GS.TS Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, nói rằng, so với 10 năm trước, có thể nhận thấy giáo dục ĐH ở Việt Nam có quá trình thay đổi lớn, trong đó phải kể đến tự chủ ĐH. Tuy nhiên, quá trình tự chủ có rất nhiều vấn đề. Theo ông Quân, từ năm 1993, ĐH Quốc gia Hà Nội chính thức hoạt động theo cơ chế tự chủ. Do đó, luôn được coi nhận cơ chế tốt nhất, song khi triển khai thực tế vướng rất nhiều luật. Điều này dẫn đến độ trễ tới 3-5 năm, khoảng thời gian vốn có thể phát triển sang một bước mới.
Ông Quân cho rằng, Quốc hội đã dành nhiều thời gian, ra nhiều nghị quyết cho một số cơ chế đặc thù khác nhau, nhưng chưa có những cơ chế đặc thù về giáo dục ĐH. Ông nêu thực tế, khi thực hiện tự chủ ĐH, vai trò của hiệu trưởng rất quan trọng. Nhưng ngay tại ĐH Quốc gia Hà Nội, hiện tại tìm được một hiệu trưởng giỏi rất khó khăn. “Trong vài năm qua, đã có 2-3 hiệu trưởng xin thôi chức vụ này để chuyển sang một vị trí khác. Chúng tôi phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận và có những cách động viên khác nhau. Nhưng điều này cho thấy, đây dần dần là một công việc áp lực để quản trị và có rất nhiều sức ép”, ông nói.
Sinh viên trong lễ khai giảng năm học mới 2023 – 2024 Ảnh: Duy Phạm
Một trong những áp lực khi thực hiện tự chủ là tài chính. Ông Quân nhận định, đầu tư cho giáo dục ĐH trên đầu sinh viên của Việt Nam đang thấp, nhưng hiệu quả đạt được có thể nói khá cao. Tuy nhiên, nếu đào tạo tràn lan, quy mô lớn mà không biết sinh viên ra trường sau này chất lượng đến đâu, hiệu quả như thế nào thì điều này đồng nghĩa với việc người học đang phải trả chi phí cơ hội. Cơ hội mất đi, khiến người học phải làm lại rất nhiều thứ sau này.
Ông Quân khẳng định, bài toán đầu tư gắn liền với chất lượng là bài toán mà thể chế, chính sách hiện nay cần tập trung. Chất lượng giáo dục ĐH hiện đang tập trung vào các chỉ số như chỉ tiêu đào tạo, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm… Ông đề xuất cần có thêm phân tích, đánh giá chính sách trong thời gian tới. Rất nhiều nơi đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn, nhưng chưa rõ tiêu chuẩn đó đáp ứng được chất lượng như thế nào.
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch Quốc hội, cho rằng quy mô giáo dục ĐH của nước ta dù tăng nhưng chưa đủ đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế tri thức. Kinh phí đầu tư cho giáo dục ĐH còn thấp. Chính sách xã hội hóa giáo dục chưa thực sự thu hút được nhiều thành phần xã hội tham gia. |
Về đào tạo giảng viên ĐH, cần gắn liền với chất lượng đào tạo tiến sĩ. Nếu không nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, Việt Nam sẽ không có giảng viên đại học giỏi. Bài toán này trong thể chế, trong chính sách cũng cần có những ưu tiên.
Tự chủ không chạy theo số lượng
Nhìn cơ chế tự chủ như một động lực để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, GS.TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Dược TPHCM, cho rằng, cần bảo đảm đủ số lượng nhưng chất lượng nhân lực cũng cần được đặc biệt coi trọng. Đơn cử ở ngành y, theo lộ trình nhân lực y tế đến năm 2030 của Việt Nam cơ bản đạt được, không cần tăng số lượng nên phải tăng chất lượng. Trong giai đoạn tới, quy định mở ngành, mở trường, cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực cho ngành… phải đồng bộ, nhất quán, cốt lõi. Theo ông Tuấn, nhìn rộng ra, thúc đẩy tự chủ ĐH đúng nghĩa chính là thúc đẩy các cơ sở giáo dục ĐH tập trung vào chất lượng. Vấn đề là cơ chế, chính sách phải để các trường thoát khỏi “mũ” đơn vị sự nghiệp công lập theo kiểu quản lý bao cấp.
Theo giám đốc ĐH Đà Nẵng, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, trong bối cảnh hiện nay, cần đặt tự chủ ĐH làm trung tâm trong vấn đề xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách. Theo đó, hệ thống pháp luật cần đồng bộ, nhất quán, tính tới yếu tố đặc thù của các trường ĐH trong số các đơn vị sự nghiệp công lập, tính đến vai trò sở hữu, vai trò bộ chủ quản đối với các cơ sở giáo dục ĐH tư thục.
Ông Vũ cho rằng, để khắc phục hạn chế, bất cập, thúc đẩy kiến tạo, đổi mới tự chủ ĐH trở thành khâu đột phá, động lực mới để phát triển, cần một loạt nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, trước hết là nâng cao nhận thức, hoàn thiện pháp lý về tự chủ ĐH. Ở đây, cần hoàn thiện pháp lý tự chủ ĐH tiếp cận trên quan điểm về chủ sở hữu. Cơ chế, chính sách về đổi mới tự chủ ĐH không những cần đáp ứng mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn của cơ sở giáo dục ĐH mà phải bám sát yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, đặc biệt là chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, tự chủ ĐH hiện còn nhiều vướng mắc về thể chế, chính sách. Vướng mắc lớn nhất là tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH áp dụng các quy định như đơn vị sự nghiệp công lập khác, chưa có chính sách, cơ chế đặc thù. Thời gian tới, cần tạo được hành lang pháp lý để tự chủ ĐH thực sự có chiều sâu. Từ đó rà soát cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật, nhìn nhận những chồng chéo, cản trở, mâu thuẫn để sửa đổi, mở đường cho tự chủ ĐH bứt phá, nâng cao chất lượng.
Theo Nghiêm Huê/TPO
Bình luận (0)