Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hiệu trưởng đảm bảo tính tập trung dân chủ

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường Tiểu học Tân Thông (Củ Chi, TP.HCM) học theo mô hình VNEN (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh
Trường tiểu học T. được coi là “trung tâm chất lượng cao” của huyện. Nơi đấy chính là “vườn ươm” học sinh (HS) giỏi đi thi cấp thành phố. Vì thế, đội ngũ giáo viên (GV) rất tài năng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giáo dục huyện nhà. Do đó, công tác bồi dưỡng đội ngũ GV, tuyển chọn bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng trở thành một trong những vấn đề cấp thiết của người quản lý.
Vào năm học này trường có một GV nghỉ hưu, một GV buộc phải chuyển nơi khác vì năng lực chuyên môn quá yếu, không đáp ứng được yêu cầu dạy học ở mức độ cao của HS. Không lâu sau đó, có hai GV (cô Lan và cô Vy) cầm quyết định của phòng GD-ĐT đến trình với hiệu trưởng để nhận công tác. Là người làm hiệu trưởng nhiều năm, có mối quan hệ khá rộng, ông biết ngay đây là hai trường hợp có vấn đề. Cô Lan là em dâu của ông trưởng phòng tài vụ huyện, có thế mạnh đối với ngành giáo dục. Còn cô Vy là vợ của hiệu trưởng trường THPT, chỗ thân tình và gắn bó với phó chủ tịch huyện phụ trách văn xã, đã giúp đỡ nhiều mặt với phòng GD-ĐT. Thật đáng tiếc là cả hai người đều là GV dạy vào loại trung bình yếu ở các trường khác xin chuyển về. Giá như “chín bỏ làm mười” thì cũng có thể chấp nhận được. Và nó có tình mà vẫn đạt lý. Nhưng đằng này… “bốn bỏ làm mười” thì thật là khó xử.
Vậy người quản lý nên ứng xử thế nào cho trên thuận dưới hòa, trong ấm ngoài êm mà vẫn đảm bảo được yêu cầu của “trung tâm chất lượng cao”?
Cách xử lý của hiệu trưởng
Là trường chất lượng cao, hiệu trưởng được quyền tuyển chọn GV. Vì thế, ông quyết định phải tổ chức một quy trình tuyển chọn có bài bản để đảm bảo tính dân chủ, công khai, thấu tình đạt lý, tránh hậu quả xấu về sau. Quy trình tuyển chọn theo các bước. Bước 1: Hiệu trưởng đề nghị hai cô nộp hồ sơ để ông xem xét, thẩm định lại những thông tin mà ông đã biết được về họ. Đồng thời tham khảo thêm những nguồn thông tin không chính thức để có những định hướng, yêu cầu cần thiết và dự kiến giải tỏa những tình huống bất trắc có thể xảy ra trong các quan hệ “đối ngoại” khá phức tạp. Bước 2: Đề xuất một số yêu cầu có tính nguyên tắc đối với các GV về trường có chất lượng cao nhưng cũng phải mở ra quy định mềm ở mức độ cho phép để đảm bảo mối tương quan hợp lý giữa phần cứng và phần mềm. Thí dụ, GV là người yêu nghề, có trách nhiệm, có ý chí phấn đấu vươn lên; được đào tạo chuẩn hóa, hoặc sẽ tích cực tham gia vào công tác bồi dưỡng để chuẩn hóa; qua một kỳ kiểm tra, đánh giá về tay nghề… Bước 3: Tổ chức một hội đồng kiểm tra, đánh giá kết quả các tiết dạy thử nghiệm mà thành phần đảm bảo được tính khách quan, công bằng, trung thực, công khai để có thể tự giải tỏa được những mối quan hệ đa dạng, phức tạp có liên quan đến đối tượng tuyển chọn. Thành phần hội đồng kiểm tra gồm: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng chuyên môn của trường, tổ trưởng chuyên môn các khối, chủ tịch công đoàn, cán bộ chuyên môn đại diện cho phòng GD-ĐT… Bước 4: Tổ chức dạy thử nghiệm để đánh giá. Tất cả các giờ của cô Lan và cô Vy dạy thử nghiệm ở đây đều là các giờ đã dạy nhiều lần ở trường cũ. Tiến trình dự giờ, đánh giá xếp loại đều tiến hành theo quy trình của phòng GD-ĐT. Nhưng trước khi dự giờ, hiệu trưởng trình bày rõ mục đích, yêu cầu tuyển chọn GV ở trường này (đã nêu ở trên) để mọi người thông hiểu và có định hướng đúng đắn về đợt dự giờ kiểm tra đánh giá xếp loại lần này nhằm hạn chế bớt những yếu tố tiêu cực có thể xảy ra. Bước 5: Kết quả đánh giá xếp loại tổng hợp theo phiếu kín: Cả hai cô đều chỉ đạt loại trung bình (có khá nhiều phiếu xếp loại yếu, số phiếu xếp loại khá rất ít). Sự đánh giá đó là tương đối khách quan, đúng mức, chính bản thân hai cô giáo cũng tự thấy mình giảng dạy còn yếu so với nhiều GV ở đây (vì trước đó hai cô đã xin dự một số giờ của các GV trường này). Sau đó, hiệu trưởng căn cứ vào yêu cầu tuyển chọn GV, xin ý kiến đề xuất cả các thành viên trong hội đồng kiểm tra. Tất cả mọi người đều khẳng định: Nên chuyển hai cô này sang trường khác thì thuận hơn.
