Hiệu trưởng phải luôn biết khích lệ giáo viên, học sinh đưa ra các ý kiến sáng tạo (ảnh minh họa). Ảnh: N.Anh
|
Một hiệu trưởng toàn năng phải hội đủ ba chữ “tài – tâm – tầm”. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký đã phác họa ra hình ảnh hai ông hiệu trưởng ở trường A và trường B đối lập với nhau hoàn toàn về cách quản lý. Vậy họ có phải là những hiệu trưởng “toàn năng” không?
1. Ông hiệu trưởng trường A rất nhiệt tình và tích cực với mọi công việc dù to hay nhỏ ở trong trường. Ông dự giờ thăm lớp ở mọi bộ môn và luôn góp ý rất bài bản. Xem ra ông hiệu trưởng này năng động có tâm huyết, nhiệt tình và tích cực đấy chứ! Nhưng, ông có biết rằng đằng sau cái sự nhiệt tình năng nổ của ông đã để lại hậu quả tai hại như thế nào? Thứ nhất, ông là giáo viên dạy ngoại ngữ liệu ông có nắm bắt hết được đặc điểm của từng phân môn học không? Mà ông lại thường xuyên đi dự giờ góp ý chỉ đạo xem ra rất bài bản và đặc biệt ông còn “khó tính” nữa chứ. Ông “bài bản” và “khó tính” cả khi ông nhận xét và đánh giá tiết dạy của giáo viên, đó là phải theo khuôn mẫu của ông. Chính vì lẽ đó vô hình trung ông đã làm thui chột, lu mờ mọi sáng tạo của giáo viên, từ đó học sinh cũng mất đi môi trường học thân thiện, tự chủ trong mọi hoạt động. Thứ hai là ông còn ôm đồm tất cả mọi việc từ xếp hàng chào cờ đầu tuần đến các cuộc thi văn nghệ, thể thao… Đến đây thì có lẽ ông đã không tin tưởng vào năng lực tập thể sư phạm của mình lắm cho nên việc gì ông cũng phải “xắn tay vào làm” mà ông đã quên mất rằng: “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.
Vị hiệu trưởng trường A năng nổ, nhiệt tình, tâm huyết, có trách nhiệm cao thật là đáng nể nhưng ông không có tài phân công và quản lý nhân viên. Ông đã để các nhân viên của mình quên đi năng lực sở trường, sở đoản, để rồi khi vắng mặt ông thì mọi việc cứ rối tung lên như “rắn đang bị mất đầu”.
2. Trong khi đó, hình ảnh ông hiệu trưởng trường B lại hiện ra rất “đủng đỉnh”. Nhưng ở ông lại có mặt mạnh là biết phân công đúng người đúng việc: “Việc to, việc nhỏ ông đều quản lý theo kế hoạch và phân định rõ trách nhiệm cho từng bộ phận quản lý và báo cáo”. Ông đã phát huy được hết năng lực, sáng tạo của mọi người. Ông quả là người có tài nhưng đã mất đi cái tâm. Ông không gần gũi, chia sẻ với tâm tư nguyện vọng của giáo viên. Tôi tưởng tượng vị hiệu trưởng này giống như một ông vua bù nhìn ngồi trên cái ghế cao nhất chỉ biết nghe, ký các báo cáo. Có những người làm thì chẳng tốt nhưng báo cáo thì rất hay. Ngược lại, có những người làm thì rất tốt, tính tình thẳng thắn thì lại bị tổ trưởng báo cáo lên là làm không tốt. Từ đó dẫn đến nội bộ mất đoàn kết mà ông cũng chẳng hay vì ông có theo dõi và giám sát đâu mà biết. Đối với ông còn một điểm rất đáng chê trách: “Giờ chào cờ đầu tuần ông cứ ung dung ngồi trong phòng uống nước. Tổng phụ trách cho học sinh xếp hàng đâu ra đấy, rồi trịnh trọng giới thiệu danh xưng của mình, ông mới thủng thẳng bước ra phía lễ đài trong tràng pháo tay giòn giã của cả trường”, cho thấy hình ảnh ông như được tái hiện lại hình ảnh của những vị quan “quan liêu”, “biếng nhác” luôn muốn mọi người phải đề cao, trân trọng mình ở mọi lúc, mọi nơi, mọi chỗ đến mức kệch cỡm và lố bịch” chứ không quan tâm đến chất lượng thực tế.
3. Cả hai vị hiệu trưởng trường A và B đều có những mặt mạnh và mặt yếu. Nếu như tính cách của cả hai vị này đem dung hòa lẫn nhau thì chắc chắn là sẽ có một “hiệu trưởng toàn năng”. Bác Hồ đã nói, đại ý: Người có tài mà không có đức chỉ là một kẻ vô dụng, còn người có đức mà không có tài thì chẳng làm nên trò trống gì. Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì người cán bộ quản lý, đặc biệt là hiệu trưởng rất cần “tài – đức (tâm) – tầm”.
Thật khó đưa ra tiêu chí một hiệu trưởng mẫu mực. Hiệu trưởng trường tôi chỉ là một phụ nữ nhưng cô đã biết điều hành công việc rất nhịp nhàng đâu ra đấy. Ngay từ đầu năm học mọi công việc, kế hoạch, biện pháp của nhà trường cô đều bàn bạc thật kỹ lưỡng trong ban giám hiệu, các cuộc họp Đảng bộ, công đoàn sau đó là họp hội đồng để lấy ra ý kiến chung có sự biểu quyết của tất cả mọi thành viên trong trường. Các bộ phận được giao nhiệm vụ cứ thế mà làm, hàng ngày, hàng tuần tổ trưởng báo cáo lại với hiệu trưởng. Đặc biệt cô luôn khích lệ cán bộ giáo viên, công nhân viên đưa ra các ý tưởng và sáng kiến hay…
Theo ý kiến của riêng tôi, người hiệu trưởng mẫu mực phải là người dũng cảm, dám nghĩ, dám làm và phải chịu trách nhiệm trước cấp trên. Không làm việc một cách máy móc hay áp đặt trường này phải giống với trường cũ mình đã công tác mà phải biết vận dụng vào thực tế trường mình đang trực tiếp quản lí mà thực hiện. Có sự sáng tạo, năng động đột phá trong công việc.
Nguyễn Thị Thương
(Trường TH Kim Đồng, Q.Gò Vấp)
Bình luận (0)