Từ hiệu ứng tích cực sau khi Trung tâm Đường hầm sông Sài Gòn triển khai lắp đặt hàng loạt biển báo tuyên truyền về ATGT trên đại lộ Mai Chí Thọ (quận 2), Ban ATGT TP.HCM khuyến khích các quận huyện nhân rộng sáng kiến này, nhằm nhắc nhở người tham gia giao thông tuân thủ Luật Giao thông đường bộ trên toàn địa bàn thành phố.
Biển báo tuyên truyền cảnh báo tai nạn sẽ được nhân rộng ở TP.HCM và một số tỉnh thành
Từ sáng kiến tuyên truyền trực quan
Bên cạnh những biển báo giao thông như thường lệ, Trung tâm Đường hầm sông Sài Gòn đã lắp đặt bổ sung hệ thống biển báo với nội dung cảnh báo TNGT như “Đoạn đường hay xảy ra tai nạn”, “Chú ý quan sát”, “Năm 2018 trên tuyến đường đã có 8 người chết do tai nạn giao thông”. Theo quan sát, các biển báo mang tính tuyên truyền được bố trí trên đường Mai Chí Thọ (từ hầm vượt đến ngã 3 Cát Lái) qua các giao lộ Mai Chí Thọ – Trần Não, D1, Lương Định Của, Nguyễn Cơ Thạch (quận 2)… Theo nhận định của các chiến sĩ cảnh sát giao thông thuộc Đội Cảnh sát giao thông Cát Lái, kể từ khi lắp biển báo tuyên truyền, ý thức của người tham gia giao thông, nhất là người điều khiển xe gắn máy đã được cải thiện đáng kể, tình trạng lưu thông sai làn đường, đi vào làn xe ô tô đã được kéo giảm rất nhiều so với trước đây.
Nói về tình hình giao thông trên tuyến đường Mai Chí Thọ, cơ quan điều tra Công an quận 2 lưu ý đây là khu vực có lưu lượng phương tiện lưu thông đông đúc, đa phần các vụ tai nạn trên tuyến đường này đều xuất phát từ nguyên nhân như chạy xe quá tốc độ, vi phạm làn xe lưu thông, vượt đèn đỏ… Nhằm chấn chỉnh tình trạng này, lực lượng chức năng đã tăng cường nhiều đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm nồng độ cồn và các vi phạm là nguyên nhân gây nên TNGT. Tuy nhiên, tâm lý của người lưu thông thường mang tính đối phó, chỉ chấp hành Luật Giao thông khi có cơ quan chức năng, nên hình thức tuyên truyền bằng biển cảnh báo tai nạn đã tạo được hiệu ứng tích cực, thúc đẩy người tham gia giao thông tự điều chỉnh hành vi để lưu thông an toàn.
Ủng hộ giải pháp tuyên truyền mới, ông Phan Đình Hiền (ngụ hẻm 40 đường Trần Não, phường Bình An, quận 2) nói rằng “Thông điệp cảnh báo TNGT nhìn thấy mỗi ngày cũng như lời nhắc nhở nam giới không nên uống rượu bia khi lái xe, để đảm bảo an toàn cho mình cũng như những người khác nữa”. |
Là người làm việc ở trung tâm thành phố, thường xuyên đi lại mỗi ngày trên tuyến đường này, chị Nguyễn Thị Bích Thủy (cư dân chung cư Ehome S, quận 9) cho biết, vì là phụ nữ tay lái yếu nên rất lo ngại khi lưu thông chung với những người hay chạy xe lấn tuyến, chạy quá tốc độ, thậm chí có cả những “tay đua”, nên bất kỳ giải pháp nào được đề ra để đảm bảo ATGT người dân đều ủng hộ và vô cùng phấn khởi, vì suy cho cùng nỗ lực của cơ quan chức năng hướng đến là vì sự an toàn cho người dân.
Nhân rộng ở TP.HCM và các tỉnh thành
Ghi nhận sáng kiến của Trung tâm Đường hầm sông Sài Gòn, ông Nguyễn Ngọc Tường (Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP) cho rằng hiệu quả bước đầu từ biển báo tuyên truyền trên đường Mai Chí Thọ là tín hiệu đáng mừng, vì tuyến đường này có mật độ phương tiện đông, thường xuyên xảy ra các vụ va chạm, TNGT. Do đó, việc nhân rộng mô hình này cũng sẽ góp phần nhắc nhở người tham gia giao thông tuân thủ quy định của Luật Giao thông đường bộ, hạn chế tai nạn ở những tuyến đường có mật độ lưu thông cao như đại lộ Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, xa lộ Hà Nội… Để triển khai giải pháp này, ông Nguyễn Ngọc Tường khuyến khích các quận huyện tăng cường công tác tuyên truyền bằng biển báo, trên giá long môn, hoặc panô, áp phích… Tuy nhiên, nội dung tuyên truyền cần ngắn gọn, súc tích, tránh dài dòng khiến người lưu thông chú ý biển tuyên truyền nhưng lại mất kiểm soát tay lái là điều không nên.
Hưởng ứng mô hình tuyên truyền mới, Ban ATGT quận Bình Thạnh cho biết sẽ nghiên cứu áp dụng sáng kiến của quận 2 vì địa bàn quận đang là điểm nóng về TNGT. Theo thống kê 6 tháng đầu năm, so với các quận huyện khác thì Bình Thạnh là địa bàn có số vụ TNGT tăng cao nhất với 19 vụ, làm 19 người chết (tăng 11 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái). Trong số 19 vụ TNGT, có 9 vụ tai nạn do người điều khiển vi phạm nồng độ cồn, 17/19 vụ tai nạn có liên quan đến xe gắn máy. Trong thời gian qua, lực lượng chức năng đã áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền nhưng kết quả chưa cao. Do đó, sắp tới đơn vị sẽ nghiên cứu áp dụng mô hình tuyên truyền trực quan tại các tuyến đường thường xuyên xảy ra tai nạn trong thời gian sớm nhất. Cũng hào hứng với giải pháp này, ông Phùng Văn On (Ủy viên Thường trực Ban ATGT tỉnh Long An) dự kiến sẽ tham mưu sớm triển khai ở địa bàn tỉnh nhà với kỳ vọng “việc cảnh báo người tham gia giao thông bằng con số người chết do TNGT có thể khiến người đi đường giật mình, nhưng sẽ giúp họ ý thức hơn khi tham gia giao thông trên đường”. Thượng tá Võ Văn Nghĩa (Trưởng phòng CSGT tỉnh Bến Tre) cho biết cũng sẽ đề xuất làm biển báo tuyên truyền như quận 2, và hy vọng “hình thức tuyên truyền mới này sẽ cảnh báo người dân, tài xế điều khiển phương tiện chú ý quan sát và cẩn thận hơn, để đảm bảo an toàn cho mình cũng như những người tham gia giao thông trên đường”.
Đinh Vũ
Bình luận (0)