Sau đó ông trình bày toàn bộ sự việc với lãnh đạo phòng GD-ĐT. Dường như ông trưởng phòng GD-ĐT cũng bị một sức ép về vấn đề này, nên khi nghe hiệu trưởng trình bày lại chủ kiến của mình và cách giải quyết thì ông cười sảng khoái nói: “Khá lắm, cậu khá lắm, mình hoàn toàn nhất trí”.
Sau sự việc này, có người ngại rằng quan hệ đối ngoại của hiệu trưởng có thể sẽ gặp khó khăn. Nhưng thực tế thì lại khác hẳn, phòng GD-ĐT tỏ ra tín nhiệm hiệu trưởng hơn xưa. Uy tín của hiệu trưởng được nâng cao. Đúng là “cây ngay không sợ chết đứng”…
Nhận xét
Theo tôi, cách giải quyết của hiệu trưởng rất tốt, đã vận dụng khéo léo các nguyên tắc cơ bản trong quản lý giáo dục sau: Trước hết, hiệu trưởng đã tuân thủ đúng các quy chế của ngành, các quy định của pháp luật (yêu cầu hai cô nộp hồ sơ để có cơ sở xem xét), tôn trọng quyết định của cấp trên. Đảm bảo tốt tính chính trị.
Thứ hai, tổ chức một hội đồng kiểm tra, đánh giá kết quả các tiết dạy thử nghiệm mà thành phần đảm bảo được tính khách quan, công bằng trung thực, công khai đa chiều. Đánh giá xếp loại bằng phiếu kín. Sau đó, hiệu trưởng căn cứ vào yêu cầu tuyển chọn GV, xin ý kiến đề xuất của các thành viên trong hội đồng kiểm tra. Hiệu trưởng đảm bảo tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Thứ ba, tổ chức một quy trình tuyển chọn có bài bản theo từng bước, bảo đảm tính dân chủ, công khai, thấu tình đạt lý, tránh hậu quả xấu về sau. Quy trình tuyển chọn các bước theo tiêu chí rõ ràng và đúng đắn. Đó là đảm bảo nguyên tắc khoa học. Thứ tư, việc hiệu trưởng quyết định tổ chức các bước tuyển chọn theo tiêu chí trên là rất chú ý đến yếu tố con người. Vì đây là một ngôi trường đào tạo tài năng của huyện nên nếu nhận hai GV yếu về trường thì thiệt thòi cho HS những lớp được hai cô trực tiếp giảng dạy. Cuối cùng, hiệu trưởng vận dụng, kết hợp hài hòa các lợi ích. Ở đây các yếu tố đảm bảo hài hòa các lợi ích được vận dụng một cách có hiệu quả nhất qua việc đảm bảo được trên thuận dưới hòa, trong ấm ngoài êm mà vẫn đảm bảo được yêu cầu của trung tâm chất lượng cao.
Nguyễn Thị Thanh Tâm
Để là một nhà quản lý tốt, phải biết vận dụng các nguyên tắc cơ bản trong quản lý giáo dục một cách mềm dẻo, hài hòa khi giải quyết các tình huống giáo dục thì sẽ đạt được kết quả một cách tốt nhất.
 

Bình luận (0)