Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hiệu trưởng quyết định trả lương cho giảng viên: Nhiệm vụ “bất khả thi”?

Tạp Chí Giáo Dục

Đầu năm 2008, để cải thiện chất lượng giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT đưa ra chủ trương “Hiệu trưởng có quyền quyết định trả lương cho giảng viên” để có thể giữ được cán bộ và thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy. Gần 1 năm trôi qua, chủ trương này vẫn chưa thể triển khai vì các cơ chế chính sách liên quan đến tự chủ tài chính, giao quyền cho hiệu trưởng, cơ chế tài chính cho giáo dục đại học vẫn chưa được ban hành.

Không dám “vượt rào”

ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) – đơn vị được giao thí điểm đã “gây sốc” bằng đề án “Hiệu trưởng định mức thu nhập cho cán bộ công nhân viên” với mức lương giảng viên lên tới 4.000 – 5.000 USD/tháng, dự kiến thực hiện trong tháng 9-2008. Nhưng rồi, đề án này đã phải dừng lại vì “nhạy cảm”.

Hiệu trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, lý do Bộ GD-ĐT dừng đề án này là để đợi một số trường cùng làm và rút kinh nghiệm. Nhưng đây là đề án thí điểm nên sẽ có nhiều vấn đề “vượt rào” và “chạm” vào một bộ phận cán bộ công chức nên khá nhạy cảm. “Hiệu trưởng sẽ phải chấp nhận hy sinh, tuyên chiến với những tư duy bao cấp” – ông Phùng Xuân Nhạ nói.

Theo dự kiến của ĐH Kinh tế, định mức thu nhập của cán bộ, giảng viên sẽ gồm 4 phần: thứ nhất là lương cơ bản theo thang bậc quy định của Nhà nước, thứ hai là theo vị trí công việc, thứ ba là năng lực chuyên môn, thứ tư là căn cứ vào hiệu quả công việc thông qua các bộ tiêu chí đánh giá.

Nếu đề án được triển khai, thu nhập của mọi người đều tăng lên, nhưng sẽ ở mức độ khác nhau: Giảng viên ở mức cao được trả từ 4.000 – 5.000 USD/tháng, còn mức bình quân khoảng 1.000 USD, cũng sẽ có mức thấp hơn (700 – 800 USD/người/tháng).

Tán thành với chủ trương này, nhưng GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội) băn khoăn: Hiệu trưởng quyết định trả lương cho giảng viên không dễ thực hiện bởi nó bị ràng buộc ở rất nhiều quy định khác nhau; ngay cả nguồn trả lương cũng phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả hoạt động.

“Tôi được biết, ở một số ngành hiện nay trong ĐH Quốc gia, giảng viên có thu nhập rất khá, 20 triệu đồng/tháng trở lên, nhưng mặt bằng chung cũng chỉ được trả 1,5 – 2,5 lần mức lương cơ bản” – GS Đào Trọng Thi cho biết.

Như vậy, nhìn ở bình diện tổng thể, cơ chế đãi ngộ đối với cán bộ, giảng viên các trường ĐH đến lúc phải thay đổi. “Chúng tôi đã có sự chuẩn bị, vấn đề là Bộ GD-ĐT có cho làm hay không. Vì cho làm là phải đối mặt với nhiều lực cản từ tư duy bao cấp, sẽ chạm đến một đội ngũ cán bộ công chức có “sức ỳ” – ông Phùng Xuân Nhạ nói.

Vướng mắc từ nguồn trả lương

Khi xây dựng đề án “trả lương ngàn đô”, ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) có điều kiện thuận lợi trong việc “tạo nguồn” bởi đã có thị trường, có khách hàng là những doanh nghiệp, công ty, ngân hàng. Nhưng với nhiều trường ĐH khác, đặc biệt là những trường ĐH nghiên cứu cơ bản thì việc tạo nguồn để tăng thu nhập cho cán bộ giảng viên là chuyện không dễ thực hiện.

Theo GS Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, khi hiệu trưởng quyết định trả lương cho giảng viên thì một vấn đề đặt ra là phải có nguồn thu. Nhưng thu đến đâu, trong cái thu đó thì cái nào phải theo đúng quy định của Nhà nước, cái nào do trường tự chủ – rất phức tạp và dễ bị rơi vào “lạm thu”.

“Nói thì vậy thôi, chứ bây giờ có cho phép trường trả gấp 2-3 lần lương cơ bản thì vấn đề là lấy tiền ở đâu ra. Học phí cũng chỉ đủ trang trải một phần chi phí, cũng không thể lấy tiền ngân sách rót cho nhà trường làm những nhiệm vụ khác để trả lương. Một khó khăn nữa là liệu hiệu trưởng có dám quyết cho một giảng viên trẻ lương cao hơn so với một giảng viên lâu năm không” – GS Nguyễn Viết Thịnh băn khoăn.

Thừa nhận những bất cập trong cơ chế trả lương và đãi ngộ người tài, TS Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), khẳng định, trong Đề án Đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục ĐH sẽ có những quy định liên quan tới chế độ đãi ngộ bởi cho đến nay, các trường hầu như chưa được tự quyết về mức chi tiêu, đều phải theo định mức quy định.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Văn Ngữ cũng thừa nhận, nguồn thu của các trường ĐH chủ yếu là từ học phí nhưng cho đến thời điểm này, học phí vẫn thực hiện theo Nghị định 70, với mức tối đa 180.000 đồng/tháng. Vì vậy, muốn tăng thu từ học phí cũng rất khó, trừ khi có sự điều chỉnh. Ngoài ra các trường còn một số nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ nhưng còn rất hạn chế.

Vì vậy để thực hiện được cơ chế này, ông Nguyễn Văn Ngữ cho biết, sắp tới sẽ phải điều chỉnh một số chính sách để tăng quyền cho hiệu trưởng. Cụ thể như hiệu trưởng có quyền trả lương cho giảng viên theo năng lực, đóng góp… 

ANH NHI (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)