Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

HIFF 2024 và kỳ vọng về sự cất cánh của điện ảnh TPHCM

Tạp Chí Giáo Dục

Khi đoạn clip ghi lại không khí Liên hoan phim quốc tế TPHCM lần thứ I (HIFF 2024) vừa dứt trên màn hình, cả khán phòng nhà hát TPHCM vang lên tiếng vỗ tay kéo dài. Sự hào hứng ấy không chỉ đến từ cách dựng hấp dẫn của clip mà từ nội dung cho thấy một không khí điện ảnh tưng bừng trong suốt 8 ngày qua, đem lại kỳ vọng về sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh TPHCM.

Tạo đà kết nối

8 ngày HIFF 2024 diễn ra (từ ngày 6-13/4) là khoảng thời gian mà các diễn viên, nhà làm phim trong nước gọi vui là “sống khác”. Bởi với sự nhộp nhịp của thị trường giải trí như TPHCM, dù đã quen với nhịp độ sôi động của các sự kiện ra mắt, tuần lễ phim và không ít lễ trao giải phim ảnh, HIFF 2024 vẫn có thể mang đến một làn gió mới, nổi bật hơn về quy mô tổ chức, chất lượng của các hoạt động chuyên môn.

HIFF mở ra chuỗi hoạt động dày đặc với 73 sự kiện, 14 phiên hội thảo, tọa đàm và 10 lớp học, thu hút khoảng 250.000 lượt tham dự của công chúng. Liên tục trong 1 tuần, các hoạt động trong Chợ dự án, Vườn ươm kịch bản Việt diễn ra nhộn nhịp suốt từ 9g đến 16g mỗi ngày mà người tham dự vẫn thấy hào hứng vì kiến thức thu nạp được vô cùng quý giá.

Khán giả đủ mọi lứa tuổi xem phim ngoài trời tại công viên bờ sông thuộc TP Thủ Đức - ẢNH: NGUYỄN Á

Khán giả đủ mọi lứa tuổi xem phim ngoài trời tại công viên bờ sông thuộc TP Thủ Đức. Ảnh: Nguyễn Á

Đạo diễn Charlie Nguyễn – chủ trì chương trình Vườn ươm kịch bản Việt – cho biết: “Các buổi học của chương trình rất chất lượng. Các bài giảng có giá trị vì những người cố vấn, hướng dẫn đang hoạt động ở Hollywood. Những gì họ nói đúc kết từ kiến thức, kinh nghiệm, thực tiễn, xu hướng đang có ở Hollywood, giúp các biên kịch trẻ mở mang đầu óc. Kể cả tôi cũng bị thu hút khi nghe”.

“Có 1 LHP quốc tế như thế này ở TPHCM là sự tiến bộ của điện ảnh. Khán giả được xem nhiều phim hay của nhiều nước, người làm phim được mở rộng mạng lưới kết nối. Hoạt động của Vườn ươm kịch bản Việt là cầu nối giúp người làm phim trẻ tiếp cận với tư duy, góc nhìn, kinh nghiệm của nhiều nước chứ không chỉ lòng vòng trong cộng đồng nhỏ bé của mình.

Để xây dựng môi trường điện ảnh tốt hơn, cần sự phát triển đồng bộ hơn nữa – phát triển nguồn nhân lực, tạo lập một hệ sinh thái điện ảnh lành mạnh, vững chắc để hợp tác với quốc tế. Phim trường cần, nhưng cũng chỉ là phương tiện, quan trọng là con người. Hiện nay thiếu nhất là khâu biên kịch”.

Đạo diễn Charlie Nguyễn

8 ngày đáng nhớ của HIFF, ngoài các hoạt động chuyên môn, nhiều người dân, du khách hẳn vẫn ấn tượng với các buổi chiếu phim ngoài trời ở công viên bờ sông TP Thủ Đức. Thích thú nào bằng giữa những buổi đêm gió sông thổi man mát, người xem vừa thưởng thức phim vừa nhâm nhi đồ ăn, thức uống. Hoặc nếu thích không khí sôi động của các sự kiện ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, khán giả cũng có các hoạt động phù hợp để tham gia.

