Phụ huynh vây Trường PTCS Thực nghiệm (Hà Nội) từ lúc nửa đêm để xin học cho con |
Đến hẹn lại lên, trước thời gian tuyển sinh đầu cấp đến nửa học kỳ 1 là phụ huynh tại Hà Nội lại sấp ngửa đi tìm chỗ học cho con theo mong muốn. Còn với hiệu trưởng các trường điểm, những ngày này thường phải thực hiện chính sách ba không: Không tiếp, không nghe (điện thoại), không gặp vì phụ huynh tìm cách “tấn công” mọi phía.
“Tấn công” hiệu trưởng
Bà Nguyễn Phương Lan, Hiệu trưởng Trường TH Dịch Vọng A (Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết: “Thời điểm này rất nhiều phụ huynh đến trường hỏi về việc tuyển sinh. Hiện Trường Dịch Vọng A phải mượn địa điểm do trường đang xây dựng nhưng có người vẫn hỏi “Con tôi ở Nam Trung Yên có được tuyển sinh vào Dịch Vọng A?”. Cũng theo bà Lan, nhiều người gọi điện đến xưng hô “Chị Lan à! Bác là Học, ngày xưa làm trong ngành giáo dục…”. Thậm chí có người còn nói: “Em ơi! Anh ở chỗ anh B. Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội. Anh làm việc với B., mai anh gặp em một chút”. Khi được hỏi “có việc gì không anh?”, người này nói “A! anh muốn tặng em cuốn sách mới phát hành của anh”. Không kịp đồng ý, ngay ngày hôm sau, họ phóng xe ô tô vào trường. Bảo vệ trường hỏi, họ nói “Anh là bạn của Lan. Anh chơi với Lan lâu lắm rồi! Em mới về đây nên không biết anh”. Vào phòng gặp Hiệu trưởng, mang theo bộ hồ sơ xin học, trong khi bà Lan còn chưa biết họ là ai.
Một hiệu trưởng khác lại kể: “Năm nào, mùa tuyển sinh phụ huynh cũng phục ở cổng nhà tôi. Chồng tôi ra mở cửa, phụ huynh xô dạt sang một bên ào vào giữa phòng khách, lúc ấy tôi đang ăn cơm. Ngay sau khi phụ huynh về, chồng tôi có ý kiến: “Em buồn cười thật! đưa cả việc cơ quan về nhà”. Nhiều lần tôi phải trốn lên tầng 4 không dám xuống dưới nhà, phải liên lạc với người nhà bằng điện thoại. Chưa hết, vì không muốn tiếp phụ huynh tôi bắt buộc phải nói dối. Có một lần, nghe tôi trả lời phụ huynh qua điện thoại, cô con gái nhỏ phải thốt lên “Tại sao mẹ lại nói dối thế?”. Sau khi xong việc, tôi phải giải thích với con “đó không phải là nói dối, mẹ nói như vậy là vì mẹ đi làm về mệt rồi, thời gian ở nhà mẹ muốn nghỉ ngơi và chăm sóc các con”. Tôi còn dặn người nhà “Nếu phụ huynh gọi điện đến nhà, các con phải nói “Mẹ cháu bận không tiếp được, có gì cô đến trường gặp mẹ cháu”. Sau nhiều lần như thế, cả nhà tôi bỗng thành thạo kĩ năng nói dối. Còn đối với cán bộ giáo viên trong trường, tôi có một quan điểm bất di bất dịch, ai cần gì nhắn tin”. Đó là chưa kể, có những phụ huynh ngày đêm ăn chực nằm chờ tại cổng nhà các thầy cô hiệu trưởng, gây rất nhiều khó chịu cho các thầy cô. Chưa hết, có phụ huynh còn điềm nhiên xông thẳng vào nhà, báo hại có thầy cô phải “ẩn trong nhà vệ sinh” đến cả tiếng đồng hồ.
