Những buổi sinh hoạt dưới cờ như thế này rất bổ ích đối với cả thầy lẫn trò(ảnh mang tính minh họa). Anh: T.Tr |
1. Như chúng ta đã biết, để thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học hay bất kì một phong trào nào của trường học thì hiệu trưởng các nhà trường phải có vai trò như những nhạc trưởng trong một giàn giao hưởng. Chỉ với một phép so sánh nhỏ, chúng ta đã thấy được vai trò vô cùng quan trọng của người hiệu trưởng. Quan trọng là thế nhưng có bao giờ chúng ta thử một lần nhìn lại phương thức quản lí hay cách cư xử của hiệu trưởng ở đơn vị mình chưa? Có bao giờ bạn dám “lên tiếng” khi cảm thấy một điều bất ổn ở cách quản lí của hiệu trưởng?… Câu trả lời phần lớn là chưa. Tình huống trên báo Giáo Dục với tiêu đề “Cô hiệu trưởng và bức thư không tên” và người “lên tiếng” là một học trò nhỏ là một tình huống hay vì trước nay việc “đụng chạm” đến cán bộ quản lý vẫn còn nhiều dè dặt.
Trước hết, tôi nghĩ cô Bích Ngọc là một nhà giáo có tâm vì cô rất quan tâm đến hoạt động giáo dục đạo đức của học sinh, đây là vấn đề cốt lõi và đầu tiên khi các em đặt chân đến trường. Cô biết quan tâm đến nguyện vọng của từng học sinh thông qua hộp thư “Điều em muốn nói” và “Hộp thư Điều em muốn nói với cô hiệu trưởng”. Nhưng vấn đề ở đây chính là cách mà cô Bích Ngọc thực hiện cái tâm ấy của mình. Mà cách thức thực hiện thì luôn thể hiện bằng hành động và lời nói, chúng ta có thể nhận thấy ngay sự “không ổn” trong cách cư xử của cô. Cô đã đánh mất sự tinh tế, nhạy cảm của một nhà quản lý để nhận lấy một kết quả cô không hề ngờ tới. Dẫu biết rằng cô nghiêm khắc nhưng tiếc thay sự nghiêm khắc ấy chưa đúng chỗ, chúng ta còn nhận thấy sự nóng vội ở cách cư xử của cô. Nên chăng cô hãy tìm hiểu kĩ nguyên nhân trước khi đưa ra lời phê bình, nếu cô bình tĩnh hơn thì sẽ không thể xảy ra việc phê bình một học sinh mới cắt a-mi-đan phải hát Quốc ca. Đặc biệt sự phê bình trước tập thể là một hình phạt rất nặng nề với tâm lí trẻ nhỏ. Có lẽ cô quên đi một điều rằng: cô đang là “đầu tàu”, là tấm gương mà bao học trò nhỏ noi theo. Cô cũng quên đi cô cũng là người Việt Nam, cô cũng cần phải chào cờ và hát Quốc ca trong buổi lễ chào cờ chứ. Chính những học trò nhỏ ấy đã cho cô thấy được cô là ai.
Thêm một chi tiết khá thú vị trong tình huống được đưa ra “Em kính tặng cô bức ảnh thay cho điều thứ hai muốn nói (Đó là bức hình chụp cảnh cô hiệu trưởng cùng chồng trên chiếc xe Honda đang vượt đèn đỏ ở một ngã tư nhỏ)”Có lẽ khi đọc thoáng qua chúng ta sẽ trách sao trò lại vô lễ thế, nhưng ngẫm nghĩ sẽ nhận thấy được sự bức xúc của các em. Sự bức xúc ấy được bắt nguồn từ nguyên nhân chính là do người lớn chúng ta. Tấm ảnh mà cô Bích Ngọc nhận được như gáo nước lạnh thứ hai tạt vào người cô, nhưng có lẽ lần này mới làm cô thật sự suy nghĩ về cách cư xử và lối sống của mình mà trước giờ cô chưa mấy quan tâm.
Nhưng vấn đề ở đây là cô phải làm gì. “Nóng giận. Xé tan bức thư bỏ sọt rác. Coi như không có chuyện gì xảy ra” điều này hoàn toàn không nên chút nào, vì hành động ấy càng thể hiện sự bảo thủ, thiếu tinh tế, không biết tiếp thu nơi cô. Trong 4 cách hành xử mà báo đưa ra, tôi không thật sự tán đồng cách nào cả. Tôi chưa nhận thấy được ý thức sửa chữa rõ ràng nơi cô Bích Ngọc:
+ Với 2 phương án đầu tôi xin không nói đến vì ai cũng nhận thấy rõ, một nhà giáo dục thì không thể có lối hành xử như thế.
+ Với phương án thứ 3, phần nào thể hiện ý thức của cô Bích Ngọc nhưng đây chưa phải là cách tinh tế nhất, vẫn còn mang hơi hướng rằng giáo viên cũng có lúc phải chịu thua trước học sinh.
+ Còn phương án 4, đây là cách tương đối “ổn”, nhưng tôi nhận thấy với cách này cô Bích Ngọc vẫn chưa tạo được sự “tâm phục, khẩu phục” hoàn toàn ở các em.
