Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hiệu trưởng Hai lúa Đỗ Văn Xê nói về học tập với sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

PGS.TS Đỗ Văn Xê bộc bạch: 'Nếu tôi cắt bỏ bớt thông tin xấu của trường thì các anh sẽ nói rằng tôi không còn là anh Hai lúa ngày xưa từ khi bước chân lên chốn phồn hoa đô hội…'.PGS.TS Đỗ Văn Xê đánh trống khai giảng /// Huy Sơn

PGS.TS Đỗ Văn Xê đánh trống khai giảng. Ảnh: Huy Sơn

Những lời này ông nói sáng nay trong lễ khai giảng Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, khi điểm lại chặng đường phát triển của trường, để chứng minh cái nhìn công bằng của mình.

Bài phát biểu của ông hết sức bình dị, dân dã và rặt chất “Hai lúa” của ông giáo miền sông nước Nam bộ. Ý nói “không cắt bỏ bớt thông tin xấu của trường”, có nghĩa là phải nêu ra cái gì chưa làm được, làm chưa tốt trong thời gian qua, để hướng về tương lai “ngày mai trời lại sáng”, đưa nhà trường phát triển tốt hơn.

Ông Xê nổi tiếng là người có tính tình bộc trực, nhìn ngay nói thẳng, vì thế bài phát biểu của ông dành được tình cảm của nhiều sinh viên tại lễ khai giảng. Ông vui vẻ nói: “Mặc dù phía trước vẫn còn không ít khó khăn, nhưng hôm nay tôi vui mừng báo với quý vị rằng tôi mới về đây là được chưa đầy 2 tháng, nhưng tôi đã có cảm giác ngôi trường này là nhà của tôi vì gặp cán bộ ai cũng có nụ cười trên môi như gặp người thân, gặp sinh viên đều thấy trên gương mặt rạng rỡ, thể hiện sự thông minh sáng sủa hơn gương mặt của tôi hồi nhỏ”.

Với tố chất thường hay xông pha vào công việc và gần gũi sinh viên, chỉ trong 2 tháng, Hiệu trưởng “Hai lúa” Đỗ Văn Xê đã sắp xếp lại trường và đưa ra phương châm “lấy sinh viên làm trung tâm”, các phòng trong nhà trường được tổ chức lại nhằm phục vụ tốt nhất việc giảng dạy của thầy cô giáo và học tập của sinh viên.

Ông nêu trong bài phát biểu là ông đã xây dựng 4 nhóm người trong trường được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên là: (1) Sinh viên – là nhóm người quan trọng nhất, là mục tiêu chính cho mọi hoạt động của trường. (2) Thầy cô giáo – là những người trực tiếp giảng dạy sinh viên, do đó phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cả vật chất lẫn tinh thần để thầy cô giảng dạy đạt kết quả tốt. (3) Cán bộ của các phòng – là những người có trách nhiệm hỗ trợ và phục vụ cho thầy và trò giảng dạy và học tập. (4) Ban giám hiệu – là những người điều hành các hoạt động của trường nhằm mục tiêu duy nhất là làm cho các hoạt động của trường được vận hành trôi chảy để tạo ra được lớp sinh viên có đầy đủ năng lực để phục vụ xã hội.

Ông chia sẻ với sinh viên: “Hằng ngày thầy nhìn thấy các em đến trường với khuôn mặt tươi cười rạng rỡ, thầy rất vui. Cho đến hôm nay trường mới sắp xếp được để thầy hiệu trưởng được gặp tất cả các em trong buổi lễ trang nghiêm và vui vẻ này. Thầy muốn nói với các em rằng các em là đối tượng chính mà tất cả các hoạt động của trường nhằm hướng tới để phục vụ”.

Thầy Xê cũng nhắc nhở: “Ngay cả khi trường tạo điều kiện đầy đủ, thầy cô dạy thật tốt nhưng các em không chịu cố gắng học thì cũng không thể đạt kết quả tốt được. Ngoài việc cần cù, chịu khó học tập và rèn luyện, các em cần phải có phương pháp học tập phù hợp. Trong thời đại ngày nay tri thức của loài người rất dồi dào, không thể học hết được trong một bữa mà phải học suốt đời. Không phải chỉ học khi ngồi trong lớp mà phải suy nghĩ, hệ thống hóa các kiến thức đã học, trao đổi với bạn bè để hiểu bài cặn kẻ hơn. Ngoài việc học các kiến thức do thầy cô dạy các em còn phải học cách học để có thể tự bổ sung kiến thức thì mới có thể đáp ứng được công việc khi đi làm”.

Theo Đăng Nguyên/TNO

 

Bình luận (0)