Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hiệu trưởng “năng động” dễ… sai quy định

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh đóng tiền học cho con tại Trường TH Trần Quang Khải, Q.1 (ảnh chụp đầu năm học 2012-2013)

Vừa qua, Ban Văn hóa – Xã hội (HĐND TP.HCM) đã làm việc với Q.1 và Q.7 về tình hình thực hiện cơ chế thu, sử dụng học phí, các khoản thu hộ, chi hộ đối với học sinh (HS) trên địa bàn từ năm học 2010-2011 đến năm học 2012-2013. Tại đây, nhiều hiệu trưởng thừa nhận, với các mức thu lỗi thời, cơ chế ràng buộc như hiện nay, nếu hiệu trưởng “năng động” thì rất dễ làm sai quy định…
Cứ làm là vướng quy định
Không ít cán bộ quản lý thừa nhận, làm hiệu trưởng trường công lập ở Việt Nam rất khổ. Thay vì lo cho các hoạt động chuyên môn thì cứ phải đau đầu tính toán chuyện tiền nong…
Thầy Hà Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường TH Lương Thế Vinh (Q.7), tâm tư: “Có nhiều mức thu hiện nay rất lỗi thời. Cụ thể như mức thu học phí buổi 2 (ở TH) chỉ có 30 ngàn đồng/tháng. Mức thu này đã có từ năm 1995 đến nay. Buổi 2, nếu chỉ đơn giản là rèn HS thành những “thợ” giỏi toán và tiếng Việt thì ít tốn kém. Nhưng để tổ chức được các hoạt động giúp HS phát triển toàn diện thì tốn rất nhiều công sức và thời gian. Với mức học phí 30 ngàn đồng/tháng, nhiều trường phải chọn phương án ít tốn kém, mà ít tốn kém thì thiệt thòi cho HS”. Thầy Ngô Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (Q.7), cũng cho biết: “Trường tổ chức học buổi 2 với mức học phí theo quy định là 50 ngàn đồng/tháng. Mỗi tuần HS học một buổi (4 tiết), một tháng 16 tiết, mỗi tiết chỉ có 3 ngàn đồng. 5 buổi còn lại trong tuần nhà trường không thể tổ chức gì thêm vì không có tiền trả. Nhà trường muốn thỏa thuận với phụ huynh để thu thêm mà không có hành lang pháp lý.
Trên thực tế, rất nhiều phụ huynh muốn nhà trường “thu thêm” để chăm sóc, giáo dục con em họ được tốt hơn. Thầy Phạm Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Phong (Q.7), bức xúc: “Mặc dù điểm đầu vào của nhà trường thấp nhưng nếu tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT không cao thì sẽ ảnh hưởng đến phong trào thi đua. Vì vậy, nhà trường phải tổ chức phụ đạo HS yếu và có thu tiền. Phụ huynh hoàn toàn đồng ý, bởi nếu để con em họ học ở bên ngoài thì rất tốn kém. Nhưng như vậy rất dễ bị cấp trên khiển trách vì làm sai quy định. Bên cạnh đó, nhà trường cũng có rất nhiều hoạt động ngoại khóa nhưng không thể lấy tiền từ ngân sách được mà phải “xin” phụ huynh. Nếu cứ chiếu theo quy chế thì có không ít sai phạm. “UBND TP cần tạo hành lang pháp lý để chúng tôi dễ làm việc. Nhà trường thỏa thuận với phụ huynh về các khoản thu hộ, chi hộ và công khai tài chính các hoạt động của trường. Nếu làm sai, chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm. Cứ phải chờ ngân sách như hiện nay thì không biết đến bao giờ mới cải thiện được hoạt động giảng dạy, nâng chất lượng đào tạo lên được”, thầy Tiến kiến nghị.
Cần điều chỉnh các mức thu
Cách đây 3 năm, Chính phủ đã ban hành nghị định số 49/2010/NĐ-CP quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015. Tuy nhiên, vì 1.001 lý do mà đến thời điểm này (đã hết năm học 2012-2013), TP.HCM vẫn chưa thực hiện việc điều chỉnh mức thu đối với các trường công lập. Chính vì vậy, việc điều chỉnh mức thu vào năm học mới 2013-2014 là hoàn toàn chính đáng. Vấn đề bây giờ là làm sao đưa ra mức thu hợp lý cho cả nhà trường lẫn phụ huynh. Điều này phần nào phụ thuộc vào cách chi như thế nào. Hiện nay, 80% học phí các trường thu được phải dùng để chi cho con người. Còn lại 20% của mức thu 15 ngàn đồng/tháng (đối với bậc THCS), 30 ngàn đồng/tháng (đối với bậc THPT), 40 ngàn đồng/tháng (nhà trẻ) và 50 ngàn đồng/tháng (mẫu giáo), nhà trường rất khó thực hiện các hoạt động khác. “Tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề chi như thế nào. Hiện nay 80% là chi cho con người, hiệu trưởng phải ngồi tính rất kỹ để có được cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy và học. Có không ít phụ huynh đã thắc mắc, năm nào họ cũng đóng tiền mà cơ sở vật chất không có gì thay đổi. Tôi kiến nghị: 40% học phí chi cho con người, thiếu thì ngân sách cấp bù. Còn lại 60% học phí dùng để đầu tư cho cơ sở vật chất”, thầy Bùi Minh Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thánh Tôn (Q.7), nêu ý kiến.
Tại Q.1, với khoản thu hộ, chi hộ như phí phục vụ bán trú đã tăng từ 50 ngàn đồng lên 120 ngàn đồng/tháng đối với mầm non và từ 30 ngàn đồng lên 100 ngàn đồng/tháng đối với TH và THCS nhưng cũng chỉ tạm đủ để trả lương cho bảo mẫu. Trong khi đó, ngoài bảo mẫu còn có nhiều người khác cũng tham gia vào hoạt động bán trú…
Từ thực tế trên, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Phó ban Văn hóa – Xã hội, khẳng định: “Tôi rất đồng tình với chủ trương điều chỉnh mức thu. Tuy nhiên, nếu tăng mức thu thì phải tăng chất lượng, tăng cơ sở vật chất”. Trong khi đó, ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, cho rằng: Mâu thuẫn lớn hiện nay là mong muốn của phụ huynh và sự đáp ứng của nhà trường, giữa thu và chi. Vì vậy, các quận/huyện cần tính toán để đầu tư cho các trường một cách hợp lý nhất. Tránh tình trạng “bên trọng bên khinh”. Đối với nhà trường, cái gì quy định cho làm thì nên làm như mở trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ để tăng thêm thu nhập cho giáo viên. Về phía Sở GD-ĐT, cần rà soát lại những quy định bất cập để tháo gỡ khó khăn cho các trường…
Bài, ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)