Hiện nay, ngành giáo dục đang từng ngày đổi mới để đáp ứng sự kỳ vọng của người dân và phát triển của xã hội. Trong đó, vai trò quản lý của người hiệu trưởng rất quan trọng: phải biết tổ chức công việc nhà trường một cách khoa học; biết sắp xếp bộ máy nhà trường luôn trong trạng thái hoạt động tích cực; các đoàn thể phối hợp với nhau thật nhịp nhàng để đạt hiệu quả cao nhất trong công việc…
Nhưng trong thực tế, tôi biết ở trường nọ nhiều giáo viên than phiền “trường tôi đang công tác hiệu trưởng có cái “tôi” quá lớn, xem chức vụ hiệu trưởng đang giữ quá to nên từ việc lớn đến việc nhỏ luôn muốn cấp dưới phục tùng triệt để”. Hiệu trưởng luôn tỏ ra mình là nhân vật quan trọng nên thường các buổi họp ông chủ trì bao giờ cũng đến trễ hơn 10 phút với dáng đi oai vệ cho mọi người chú ý; ông luôn cố chấp và tỏ thái độ xem thường đồng nghiệp dù tuổi đời người đó cao hơn mình, quyết định ông ban ra bao giờ cũng cho là đúng tuyệt đối; ông không lắng nghe ý kiến đồng nghiệp góp ý, luôn giải quyết chuyện cơ quan gần như là “gia trưởng” chứ không phải dựa vào chuyên môn nghiệp vụ của người cán bộ quản lý. Giáo viên nào không hài lòng cách làm việc của ông, góp ý thì ông liên tục dự giờ, có khi chỉ báo trước 10-15 phút. Sau tiết dạy ông nhận xét chê nhiều hơn khen, đánh giá tiết dạy còn hạn chế chỗ này, chỗ nọ nhưng không chỉ ra được biện pháp khắc phục. Có khi ông còn so sánh giáo viên trường mình chuyên môn dạy yếu không bằng giáo viên trường mà trước đó ông từng công tác…
Việc thăm lớp, dự giờ là chuyện bình thường của người cán bộ quản lý. Điều quan trọng là sau tiết dự giờ ấy, người cán bộ quản lý có giúp giáo viên biết điều chỉnh phương pháp, hình thức giảng dạy để nâng cao tay nghề hay không? Tuy nhiên, những việc làm “bất thường” của hiệu trưởng trên làm tăng thêm áp lực cho giáo viên, chưa nói tâm lý giáo viên bất an vì không hiểu tại sao mình được dự giờ nhiều, kể cả có báo trước và đột xuất. Kết quả có khi ngoài mong đợi của hiệu trưởng, đó là nhiều lúc giáo viên dạy qua loa chiếu lệ theo kiểu “trả nợ quỷ thần” cho xong tiết mà không cần để ý đến hiệu quả tiết dạy, học sinh có nắm được bài học hay không… Chưa hết, mọi hoạt động ngoại khóa ở trường gần như hiệu trưởng “gom hết” về mình, ông tham gia một cách tích cực với vai trò then chốt, quyết định tất cả mọi chuyện mà không dám giao cho các bộ phận khác trong trường, bởi ông không tin tưởng ai, sợ mọi người không hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ cao. Nhiều giáo viên đặt câu hỏi: Ông làm như vậy có phải là người hiệu trưởng toàn năng hay gia trưởng toàn quyền?
Để trở thành hiệu trưởng toàn năng trong cuộc xây dựng trường học hạnh phúc đòi hỏi người hiệu trưởng phải có tài quản lý, biết ưu điểm, nhược điểm, cá tính của cán bộ, giáo viên mà phân công nhiệm vụ hay giao công việc thích hợp. Có như vậy mọi hoạt động, công việc trong nhà trường mới diễn ra trôi chảy và hoàn thành tốt. Người hiệu trưởng toàn năng phải sâu sát chỉ đạo chuyên môn, tăng cường công tác thăm lớp, dự giờ, biết tổ chức hoạt động ngoại khóa một cách bài bản, và luôn là người khởi xướng để tạo ra bầu không khí vui vẻ đầy tiếng cười trong đơn vị. Có như thế mới xứng đáng là người hiệu trưởng vừa có tài, vừa có đức.
Trần Văn Tám
Bình luận (0)