 1.200 tại Bình Dương. Và hàng ngàn học sinh nội trú đang theo học tại các trường khác trên khắp cả nước đã cho thấy một vấn đề cốt lõi, khi trường học thực sự trở thành ngôi nhà thứ hai, học sinh sẽ càng thiết tha gắn bó và có trách nhiệm với mái ấm học đường mình đang theo học.
Thúy Vĩnh
Bình luận (0)