Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 7-1, tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị, với sự tham dự của lãnh đạo gần 300 cơ sở giáo dục ĐH trong cả nước.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị 

Hội nghị tập trung thảo luận về các vấn đề trọng tâm của giáo dục ĐH, gồm: Các giải pháp nâng cao tỉ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; các giải pháp tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; đổi mới quản trị ĐH để thực hiện hiệu quả tự chủ ĐH.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Đây là hội nghị bàn về chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, vì vậy, từ những kiến nghị, giải pháp được đề xuất tại hội nghị, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành thành những thông tư, nghị định… tạo sự thông thoáng về cơ chế để các trường có thể sáng tạo, chủ động.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, chưa bao giờ ngành giáo dục đứng trước một thách thức rất lớn, đó là chất lượng giáo dục ĐH! Trước một nghịch lý: yêu cầu, nhu cầu về chất lượng giáo dục cao nhưng điều kiện đảm bảo chất lượng và môi trường cơ chế, thể chế còn nhiều vấn đề cần bàn. Để giải được bài toán này, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ xã hội, của cả thể chế, nhưng trước hết, các trường ĐH, hiệu trưởng các trường ĐH phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo. Theo Bộ trưởng, cơ sở đào tạo dành ít nguồn lực cho công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động nên có tình trạng những ngành truyền thống một thời rất mạnh, bây giờ gặp khó khăn; các ngành thị trường cần nhưng nhà trường lại không đủ điều kiện, năng lực để đáp ứng, chưa kể là những khó khăn từ môi trường cơ chế chính sách. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng, càng ngày nhu cầu thị trường lao động của các nước trong quá trình hội nhập quốc tế càng cao, nếu không chú ý đến việc nâng cao chất lượng đào tạo và dịch vụ thì sẽ thua ngay trên sân nhà.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích những nội dung chính tác động đến chất lượng đào tạo ĐH cũng như việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp như nguồn lực con người, chương trình và tài chính. Nói về giải pháp nâng cao tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho biết nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thất nghiệp như hiện nay là tỷ lệ nguồn nhân lực cung vượt cầu hoặc cơ cấu cung-cầu không gặp nhau; chất lượng nguồn nhân lực cung không phù hợp với chất lượng cầu; sự biến đổi không ngừng của nền kinh tế dẫn đến nhu cầu nhân lực thay đổi; tư vấn hướng nghiệp chưa được chú trọng… Ông Dũng đã đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ĐH, trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh đến mục tiêu người học ra trường có việc làm đúng ngành nghề, trong thời gian sớm nhất.

TS. Nguyễn Văn Minh (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cũng thừa nhận việc dự báo nhu cầu lao động của một số trường ĐH chưa thực sự tốt. Bên cạnh đó vấn đề giảng viên cũng còn nhiều chuyện cần bàn, một số giảng viên có công trình nghiên cứu nhưng không mang tính định hướng cũng không mang tính ứng dụng thực tiễn. “Chúng ta có nguyên vật liệu tốt nhưng lại thiếu đi bản vẽ tổng thể. Do đó cần thiết kế lại chương trình tổng thể về các ngành, các trường…”.

Bên cạnh các vấn đề đã nêu trên, hội nghị cũng chú trọng đến đổi mới quản trị ĐH, hướng tới tự chủ ĐH. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Nâng cao chất lượng đào tạo không thể nóng vội, cần phải có lộ trình và thực hiện quyết liệt, các trường ĐH phải tự chủ, nhưng tự chủ có lộ trình. Hiện 15 trường đang thực hiện tự chủ ĐH là thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm nhằm triển khai nhân rộng. Cơ quan quản lý Nhà nước vẫn cùng đồng hành với các trường thực hiện tự chủ, cấp kinh phí theo nhiệm vụ và chất lượng đào tạo, không phân biệt công lập hay tư thục. Các trường ĐH đều bình đẳng trước chất lượng đào tạo.

Vĩnh Yên

Bình luận (0)