Không nhận không được
Có người 70-80 tuổi, đeo cả huân chương đến trường xin học cho cháu. Cán bộ tuyển sinh, thậm chí là hiệu phó giải thích thế nào cũng không nghe. “Họ nói, ngày xưa họ đã từng làm việc ở Bộ GD-ĐT với chức vụ rất to nhưng chưa bao giờ nhục nhã thế này! Họ không chấp nhận cách giải thích đúng của ban giám hiệu nhà trường, họ sừng sộ lên. Cô hiệu phó trường này phải khóc và nhờ hiệu trưởng ứng cứu. Có người lại nói “Ngày xưa tôi đã từng kí duyệt cho người nọ, người kia”. Cô Đỗ Việt Hà, Phó hiệu trưởng Trường THCS Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Năm 2011 trường tuyển gần 320 chỉ tiêu. Dự kiến năm 2012 con số trên khoảng 350, tăng hơn 30 chỉ tiêu so với năm ngoái. Qua số liệu thống kê số trẻ từ UBND phường Cát Linh năm 2012 này Trường Tiểu học Cát Linh dự kiến tuyển khoảng 309 chỉ tiêu vào lớp 1 (tăng 10 chỉ tiêu so với năm 2011). Sẽ có 20% chỉ tiêu trên thuộc diện trái tuyến.
Trong khi đó, để đảm bảo đào tạo học sinh chất lượng cao, theo Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam Lê Thị Oanh: “Dự kiến chỉ tiêu tuyển vào khối THCS sẽ không đổi so với năm ngoái, khoảng 200 em. Năm 2011 tỷ lệ chọi của trường là 1/16. Điều kiện dự thi vào khối THCS của trường là học sinh có từ bốn năm trở lên ở cấp tiểu học xếp loại học lực giỏi, hạnh kiểm tốt; có tổng điểm hai môn tiếng Việt và toán cuối học kỳ 2 lớp 5 đạt từ 19,0 điểm trở lên. Nhiều trường điểm của Hà Nội như THCS Chu Văn An (Q.Tây Hồ), THCS Trưng Vương (Q.Hoàn Kiếm) lãnh đạo nhà trường cho biết vẫn đang xây dựng kế hoạch tuyển sinh. Tuy nhiên, để tránh rắc rối cũng như đảm bảo chất lượng và sĩ số lớp, lãnh đạo Trường THCS Chu Văn An, cho biết: “Vài năm nay trường không tuyển hệ trái tuyến. Tuy nhiên, số trường làm như vậy không nhiều”.
Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (Cầu Giấy, Hà Nội), tâm sự: “Kết thúc đợt tuyển sinh năm nào cũng có đến hàng chục hồ sơ hệ trái tuyến không thể xem xét được. Nếu được thì số hồ sơ muốn nộp vào hệ trái tuyến của trường không chỉ 20% mà phải 40%. Còn Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Tân thì cho hay năm nay, Trường THCS Nghĩa Tân dự kiến xây dựng, đồng thời cạnh trường lại có một chung cư mới nên áp lực tuyển sinh hệ trái tuyến lên nhà trường càng nặng hơn. Đặc biệt, thời gian tuyển sinh, Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Tân còn cho biết, nhiều khi về nhà sau khi ăn cơm phải tắt điện tầng 1, cả gia đình lên tầng 2 đóng kín cửa để sinh hoạt. Ai gọi điện hay bấm chuông cũng đành xin khất, không tiếp ở nhà. Có lần ở trường về nhìn thấy phụ huynh chờ ngoài cổng, vị Hiệu trưởng này phải giả vờ vào nhà hàng xóm đi vệ sinh nhờ và ở bên đó luôn. Ở trường, Hiệu trưởng cũng phải quán triệt: “Chỉ tạo điều kiện cho con, cháu thầy cô công tác lâu năm ở trường, nhiều cống hiến với trường hay con của cán bộ nhà trường. Còn giáo viên mới công tác vài năm đừng nên xin cho cháu hay người quen vào trường vì có xin cũng không thể giúp đỡ”.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)