Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hiệu trưởng độc đoán, quan liêu

Tạp Chí Giáo Dục

Muốn giáo viên nhiệt tình trong công tác, người quản lý cần làm việc trên nguyên tắc tập trung  dân chủ và khoa học (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: N.T
Ở trường tôi dạy học cách đây vài năm có thầy hiệu trưởng mới chuyển về. Thầy hiệu trưởng B. nổi tiếng trong cả quận là người rất nóng tính và luôn có chế độ “kỷ luật sắt” đối với tập thể giáo viên. Vừa về trường, thầy đã lên kế hoạch chỉnh đốn lại nội quy của trường. Với bất cứ giáo viên nào không hoàn thành hồ sơ sổ sách hay vi phạm bất cứ điều gì trong nội quy, thầy cũng yêu cầu đưa ra hội đồng kỷ luật.
Cô Tâm là một giáo viên trẻ giảng dạy tốt; cô rất năng động, nhiệt tình trong công tác, có trách nhiệm với công việc; cô là một giáo viên giỏi, gương mẫu và chưa làm mất lòng bất kỳ ai trong trường. Tất cả giáo viên, phụ huynh, học sinh đều quý mến cô. Một lần, cô Tâm đến lớp muộn, lý do là trên đường đi cô gặp một cụ già bị tai nạn nên đã đưa cụ vào bệnh viện, vì thế cô đã đến trường trễ giờ lên lớp. Thầy hiệu trưởng đứng trước cửa lớp chờ cô Tâm đến. Vừa thấy cô, thầy đã lớn tiếng mắng, dứt khoát không cho cô vào lớp dạy tiếp các tiết trong buổi học và thầy cũng không thèm nghe cô giải thích lý do đến muộn. Sau đó, thầy tự ra quyết định kỷ luật cô Tâm vì đã vi phạm quy chế chuyên môn. Sau sự việc đó, cô Tâm trở nên rất buồn, cô mặc cảm với tất cả giáo viên trong trường vì bị hiệu trưởng mắng; cô không còn năng động với công tác của đoàn thể như trước đây. Sau vụ việc đó, cả trường không ai dám đi trễ nữa, không khí thân mật, tình cảm trong nội bộ nhà trường đã không còn và thay thế đó là bầu không khí căng thẳng, nặng nề.
Phân tích cách giải quyết của hiệu trưởng
Xét về góc độ quản lý trong tình huống trên, thứ nhất thầy hiệu trưởng chưa đảm bảo nguyên tắc chú trọng đến yếu tố con người. Thầy giải quyết công việc chỉ biết mình mà chẳng biết người, thiếu minh mẫn, thiếu tỉnh táo và quan trọng là thầy quá thiếu tình người. Ở đây, cô Tâm là một giáo viên rất năng động, nhiệt tình trong công tác, không chỉ thế cô còn là một giáo viên gương mẫu; thế nhưng qua cách xử lý của hiệu trưởng đã biến cô Tâm trở thành một người khác: Thụ động, hết nhiệt huyết.
Hiệu trưởng là người có phong cách độc đoán, quan liêu. Thầy chưa thông qua hội đồng kỷ luật của trường, chưa lắng nghe ý kiến tư vấn của phó hiệu trưởng, chưa nắm được thông tin chính xác từ sự việc, từ tập thể sư phạm mà tự ra quyết định kỷ luật cô Tâm là đã thiếu khách quan, chưa đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ. Hiệu trưởng muốn đảm bảo sự chỉ huy thống nhất nhưng cách xử lý như trên lại không đúng đắn, thiếu tâm lý, thiếu dân chủ dẫn đến hậu quả không tốt trong mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới; từ đó dẫn đến sự bất mãn của giáo viên, gây mất đoàn kết trong nội bộ nhà trường.
Việc tự ra quyết định kỷ luật cô Tâm của hiệu trưởng cũng không đảm bảo tính chính trị, vì thầy chưa thông qua hội đồng kỷ luật – chưa nắm vững quy trình kỷ luật giáo viên. Hiệu trưởng cũng chưa đảm bảo nguyên tắc khoa học khi giải quyết công việc. Thầy cần nhìn thấy xuyên suốt quá trình công tác, cô Tâm là một giáo viên rất nghiêm túc trong công việc để từ đó xem xét sự việc xảy ra một cách khách quan, có trình tự hợp lý. Chắc chắn khi đó thầy sẽ có hướng giải quyết khác hợp lý hơn.