Còn nhớ ngày 11/4, khi đồng hồ trôi dần về 23g, khán giả dự buổi giao lưu với đạo diễn người Nhật Kore-eda Hirokazu vẫn chật kín khán phòng. Chẳng ai “nỡ” rời đi vì không dễ có cơ hội gặp “báu vật điện ảnh” của Nhật tại Việt Nam. Kore-eda Hirokazu là một trong những khách mời quốc tế đã đến TPHCM trong dịp này. Ngoài ông, khán giả còn chào đón ông Kim Dong Ho – “cha đẻ” Liên hoan phim (LHP) Busan, Chủ tịch danh dự của HIFF 2024; đạo diễn phim Thiện, ác quái – Kim Jee Woon cùng nhiều nhà làm phim uy tín khác.

Từng dự nhiều LHP quốc tế, cũng từng không ít lần gặp gỡ các khách mời của HIFF 2024 ở nước ngoài, nhưng với nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc – chủ trì chương trình Chợ dự án – cảm giác được đón tiếp họ “trên sân nhà” thật khác.
“Có khách mời từng đến Việt Nam, có người lần đầu đến, nhưng tất cả đều bày tỏ sự thích thú trước tinh thần của TPHCM – một thành phố trẻ trung, cởi mở. Ở HIFF 2024, quy mô Chợ dự án tuy nhỏ nhưng không khí cũng nhộn nhịp, tương đồng với các nước khác, thu hút nhiều người làm điện ảnh kỳ cựu như có vị 30 năm làm ở Warner Bros hay có người 14 năm làm ở Lotte, CGV Hàn Quốc” – bà Trần Thị Bích Ngọc chia sẻ.

Không gian Nhà hát thành phố trong đêm bế mạc HIFF 2024, tối 13/4. Ảnh: Nguyễn Á.

Không gian Nhà hát thành phố trong đêm bế mạc HIFF 2024, tối 13/4. Ảnh: Nguyễn Á.

Một trong những điểm nhấn trong LHP lần này là giải thưởng Phim về TPHCM với sự góp mặt của 5 bộ phim: Song lang; Mai; Đêm tối rực rỡ; Sài Gòn, anh yêu em và Mẹ ơi! Bướm đây. Đây là giải do hội đồng bình chọn nhằm vinh danh, khuyến khích nhà sản xuất có tác phẩm điện ảnh về TPHCM nhân HIFF lần đầu tổ chức“.

Đông tay sẽ vỗ nên kêu

HIFF 2024 đã bước đầu thành công khi thu hút nhiều phim hay, quy tụ các nhà làm phim tên tuổi, tổ chức các tọa đàm nội dung thiết thực, tạo ra được không gian điện ảnh sôi động trong rạp lẫn ngoài trời. Từ bước đà quan trọng này cùng với những kinh nghiệm được rút ra sau mùa đầu tiên, có thể kỳ vọng về sự hoàn thiện trong khâu tổ chức, quảng bá, huy động các đơn vị từ Nhà nước đến tư nhân chung tay vì thành công chung của sự kiện.

“Có 3 điều tạo nên thành công của HIFF 2024: nhiều phim xứng tầm quốc tế, chất lượng ban giám khảo tốt và chất lượng khách mời. Tôi tin HIFF sẽ nhanh chóng tạo được uy tín, vị trí trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Nhưng LHP chỉ là bước đầu. Vấn đề còn lại để điện ảnh phát triển là phải đầu tư nền tảng về đào tạo, vì kể cả có đầu tư xây trường quay lớn nhưng không có người vận hành thì cũng như xây sân bóng đá to mà mỗi năm chỉ đá 1 trận. Đừng nhìn vào vài phim ăn khách mà mừng. Hiện rất cần cơ chế cho đầu tư làm một vài phim lớn, đó cũng là cách đào tạo”.

