Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hiệu trưởng trường THCS khuyên thí sinh trước giờ thi tuyển sinh 10 “không ăn quá no”

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Nguyễn Đoan Trang – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) khuyên học sinh vào trước giờ thi tuyển sinh 10 không nên ăn quá no, uống quá nhiều nước để giữ tâm trạng tốt nhất trong phòng thi.


Cô Nguyễn Đoan Trang khuyên học sinh không nên ăn quá no trước giờ thi tuyển sinh

Ngày mai, hơn 98.000 thí sinh TP.HCM sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm 2024.

Để bước vào kỳ thi thật tốt, cô Nguyễn Đoan Trang – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du khuyên thí sinh cần chuẩn bị thật kỹ các loại giấy tờ, bút viết, các dụng cụ học tập cho ngày thi cần đem theo. Vào trước giờ thi không nên ăn quá no, không nên uống quá nhiều nước để giữ tâm trạng tốt nhất trong phòng thi, tự tin thoải mái khi giải bài để tránh tâm lý lo lắng bất ổn trong phòng thi. Nhận đề thi cần đọc và hoàn thành những câu dễ, sở trường của mình để đạt điểm tuyệt đối, phân bổ thời gian hợp lý khi làm bài thi.

“Cận sát ngày thi, các em không nên học theo cách học trong thời gian ôn thi mà cần giữ tâm lý thoải mái, không thức khuya, đi ngủ sớm để sáng mai đến điểm thi đúng giờ. Nếu lo lắng thì các em chỉ nên hệ thống lại kiến thức môn thi, xem lại các lỗi mình hay mắc phải để tránh mắc phải khi làm bài. Đặc biệt, các em cần chú ý ăn uống, không ăn những đồ ăn lạ có thể khiến bản thân bị đau bụng, khó chịu khi vào phòng thi…” – cô Nguyễn Đoan Trang khuyên.

Trong sáng mai, thí sinh sẽ dự thi môn ngữ văn với thời gian làm bài 120 phút. Buổi chiều thí sinh sẽ dự thi môn ngoại ngữ, thời gian làm bài 90 phút. Sáng 7-6, thí sinh dự thi môn toán, thời gian làm bài 120 phút. Riêng thí sinh dự thi vào lớp 10 chuyên/tích hợp sẽ dự thi thêm bài thi môn chuyên/tích hợp vào buổi chiều ngày 7-6 trong thời gian 150 phút.

Đối với bài thi ngữ văn – bài thi đầu tiên trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thí sinh sẽ làm trong sáng mai, cô Lê Thị Kiều Nga – nguyên Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) khuyên thí sinh cần phân bổ thời gian hợp lý khi làm bài thi.

Việc phân bổ thời gian làm bài có thể như sau: Câu đọc hiểu thí sinh nên dành 20-25 phút để làm; Với câu nghị luận xã hội, các em có thể dành thời gian từ 35-40 phút; 60 phút còn lại là dành để làm câu nghị luận văn học.

“Để lấy được trọn 3 điểm đọc hiểu, học sinh cần có kỹ năng đọc hiểu. Các em không nên có tâm lý chủ quan, làm quoa loa phần này; Với câu nghị luận xã hội, không đòi hỏi học sinh phải viết hay mà cần viết đúng kỹ năng là đã có thể lấy được điểm tốt; Với câu nghị luận văn học, học sinh cần đọc thật kỹ đề và lựa chọn làm đề 1 hay đề 2 cho phù hợp với năng lực bản thân” – cô Nga lưu ý.

Giáo viên này nói thêm, nhiều học sinh thường có tâm lý e dè khi chọn đề 2 vì cho rằng đây là dạng đề khó lấy điểm do độ mở của đề, khác với dạng đề 1 quen thuộc. Tuy nhiên, đề 2 là dạng đề tình huống, trong nhiều trường hợp còn có thể được xem là dạng đề “cứu sinh” cho học sinh nếu giả sử dạng đề 1 ra vào tác phẩm mà các em ôn chưa kỹ hoặc chưa tự tin. Dạng đề 2 nếu học sinh nắm các bước đi thì có thể xử lý đề rất tốt…


Các giáo viên khuyên thí sinh cần phân bổ thời gian làm bài thi hợp lý

Với môn ngoại ngữ, cô Trần Kim Duyên – Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa nêu rõ, với thời gian làm bài 90 phút 40 câu, nhiều học sinh làm bài dư thời gian tuy nhiên lại không nhiều em đạt được điểm tuyệt đối.

“Lời khuyên là khi làm bài, ngoài việc nắm vững kiến thức thì học sinh cần phải hết sức cẩn thận với lỗi chính tả và dấu câu, để tránh bị mất điểm đáng tiếc. Bởi thực tế nếu 1 từ các em viết sai chính tả cũng sẽ bị trừ điểm, thậm chí khi viết thiếu 1 dấu câu cũng có thể bị trừ điểm” – cô Duyên khuyên.

Bên cạnh đó, theo cô Duyên, với bài thi tuyển sinh vào lớp 10 môn tiếng Anh, nhiều học sinh thường hay bị mất điểm ở phần tự luận. Ví dụ, phần từ vựng thì nhiều học sinh hay nhầm lẫn ở phần danh từ số ít, danh từ số nhiều. Hoặc là nhầm lẫn thì của động từ, không chia thì của động từ. Ngoài ra, với phần sắp xếp câu, học sinh cũng hay mắc lỗi là viết thiếu cụm từ mà đề bài đã cho, viết sai chính tả, chữ đầu tiên không viết hoa, cuối câu không có dấu câu phù hợp. Ví dụ, nếu là câu hỏi thì khi sắp xếp câu cuối câu phải có dấu hỏi, còn là câu bình thường thì cuối câu phải có chấm câu.

“Để có thể đạt được kết quả tốt trong kỳ thi thì trước hết các em phải bình tĩnh và cẩn thận trong quá trình làm bài. Đề thi tuyển sinh có cả phần trắc nghiệm và tự luận. 40 câu trong đề thi có số điểm mỗi câu tương đương nhau (0,25 điểm/câu). Khi làm bài thi, các em cần chú ý phân bổ thời gian làm bài hợp lý” – cô Duyên nhắn nhủ.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)