Cách giải quyết của cá nhân
Theo tôi, để giải quyết tình huống trên một cách có hiệu quả thì hiệu trưởng cần giải quyết theo trình tự như sau:
Trường hợp 1: Nếu cô Tâm đến lớp muộn so với thời gian quy định chỉ từ 3 đến 5 phút thì hiệu trưởng cần phải linh hoạt để cô tiếp tục giảng bài nhằm tránh tình trạng học sinh bị mất bài học. Sau đó hiệu trưởng sẽ gặp và trao đổi với phó hiệu trưởng và tổ trưởng chuyên môn phụ trách khối cô Tâm giảng dạy để trao đổi và đề nghị nhắc nhở cô đi đúng giờ theo nội quy của nhà trường. Trường hợp 2: Nếu cô Tâm đến lớp quá muộn thì hiệu trưởng cần điều động giáo viên dự khuyết lên quản lý và ôn tập cho học sinh để lớp không ồn, gây ảnh hưởng tới hoạt động học tập của lớp khác và tổ chức dạy bù bài sau. Sau đó hiệu trưởng sẽ mời cô Tâm lên văn phòng để tìm hiểu sự việc. Thầy cần có thái độ bình tĩnh, từ tốn, thân mật, lắng nghe cô Tâm trình bày sự việc một cách đầy đủ, tường tận. Khi biết cô Tâm đến muộn vì một việc nhân nghĩa thì thầy cần tỏ thái độ thông cảm và hoan nghênh vì cô đã nhanh nhạy linh hoạt giải quyết trong tình huống đó và sau đó xác minh, kiểm tra lại sự việc có chính xác như vậy không. Nếu làm như vậy hiệu trưởng đã đảm bảo nguyên tắc chú trọng đến yếu tố con người, có như thế mới phát huy những mặt tốt của tập thể giáo viên. Tiếp theo, hiệu trưởng sẽ gặp phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn trao đổi, lắng nghe ý kiến tư vấn và vào cuộc họp hội đồng sư phạm gần nhất, thầy đưa vấn đề ra trước hội đồng sư phạm, trao đổi về việc đi muộn của cô Tâm cho thật rõ ràng, chắc chắn mọi người ai cũng thông cảm và đồng tình ủng hộ việc làm “nghĩa cả” của cô Tâm.
Bằng những trình tự giải quyết sự việc như thế, thầy hiệu trưởng sẽ đảm bảo nguyên tắc khoa học và tập trung dân chủ. Nhân cơ hội này, một mặt hiệu trưởng cần phải tuyên dương cô Tâm có hành vi tốt đẹp thể hiện tình cảm yêu thương con người, đồng thời qua đó cũng nhắc nhở mọi người phải thực hiện tốt kỷ cương, nề nếp nội quy của nhà trường, mọi người vi phạm đều phải có lý do thật chính đáng, không thể tùy tiện nông nổi trong cách ứng xử. Nếu hiệu trưởng giải quyết sự việc như thế thì thầy cũng đảm bảo nguyên tắc chính trị, vừa phù hợp với luật pháp vừa có tình người và tôi tin rằng bên cạnh nhu cầu về vật chất thì mỗi chúng ta đều có nhu cầu về tinh thần, những lời lẽ vừa động viên chia sẻ vừa nhắc nhở góp ý sẽ giúp cho tất cả giáo viên vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ.
Người hiệu trưởng muốn thành công khi giải quyết các tình huống thì cần vận dụng tổng hợp các nguyên tắc quản lý, lựa chọn các phương pháp và hình thức tối ưu (thật khéo léo khi giải quyết tình huống, biết kết hợp hài hòa các lợi ích không chỉ cá nhân mà còn của cả tập thể nhà trường…).
Trần Thị Ngọc Uyên
(HV khóa 31 – HTTH, ĐH Sài  Gòn)
Rất mong nhận được ý kiến của bạn đọc. Các ý kiến xin gửi theo địa chỉ email: vandoanhta@gmail.com hoặc tantruc_tg@yahoo.com.
 

Bình luận (0)