Từ suy nghĩ đó tôi xin đưa ra cách giải quyết của riêng tôi:
* Trước hết xin nói về thái độ: Có lẽ khi gặp tình huống trên khó ai có thể kiềm chế sự nóng giận của bản thân, thậm chí lúc này có thể uy quyền sẽ trỗi dậy và gây nên hậu quả nghiêm trọng hơn. Đầu tiên, tôi nghĩ cô Bích Ngọc cần hết sức bình tĩnh, cô hãy nhìn lại mình một lần thì sẽ biết mình phải làm gì.
* Về cách hành xử: Ở đây cô có hai đối tượng cần lưu ý để có cách hành xử phù hợp. Đối tượng thứ nhất chính là em học sinh mà cô đã phê bình. Cô có thể mời em lên, nhưng nhất thiết đừng đem quyền uy vào để nói chuyện vì chính cô bây giờ là “người cần được tha thứ”. Cô hãy tâm sự thật nhẹ nhàng nhưng cũng không nhận lỗi về mình (không nhận lỗi không có nghĩa là không sửa lỗi), cô có thể nói: “Cô nghe nói em vừa cắt a-mi-đan phải không. Giờ em đã khỏe và nói chuyện bình thường được chưa? Sao buổi chào cờ đầu tuần em không báo cho cô biết rằng em không hát được? Nếu em báo trước thì lúc đó cô không phê bình em như thế đâu. Lần sau có chuyện gì thì em nên nói để cô biết nhé!”. Với cách “tâm sự” như thế sẽ giúp cô giữ được sự kính trọng của các em, đồng thời học sinh cũng sẽ nghĩ do em không nói lí do với cô nên cô không biết.
Còn với đối tượng thứ hai là em học sinh đã gửi thư thì cô chỉ cần lặng lẽ giải tỏa sự bức xúc của em bằng cách hát thật to bài Quốc ca vào giờ chào cờ. Em sẽ thầm hiểu rằng: cô hiệu trưởng đã đọc và hiểu được điều em muốn nói. Đồng thời, cô cũng cần sinh hoạt trong nội bộ, nhắc nhở tất cả mọi người cần phải hát Quốc ca vào giờ sinh hoạt dưới cờ. Trẻ em rất hay thắc mắc nhưng cũng dễ tha thứ hơn người lớn chúng ta.
Qua tình huống trên, chắc chắn không chỉ cô Bích Ngọc mà tất cả giáo viên và cán bộ quản lí sẽ thầm cảm ơn lá thư ấy. Tất cả thêm một lần được nhìn lại mình, thêm một lần tự nhủ: Đừng bao giờ để mình phải nhận một lá thư không tên như thế”.
2. Qua tình huống trên với cách hành xử của cô Bích Ngọc làm tôi nhớ đến cuộc vận động xây dựng trường học thân thiện và học sinh tích cực khi bướcvào năm học 2008 -2009. Thật ra, đây không là điều quá mới mẻ, bởi vì những năm gần đây cùng với đẩy mạnh phương pháp giáo dục, Bộ GD-ĐT đã nhấn mạnh đến việc yêu cầu học sinh phát huy tính chủ động, tham gia các hoạt động giảng dạy của giáo viên. Tôi nghĩ rằng đây là một cuộc vận động thật sự hay và cần thiết. Với những nhiệm vụ mà cuộc vận động đưa ra, không chỉ học sinh được học tập kiến thức một cách có hệ thống trong một môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn mà các em còn được hình thành những kĩ năng sống tốt: được tham gia các hoạt động của nhà trường một cách chủ động, được bộc lộ quan điểm, rèn luyện các kĩ năng và hình thành quan hệ tốt với thầy cô, bạn bè. Riêng với bản thân tôi – là một giáo viên- cũng đã quán triệt cuộc vận động trên. Kết quả đạt được thật sự làm tôi hài lòng, học sinh của tôi đã có được kĩ năng sống tuyệt vời: các em trở nên năng động, tiếp thu kiến thức một cách sâu sắc mà nhẹ nhàng, không áp đặt.
Chính sự tự tin, năng động của học sinh đã làm cho việc giảng dạy của tôi rất nhẹ nhàng, thú vị. Có lần, tôi nhờ học sinh về nhà chuẩn bị các tư liệu về Thủ đô Hà Nội. Hôm sau, tôi thật sự bất ngờ về khả năng của học sinh. Các em mang đến lớp cả kho tư liệu tôi cần, thậm chí có những điều chính bản thân tôi còn chưa rõ, thế là thầy lại học ở trò. Giờ học trở nên thú vị đến lạ thường.
Trên đây là tất cả những tâm tư, nguyện vọng của riêng bản thân tôi. Bằng tình yêu nghề của tuổi trẻ, tôi mong sẽ được nghe nhiều sự đóng góp và ý kiến của các anh chị đồng nghiệp. Mong rằng nền giáo dục Việt Nam sẽ đạt được những thành tựu đáng kể. Chúc cuộc thi thành công tốt đẹp.
Ngô Thành Nam
(GV Trường Quốc tế Singapore)
Bình luận (0)