Hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông sẽ là người quyết định lựa chọn đầu sách sử dụng trong đơn vị mình đối với các môn học có từ 2 đầu sách trở lên được phê duyệt, đảm bảo rằng mỗi học sinh chỉ phải mua 1 đầu sách/môn học.
Ông Nguyễn Văn Hiếu – Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM
Những lưu ý này được ông Nguyễn Văn Hiếu- Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đưa ra trong cuộc trao đổi với Giáo dục TP.HCM ngay sau khi UBND TP.HCM phê duyệt danh mục SGK lớp 2, lớp 6 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn TP.HCM từ năm học 2021-2022.
Trong danh mục SGK lớp 2, lớp 6 vừa được UBND TP phê duyệt có một số môn học được phê duyệt từ 2 đầu sách trở lên. Cụ thể, Tiếng Anh lớp 2 với 3 đầu sách: Family and Friends- National Edition (NXB Giáo dục Việt Nam), i-Learn Smart Start (NXB ĐH Sư phạm TP.HCM), Phonics- Smart (NXB ĐH Quốc gia TP.HCM); Tiếng Anh lớp 6 với 3 đầu sách: Friends Plus (NXB Giáo dục Việt Nam), i-Learn Smart World (NXB ĐH Sư phạm TP.HCM), Right-on (NXB ĐH Sư phạm TP.HCM); Giáo dục công dân lớp 6 với 2 đầu sách của NXB Giáo dục Việt Nam.
Đảm bảo tính kế thừa quá trình học tập trước đó của học sinh
Phóng viên: Theo Thông tư 25 về chọn SGK của Bộ GD-ĐT, UBND cấp tỉnh, thành phố mới là đơn vị có quyền đưa ra quyết định lựa chọn SGK sử dụng trong các cơ sở giáo dục từ năm học 2021-2022. Vậy, với những bộ môn mà UBND TP phê duyệt từ 2 đầu sách trở lên thì việc lựa chọn cuốn sách nào sử dụng trong nhà trường sẽ được thực hiện theo quy trình như thế nào, thưa ông?.
Ông Nguyễn Văn Hiếu: Ngay trong buổi làm việc với UBND TP về kế hoạch lựa chọn SGK của hai hội đồng Tiểu học và THCS, Sở GD-ĐT cũng có xin ý kiến của lãnh đạo TP về vấn đề này. Theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, với những bộ môn được phê duyệt từ 2 đầu sách trở lên thì sẽ giao quyền lựa chọn SGK cho Hiệu trưởng dựa trên cơ sở ý kiến đề xuất của hội đồng bộ môn, tổ trưởng chuyên môn trong bộ môn đó của trường.
Phóng viên: Việc lựa chọn này sẽ dựa trên nguyên tắc nào, thưa ông?.
Ông Nguyễn Văn Hiếu: Nguyên tắc lựa chọn các SGK có từ 2 cuốn trở lên, đặc biệt là SGK tiếng Anh cần căn cứ vào sự phù hợp của giáo viên, phù hợp với điều kiện giảng dạy của giáo viên, điều kiện học hành của lớp, căn cứ vào yếu tố vùng miền (ngoại thành, nội thành), đặc biệt là phải phù hợp với năng lực, trình độ của học sinh, mang tính kế thừa quá trình học tiếng Anh của học sinh ở các cấp học dưới.
Trong một trường, giáo viên bộ môn có thể lựa chọn cả 2, 3 quyển sách để dạy, tuỳ theo lớp, tuỳ theo đối tượng học sinh. Ví dụ, trong đơn vị nhà trường đó, có một bộ phận học sinh đã được tiếp cận sớm với tiếng Anh từ bậc mầm non rồi thì khi lên lớp 1, lớp 2, nhà trường phải tính toán chọn sách tiếng Anh nào cho phù hợp. Giống như với học sinh lớp 6, nếu những học sinh ngay từ bậc tiểu học đã đạt chứng chỉ tiếng Anh Flyers 15 khiên rồi thì lên lớp 6 lại phải chọn sách gì cho phù hợp.
Mặc dù vậy, nguyên tắc là mỗi học sinh chỉ phải mua một sách giáo khoa, không mua nhiều hơn, ảnh hưởng đến quyền lợi và việc học của học sinh. Học sinh có thể đọc thêm SGK, tuy nhiên quy định học thì mỗi học sinh chỉ mua một quyển. Giáo viên thì được quyền tham khảo các quyển sách khác nhau để xây dựng kế hoạch bài học phù hợp với đối tượng học sinh. Tuy nhiên, khi giáo viên hướng dẫn học sinh học và làm bài tập thì chỉ được chọn 1 SGK đã được thông qua.
