Trong những ngày lễ vừa qua có quá nhiều sự kiện để quan tâm nên mọi người ít chú ý đến một sự kiện nhỏ của xã hội nhưng có ý nghĩa lớn đối với hoạt động giáo dục, đó là việc Trường ĐH Việt – Nhật chính thức có Hiệu trưởng là người nước ngoài.
Ngày 29-4, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trao quyết định bổ nhiệm GS.TS Furuta Motoo, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật – Việt, Chủ tịch Hội Nhật Bản nghiên cứu Việt Nam, làm Hiệu trưởng Trường ĐH Việt – Nhật.
Như chúng ta đã biết, xây dựng hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam mang tầm khu vực và quốc tế là mục tiêu đã được Chính phủ xác định từ khá sớm. Mới đây, trong nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT lại nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2030 đưa nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Giáo dục với vai trò cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển đất nước nên không thể tụt hậu mãi so với các nước trong khu vực.
Trong những năm qua, nhiều trường ĐH đã có các nỗ lực đầu tư từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến đội ngũ giảng viên nhằm tiến tới nâng dần đẳng cấp của mình. Tuy nhiên, kết quả mang lại chưa nhiều, việc triển khai còn lúng túng. Điều này cũng dễ hiểu vì việc xây dựng một trường ĐH theo tiêu chuẩn quốc tế là rất tốn kém, trong khi nguồn lực trong nước còn hạn chế. Mặt khác, chúng ta còn thiếu nhiều kinh nghiệm quản trị trong lĩnh vực mới mẻ này.
Trong điều kiện còn hạn hẹp như vậy, muốn giáo dục ĐH đuổi kịp các nước, một trong các hướng đi là đẩy mạnh hợp tác giữa các trường ĐH trong nước với các trường ĐH uy tín nước ngoài, tiến tới xây dựng các ĐH quốc tế hoàn chỉnh với sự hỗ trợ của Chính phủ các nước. Mỗi nước có một thế mạnh sẽ mang lại sự phong phú và hoàn chỉnh cho hệ thống giáo dục ĐH trong nước. Đây là bước đi khôn ngoan trong điều kiện hiện nay. Xác định hướng đi này, từ năm 2006, Chính phủ đã chính thức khởi động chương trình xây dựng các trường ĐH chất lượng cao hay còn gọi trường ĐH đẳng cấp quốc tế.
Bởi vậy, việc lần đầu tiên ĐH Quốc gia Hà Nội bổ nhiệm hiệu trưởng một trường ĐH thành viên là người nước ngoài được coi là cuộc bứt phá về tổ chức nhân sự. Các nhà quản lý hiểu rằng việc bổ nhiệm như vậy sẽ mang lại nhiều điều lợi cho giáo dục ĐH trong nước. Phát biểu tại lễ nhậm chức, GS.TS Furuta Motoo cho biết ông sẽ phát triển Trường ĐH Việt – Nhật theo mô hình ĐH xuất sắc, hướng đến trở thành một trường ĐH nghiên cứu đạt trình độ quốc tế; đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có năng lực thực tiễn để đáp ứng nhu cầu của xã hội Việt Nam. Trường cũng hướng tới xây dựng mô hình trường ĐH mới tại Việt Nam, một trường ĐH có tính tự chủ cao. Để làm các điều trên, sắp tới sẽ có một lực lượng giảng viên đẳng cấp quốc tế đến từ Nhật tham gia vào quá trình đào tạo của trường. Không những một nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo, mà chúng ta còn học hỏi được ở họ cách quản lý, điều hành một trường ĐH đẳng cấp quốc tế cũng như mở rộng mối quan hệ với các nền giáo dục tiên tiến khác.
Cũng cần điểm qua, đến nay chương trình xây dựng các trường ĐH đẳng cấp quốc tế đã hình thành chính thức ba trường là Trường ĐH Việt – Đức (năm 2008, TP.HCM và Bình Dương), Trường ĐH Việt – Pháp (năm 2009, Hà Nội) và ĐH Việt – Nhật (2014, Hà Nội). Ngoài ra còn có hai trường ĐH khác đang từng bước hình thành là Trường ĐH Việt – Anh dự kiến sẽ đặt tại thành phố Đà Nẵng và gần đây, tháng 7-2015, tại thành phố New York (Mỹ) đã diễn ra lễ trao giấy chứng nhận đầu tư của lãnh đạo TP.HCM cho nhà đầu tư dự án Trường ĐH Fulbright Việt Nam.
Những bông hoa đầu mùa trên khẳng định tính đúng đắn của chủ trương chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong GD-ĐT.
Từ Nguyên Thạch
Bình luận (0)