Đạo diễn Lương Đình Dũng

Chủ tịch danh dự của HIFF 2024 Kim Dong Ho, với kinh nghiệm tổ chức LHP Busan của mình, ông cho rằng hoạt động của HIFF chỉ đang ở bước khởi đầu, cần thêm thời gian và sự ủng hộ. Trong buổi gặp với báo chí, ông chia sẻ: “Để các kỳ LHP lần sau diễn ra thuận lợi, thành công hơn, tôi nghĩ sự kiện cần có sự ủng hộ hơn nữa từ phía thành phố, Nhà nước về nguồn ngân sách tổ chức. Đồng thời, cũng cần thêm nhân sự hỗ trợ sự kiện. Bên cạnh đó, nếu muốn HIFF được biết đến không chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà còn mở rộng sang châu Âu, Mỹ… cần sự tham gia của nhiều cơ quan báo chí hơn, những nhà làm phim, người có mối quan hệ trong ngành phim ảnh quảng bá mạnh hơn để thu hút sự quan tâm của cộng đồng làm phim các nước”.

Sự hỗ trợ của Nhà nước là nội dung được các diễn giả khách mời quốc tế, nhà làm phim tên tuổi nhắc đến thường xuyên ở các buổi tọa đàm hay khi trò chuyện với báo chí. Và từ HIFF, cũng đã có những tín hiệu tích cực được thông tin, chia sẻ, tạo được sự kỳ vọng, khích lệ cho các nhà làm phim, công chúng yêu phim ảnh. Trong đó, tại buổi tọa đàm “Phát triển điện ảnh TPHCM” thuộc khuôn khổ HIFF 2024, có nhiều thông tin thu hút sự chú ý. Sở Văn hóa – Thể thao TPHCM đang nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong việc quản lý các hoạt động tổ chức đoàn quay phim nơi công cộng. Quy chế này sẽ tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính và tạo sự liên thông giữa các địa phương, sở, ngành; từ đó có thể thu hút nhiều đoàn phim trong nước và quốc tế đến để quảng bá hình ảnh TPHCM.

Thảm đỏ của HIFF 2024 ấn tượng từ góc nhìn trên cao. Ảnh: Nguyễn Á

Thảm đỏ của HIFF 2024 ấn tượng từ góc nhìn trên cao. Ảnh: Nguyễn Á

Sau HIFF 2024, sẽ có hội nghị xúc tiến đầu tư trên lĩnh vực văn hóa và thông tin để kết nối những người làm điện ảnh trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài. Khó khăn về cơ sở hạ tầng cũng được tháo gỡ qua thông tin Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM sẽ hỗ trợ cho vay đến 200 tỉ đồng trong 7 năm, không lãi suất, cho việc xây dựng cụm rạp trên 1.000 chỗ.

Để các nghiên cứu về quy chế phối hợp, ý tưởng, giải pháp tháo gỡ những tồn đọng được nêu ra trong khuôn khổ HIFF thành hình, cần khá nhiều thời gian. Nếu càng sớm hoàn thành thì niềm tin, sự hưng phấn, động lực từ các nhà làm phim càng lớn. Từ đó có thể kỳ vọng về sự cất cánh của điện ảnh TPHCM.

Trong đề án về chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030, ngành công nghiệp điện ảnh được xác định là 1 trong 8 ngành trọng tâm, với mục tiêu chỉ số tốc độ phát triển trung bình khoảng 12%/năm, đạt doanh thu trên 5.000 tỉ đồng (trong đó phim Việt Nam đạt khoảng 30%), đóng góp khoảng 0,4% GRDP vào năm 2025. Những con số này là mục tiêu khá khó, nhưng cũng là động lực để các cơ quan nhà nước, nhà làm phim chung tay thực hiện.

Theo Hương Nhu – Diễm Mi/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)