Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hiệu trưởng giỏi như là thuyền trưởng giỏi

Tạp Chí Giáo Dục

Là tổng phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh ở trường tiểu học, sau khi đọc đề thi giải quyết tình huống giáo dục lần thứ XI của nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký đưa ra, tôi thấy rất thú vị và bổ ích. Về cách điều hành của hai ông hiệu trưởng, tôi xin trình bày cách giải quyết của mình như sau:
1. Cách điều hành công việc của ông hiệu trưởng trường A tôi thấy chưa thuyết phục lắm, vì trước hết đối với người hiệu trưởng, ngoài công việc chính được phân công ra còn có nhiều công việc khác cần phải quan tâm như của ngành hay cơ quan trực thuộc đoàn thể ngoài xã hội… thì thời gian đâu còn nhiều mà thường xuyên đi dự giờ giáo viên. Kế đến công việc chào cờ đầu tuần tôi cũng không hài lòng, lấy kinh nghiệm từ bản thân là tổng phụ trách Đội điều hành công việc này, ngay từ đầu năm học tôi chỉ tập dượt cho học sinh vài lần là đi vào nền nếp quy củ, từ đó sáng thứ hai hàng tuần khi có hiệu lệnh trống là học sinh tự động tập trung ra sân lễ đúng chỗ trường quy định sẵn nên không cần giáo viên hay hiệu trưởng hò hét đốc thúc. Còn chuyện các hoạt động ngoại khóa ông hiệu trưởng tham gia một cách tự nguyện và tích cực là điều đáng quý, bởi vì khó có hiệu trưởng nào dám mạnh dạn xông vào các phong trào này bởi vì còn đòi hỏi năng lực và năng khiếu nữa.
Tóm lại, theo tôi, ông hiệu trưởng trường A chỉ đạt điểm ở phần tham gia các phong trào trong nhà trường một cách tự giác và tích cực, còn chuyện dự giờ nhiều và tham gia giữ trật tự, đốc thúc học sinh trong giờ chào cờ là không nên vì chuyện đó đã phân công cho bộ phận khác phụ trách.
2. Với cách giải quyết của ông hiệu trưởng trường B, thú thật tôi rất thích phong cách này, trước hết ông quản lý công việc bằng kế hoạch hết sức cụ thể, các bộ phận trong trường cần phải biết phối hợp với nhau để hoàn thành công việc chung của nhà trường. Họ phải chịu trách nhiệm với công việc của mình trước hiệu trưởng, ngay công việc chào cờ ông giao cho tổng phụ trách Đội quán xuyến, sở dĩ trước giờ chào cờ ông thong thả không lo là vì ông tin tưởng người đã được ông phân công điều hành, còn khi giới thiệu ông bước ra sân lễ học sinh vỗ tay là điều đương nhiên.
Do đó, theo ý tôi ông hiệu trưởng trường B chỉ hạn chế phần nhỏ đó là: khi giao việc cho các bộ phận giúp việc thì cần có kế hoạch kiểm tra tiến độ thực hiện để công việc chung nhà trường diễn ra đúng như kế hoạch đầu năm xây dựng. Còn như ông giải quyết công việc bằng kế hoạch mà mọi hoạt động trong nhà trường luôn trôi chảy, báo cáo thông tin hai chiều với cấp trên kịp thời, cuối năm hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu đăng ký với phòng GD-ĐT thì đó là điều đáng biểu dương.
3. Người hiệu trưởng trong giai đoạn hiện nay, nhất là làm thế nào để góp phần thực hiện tốt chủ đề của ngành GD-ĐT đặt ra là “Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện” thì người hiệu trưởng trước hết phải giống như người thuyền trưởng biết điều hành lèo lái nhà trường bằng kế hoạch cụ thể, có biện pháp thích hợp với sở trường, sở đoản của từng cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường, có như vậy mới phát huy được hết sức mạnh của đơn vị.
Cao Thị Mỹ Loan
(Tổng phụ trách Đội Trường TH Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)