Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hiệu trưởng biết quan tâm và lắng nghe

Tạp Chí Giáo Dục

Để tạo động lực cho mỗi thành viên trong nhà trường phấn đấu, người hiệu trưởng phải biết quan tâm đến cấp dưới (ảnh minh họa). Ảnh: A.Khôi

Người quản lý giỏi là một người luôn biết quan tâm đến mọi người và hiểu rõ hoàn cảnh của người khác để có thể bố trí công việc lao động phù hợp với từng đối tượng. Khi đó năng suất lao động được bảo đảm theo đúng kế hoạch đã dự trù. Đặc biệt khi xử lý các tình huống xảy ra trong trường mình thì người hiệu trưởng còn phải biết vận dụng các học thuyết để giải quyết hợp tình hợp lý mới làm cho mọi người nể phục và làm việc có hiệu quả hơn. Để biết được điều này có đúng không, chúng ta sẽ cùng nhau xem cách giải quyết tình huống sau của hiệu trưởng Trường Tiểu học S. ở quận X.
Cô Lê Thị Vy được phân dạy lớp 2 một buổi. Cô là một giáo viên năng nổ, nhiệt tình trong công tác, nhưng cô có một khuyết điểm là thường xuyên đi trễ. Mặc dù đã được phó hiệu trưởng và tổ trưởng chuyên môn nhắc nhở nhưng cô vẫn không thay đổi. Phó hiệu trưởng báo cáo tình trạng của cô Vy cho hiệu trưởng biết. Sau khi nghe về tình trạng đi trễ của cô Vy, hiệu trưởng đã không vội vã mời cô Vy lên làm việc mà âm thầm tìm hiểu hoàn cảnh gia đình cô. Khi biết được tình cảnh nhà cô Vy, hiệu trưởng rất cảm thông vì cô có một mẹ già bị liệt nửa người, chồng lại là bộ đội thường hay đi công tác xa, con gái chỉ mới 2 tuổi. Mỗi sáng cô đều phải làm vệ sinh và cho mẹ mình ăn sáng, chở con đi học rồi mới đi làm nên thường xuyên đi trễ. Nắm được hoàn cảnh gia đình cô Vy, hiệu trưởng mời cô lên làm việc và cho biết lý do mời cô lên để làm việc. Sau đó, hiệu trưởng để cho cô Vy trình bày lý do vì sao mình đi trễ. Thấy cô Vy trình bày hoàn cảnh đúng như mình đã tìm hiểu, hiệu trưởng đã không vội vàng đưa ra kết luận mà phân tích cho cô thấy được lỗi sai khi đi trễ làm ảnh hưởng đến tập thể và vi phạm đến quy chế chuyên môn. Ngoài ra, hiệu trưởng đã cho cô Vy trình bày nguyện vọng của mình để khắc phục tình trạng đi trễ.
Cô Vy mong muốn nhà trường tạo điều kiện để mình vừa có thể đi làm vừa có thể chăm sóc mẹ và con nhỏ. Thầy hiệu trưởng đã cho cô Vy trở về lớp và nói sẽ xem xét trường hợp của cô. Sau đó, hiệu trưởng đã tiến hành họp với phó hiệu trưởng chuyên môn để đưa ra cách giải quyết cho cô Vy. Khi đã thống nhất, Ban Giám hiệu đã đưa ra cách giải quyết như sau: Thứ nhất, sắp xếp cho cô Vy dạy lớp tiếng Anh tăng cường. Ở lớp tiếng Anh tăng cường thì một tuần cô Vy sẽ được nghỉ 8 tiết. Những tiết này sẽ được sắp xếp vào đầu giờ sáng để cô có thể vừa chăm sóc gia đình và không đi trễ nữa. Đồng thời khi họp hội đồng sư phạm hiệu trưởng sẽ nói cho các giáo viên khác biết về hoàn cảnh của cô Vy để thông cảm và không có sự so sánh hoặc suy nghĩ tiêu cực. Thứ hai, hiệu trưởng phối hợp với công đoàn và tổ khối có thể giúp đỡ cho cô Vy giảm bớt những cuộc thi mà phải đi nhiều. Khi đã có cách giải quyết, hiệu trưởng đã mời cô Vy lên trao đổi. Cô vui khi hoàn cảnh gia đình của mình được thầy hiệu trưởng thông cảm và sắp xếp hợp lý. Ngoài ra cô sẽ cố gắng khắc phục công việc gia đình để hoàn thành tốt công việc giảng dạy của mình.
Qua tình huống trên cho chúng ta thấy hiệu trưởng đã vận dụng tốt các học thuyết theo trường phái hành vi: Quản lý theo quan điểm hành vi nhấn mạnh đến vai trò của yếu tố tâm lý, tình cảm, quan hệ xã hội của con người trong công việc. Tư tưởng này cho rằng, hiệu quả của quản lý do năng suất lao động quyết định, nhưng năng suất lao động không chỉ do các yếu tố nguyên tắc hành chính và vật chất quyết định mà còn do sự thỏa mãn các nhu cầu tâm lý, xã hội của con người.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học S. đã vận dụng học thuyết của Mary Parker Follett (1863-1933): Quan tâm đến người lao động trong quá trình giải quyết vấn đề; nhà quản lý phải linh động, không quá nguyên tắc cứng nhắc; thực hiện tốt 4 nguyên tắc của Mary Parker Follett: Người chịu trách nhiệm ra quyết định phải có sự tiếp xúc trực tiếp; sự phối hợp luôn giữ vai trò quan trọng trong suốt giai đoạn đầu của kế hoạch và quá trình thực hiện kế hoạch; sự phối hợp cần nhắm đến yếu tố trong từng tình huống cụ thể; sự phân phối phải được tiến hành liên tục.
Từ cách giải quyết sự việc trên cho chúng ta thấy, người quản lý phải có cách làm và xử lý công việc khoa học, biết quan tâm và lắng nghe thì mới có thể tăng sự truyền thông với các đồng nghiệp, cấp dưới, tạo sự uy tín đối với nhân viên và những người xung quanh mình. Tạo động lực để mỗi thành viên trong nhà trường cùng thực hiện nhiệm vụ đưa trường ngày càng phát triển hơn.
Nghiêm Ý – Phạm Thị Ngọc Liên

Bình luận (0)