Để chọn được quyển SGK phù hợp với năng lực học sinh, đối với học sinh lớp 6 nhà trường cần căn cứ vào kết quả học tập lớp 5 của các em, trong đó đặc biệt căn cứ vào chương trình các em đã học ở lớp 5, năng lực các em đã đạt được để bố trí lớp cho phù hợp.
Sở sẽ có hướng dẫn cụ thể cho các trường
Phóng viên: Việc chọn quyển sách phù hợp ở các trường sẽ phải hoàn tất vào thời điểm nào, thưa ông?.
Ông Nguyễn Văn Hiếu: Hiện SGK đã có sẵn, ngay trong tuần sau Sở GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản để hướng dẫn các nhà trường quyết định lựa chọn quyển sách của các môn học có từ 2 quyển trở lên, đảm bảo trong tháng 4, các trường phải có quyết định lựa chọn được cuốn sách nào sử dụng trong nhà trường ở các môn học đó, từ đó đảm bảo việc tập huấn SGK mới được triển khai đúng tiến độ.
Phóng viên: Đối với bộ sách lớp 1, chuyển tiếp lên lớp 2 mà học bộ SGK khác, phụ huynh có thể sẽ có những băn khoăn về nền tảng kiến thức mà con em mình tiếp nhận ở 2 bộ sách không có sự kế thừa hoặc “lệch pha”. Về những băn khoăn này, theo ông phụ huynh có nên lo lắng?.
Ông Nguyễn Văn Hiếu: Thực ra nội dung của các bộ SGK có thể có bố cục khác nhau, tuy nhiên không quá khác lệch nhiều. Vì kết thúc một năm học, mỗi học sinh dù học bộ SGK này hay bộ SGK khác thì đều có một yêu cầu cần đạt chung. Ví dụ, chương trình yêu cầu hết lớp 1, yêu cần đạt được mức độ này thì dù học sách này hay học sách kia, kết thúc một năm học học sinh cũng đều phải đạt như vậy.
Sang lớp 2, các em cùng một vạch xuất phát, giáo viên sẽ dựa trên yêu cầu cần đạt ở bậc lớp 1 để tiếp tục giảng dạy ở lớp 2. Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, giáo viên luôn luôn linh hoạt trong cách dạy để học sinh tiếp thu thuận lợi nhất trên nền tảng SGK khác nhau. Một số ngữ cảnh, ngôn từ, cách dùng câu như thế nào thì trong quá trình dạy học, giáo viên sẽ điều chỉnh linh hoạt đảm bảo học sinh không gặp khó khăn khi tiếp nhận kiến thức. Do vậy, phụ huynh không nên quá lo lắng khi con em mình lớp 1 học bộ sách này, lớp 2 lại học bộ sách khác.
Phóng viên: Từ “vết xe đổ” của bộ SGK Cánh diều lớp 1 năm học 2020-2021, năm nay Sở GD-ĐT TP có xây dựng kịch bản để giúp các nhà trường, giáo viên không lặp lại “vết xe đổ”?.
Ông Nguyễn Văn Hiếu: Năm nay, ngay từ đầu khi chọn SGK, Bộ GD-ĐT đã đưa bản điện tử của các bộ sách đến tất cả giáo viên, đảm bảo thầy cô ở các khối lớp đều có thể tiếp cận, đọc, nghiên cứu và góp ý một cách chi tiết, sâu sát nhất. Vì vậy, lỗi, sạn trong SGK lớp 2 sẽ rất hạn chế.
Tuy nhiên, trong quá trình dạy học, giáo viên vẫn là người là người quyết định lựa chọn ngữ liệu giảng dạy phù hợp với đối tượng học sinh mình. Do đó, thầy cô có quyền điều chỉnh, thay đổi những ngữ liệu nếu cảm thấy ngữ liệu đó không thực sự phù hợp với học sinh. Chương trình mới là pháp lệnh, SGK chỉ là tài liệu tham khảo, vì vậy, ngay cả khi UBND TP đã phê duyệt bộ sách sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông thì thầy cô cũng không nên cứng nhắc, dập khuôn phụ thuộc vào sách mà cần phải nghiên cứu linh hoạt, làm sao phù hợp nhất với đối tượng học sinh.
Xin cảm ơn ông!.
Yến Hoa (thực hiện)
Bình luận (0)