Tại trường tiểu học X. có cô giáo A. đã chuyển về trường giảng dạy được 3 năm, 2 năm đầu cô đều đạt chiến sĩ thi đua (CSTĐ) cơ sở; năm học vừa rồi cô đăng ký CSTĐ thành phố (vì cô đủ tiêu chuẩn đạt CSTĐ cơ sở) và đã đạt CSTĐ thành phố. Đầu năm học này cô A. gặp hiệu trưởng và đề nghị làm hồ sơ để cô nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT vì đã là CSTĐ thành phố và 3 lần đạt giáo viên (GV) giỏi cấp thành phố. Như vậy đã đủ tiêu chuẩn để xét nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT.
Xử lý của hiệu trưởng
Cô hiệu trưởng nói: “Làm hồ sơ nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT rất nhiêu khê, tôi chưa từng làm và không biết gồm những hồ sơ gì, thôi năm nay cô A. hãy cứ đăng ký lại CSTĐ cơ sở là được rồi”. Hiệu trưởng còn nói thêm: “Cô đừng có tham vọng cao quá, cứ chấp nhận đăng ký CSTĐ cơ sở rồi lại đăng ký CSTĐ thành phố, cần gì phải bằng khen của bộ, mà chắc gì nộp hồ sơ được xét”.
Cô A. rất bức xúc. Tuy cô biết rõ tiêu chuẩn về việc đăng ký nhận bằng khen của bộ nhưng cô không thể tự mình nộp hồ sơ đăng ký vì phải thông qua nhà trường, thông qua hiệu trưởng. Năm học đó cô A. cũng chỉ đăng ký CSTĐ cơ sở. Từ đó, cô dạy không còn hăng hái, tích cực như những năm học trước. Và cô cũng quyết định cuối năm học này sẽ xin chuyển đi trường khác.
Nhận xét
Theo tôi, cách giải quyết của cô hiệu trưởng trong trường hợp này là chưa hợp lý. Trước hết, hiệu trưởng chưa nắm vững nguyên tắc đảm bảo tính chính trị, vì không nắm rõ những tiêu chuẩn, hồ sơ thủ tục đề nghị nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT. Hiệu trưởng cũng không đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ. Đúng ra hiệu trưởng phải lấy ý kiến của hội đồng sư phạm, hội đồng thi đua về việc cô A. muốn đăng ký xét nhận bằng khen của bộ thì lại tự mình đưa ra quyết định, chưa phát huy được quyền làm chủ của CB-GV-CNV nhà trường. Cách giải quyết trên cũng chưa đảm bảo nguyên tắc khoa học. Hiệu trưởng có thể hỏi bộ phận thi đua – khen thưởng của phòng GD-ĐT về các loại thủ tục, hồ sơ đăng ký xét nhận bằng khen của bộ. Hiệu trưởng chưa vận dụng đúng các kiến thức khoa học giáo dục, tâm lý học lứa tuổi (cô A. cũng đã lớn tuổi, có lòng tự trọng cao). Đặc biệt trong cách giải quyết trên, hiệu trưởng đã không chú ý nguyên tắc quan tâm đến con người, cách giải quyết đó không động viên, kích thích GV phấn đấu để đạt những giải thưởng cao; không kết hợp hài hòa giữa lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân vì nếu cô A. đạt được bằng khen của bộ thì trường cũng có thành tích tốt…
Hiệu trưởng trường X. cần làm hồ sơ để cô A. được xét chọn nhận bằng khen của bộ, nếu chưa từng làm thì bây giờ nên làm; còn về hồ sơ thủ tục có thể hỏi trường khác hoặc liên hệ trực tiếp bộ phận thi đua – khen thưởng của phòng GD-ĐT. Nếu hiệu trưởng làm như vậy sẽ khuyến khích được người tài, tạo lòng tin ở GV. Hiệu trưởng không nên ngại khó mà đánh mất một thành tích đáng ra đã có cho cô A., cho nhà trường.
Rất mong nhận được ý kiến của bạn đọc.
Nguyễn Hoàng Oanh (HV khóa 31-HTTH, ĐH Sài Gòn)
Bình luận (0)