Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển đã nhấn mạnh điều này trước lãnh đạo Sở GDĐT 5 thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ.
Bắt buộc phải xử lý sai phạmĐại diện nhiều Sở GDĐT đều có quan điểm rằng hiện nay ngân sách chi cho giáo dục còn hạn chế, trường và phụ huynh có thể phối hợp thu thêm những khoản hỗ trợ. Song quan trọng hơn cả là làm thế nào để việc thu, chi được minh bạch, dân chủ.
Phó GDĐT Sở GDĐT TP.HCM Nguyễn Tiến Đạt có ý kiến: “Hiện nay kinh phí rót về các địa phương là tương đương nhau chính vì thế để có thể phát triển thì cần sự góp sức của các phụ huynh. Trong 10 khoản Bộ dự kiến Hội phụ huynh không được phép thu thì nên cân nhắc bỏ 3 khoản đó là đóng góp để phục vụ dạy và học, phát triển cơ sở vật chất”. Vấn đề thu có gây bức xúc hay không phụ thuộc vào cách thức thực hiện của Ban giám hiệu các trường. Nếu làm minh bạch, công khai thu chi một cách rõ ràng thì chắc chắn phụ huynh sẽ không phản đối.
Đồng tình với quan điểm này, GĐ Sở GDĐT Cần Thơ Trần Trọng Khiếm cho biết, việc Hội cha mẹ học sinh có nên lập quỹ hỗ trợ việc dạy và học hay không cần được nghiên cứu lại bởi mỗi địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau.
Chánh Thanh tra Bộ GDĐT Nguyễn Huy Bằng thẳng thắn nhận định, xã hội rất quan tâm đến vấn đề thu chi đầu năm học, vì thế, nếu phát hiện sai phạm mà không xử lý mạnh mẽ, vẫn còn tư tưởng “ưu ái”, “bao che” thì chắc chắn khó xóa bỏ được tình trạng này mà sẽ ngày một nặng hơn. Ông Bằng nhấn mạnh, Bộ sẽ có tập huấn sâu về việc xử phạt các sai phạm này và đây là việc bắt buộc phải làm.
Ông Phạm Mạnh Hùng, Chánh Văn phòng Bộ GDĐT cũng khẳng định, không thể biện minh rằng ngân sách cấp không đủ dẫn tới chất lượng không đảm bảo bởi có những trường qua thực tế họ vẫn làm rất tốt dù không thu thêm của cha mẹ học sinh. Hiện tượng lạm thu rõ ràng là có, các địa phương có làm nhưng xử lý thì chưa được.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển nêu quan điểm: Bộ không cấm các địa phương nhận đóng góp tự nguyện từ các đơn vị, cá nhân, nhưng Hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm, đứng ra tiếp nhận và công khai rõ ràng mọi khoản thu chi. Việc Bộ đưa ra dự thảo Điều lệ Hội cha mẹ học sinh về các khoản không được phép thu nhằm chấn chỉnh một số nơi núp sau lưng của Hội này để làm những điều chưa đúng.
Có quyết tâm “diệt trừ” dạy thêm – học thêm?
Cùng với thu chi đầu năm, vấn đề dạy thêm – học thêm cũng luôn là điểm nóng được dư luận quan tâm. Vấn đề này năm học nào cũng được đặt ra nhưng chưa bao giờ được giải quyết dứt điểm.
Sau khi Bộ triển khai chương trình giảm tải, đã có nhiều ý kiến lo ngại rằng, giảm tải chương trình học chính khóa sẽ càng làm “nặng” hơn việc học thêm của học sinh vì phải lo đối phó với các kỳ thi quan trọng.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển chỉ ra một thực tế: Tình trạng dạy thêm – học thêm xuất phát từ nhiều yếu tố chứ không phải do giảm tải hay cắt bỏ chương trình. Bộ đã bỏ những phần không phù hợp trong SGK chứ không thay đổi hay bỏ kiến thức, chính vì thế, không thể lấy đó làm lý do cho việc dạy thêm – học thêm. Chính các Sở GDĐT phải là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ vấn đề này.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thẳng thắn: “Ở đây chúng ta đều có con hoặc cháu đi học thêm. Chúng ta biết căn bệnh của nó nên sẽ không khó để giải quyết, vấn đề là ở chỗ có quyết tâm hay không”.
Theo Nguyên Minh
(laodong)
Bình luận (0)