Bức thư gửi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết của em Nguyễn Đắc Xuân Thảo, học sinh lớp 8/10 Trường THCS Nguyễn Huệ (Đà Nẵng) đã giành giải nhì tại cuộc thi “Viết thư quốc tế UPU” lần thứ 39, nhân kỷ niệm 135 năm Ngày Liên minh Bưu chính thế giới. Nội dung bức thư mà em Thảo thể hiện chính là việc ghi lại những hình ảnh trong đời sống sinh hoạt thường nhật của gia đình em…
Ngày 10-10 có lẽ là một ngày kỷ niệm khó quên của Thảo, bởi em đã vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng huy chương và bằng khen quốc tế trong cuộc thi “Viết thư quốc tế UPU” lần thứ 39. Vượt qua hàng ngàn bức thư của các thiếu nhi trên thế giới Xuân Thảo đã đạt giải nhì, một giải thưởng danh dự của thiếu nhi Việt Nam trong cuộc thi “Viết thư quốc tế UPU”. Theo đánh giá của Ban giám khảo quốc tế cuộc thi “Viết thư quốc tế UPU” lần thứ 38, bức thư của em Thảo “có cấu trúc chặt chẽ, nội dung lại chan chứa tình cảm. Từ một câu chuyện cá nhân, thí sinh đã biến nó thành một bài học có ích cho những người còn lại trên thế giới”.
Em Nguyễn Đắc Xuân Thảo
Cảm giác vui mừng sau ngày nhận giải vẫn đang còn in đậm trên gương mặt của cô học trò nhỏ bé này, gặp em tôi không nghĩ rằng đây là cô bé có thể viết những lời lẽ sâu sắc và đầy lòng trắc ẩn: “Cháu còn quá nhỏ để có thể hiểu hết được mọi thứ, nhưng cháu đã không còn quá ngây thơ khi nhìn nhận một số điều đang diễn ra xung quanh cháu”. Đấy chính là hình ảnh của những người cha, người anh, người chú người bác đang lao động gian khổ và đầy nguy hiểm ở những cơ sở lao động không an toàn. Những trăn trở và lo lắng đó cũng được xuất phát từ hình ảnh của chính cha mình, một người thợ xây dựng. Mơ ước về một môi trường làm việc an toàn cho những người lao động đã khiến Thảo chọn tình huống trong thư về người bố bị tai nạn lao động khiến cả gia đình không có chỗ dựa vững chắc đã làm lay động cảm xúc của người đọc trên toàn thế giới. Những câu hỏi của Thảo chính là vấn đề nan giải mà xã hội đang phải đối mặt, và câu trả lời của nó vẫn là một dấu hỏi lớn. Thảo viết: “… Liệu những tai nạn đã từng xảy ra với bố cháu và một số chú, bác khác (mà cháu vô tình được biết thêm qua câu chuyện giữa bố và bạn bè đang làm trong xưởng) đã có thể dừng lại chưa? Còn tai nạn nào sẽ xảy ra nữa? Còn gia đình nào sẽ mất đi chỗ dựa? Còn có những đứa bé biết thương bố mẹ vất vả cực nhọc, đánh đổi nhiều thứ cho cuộc mưu sinh nhưng chẳng thể làm gì được như anh em cháu nữa hay không?”.
Những trăn trở của cô bé chỉ mới 13 tuổi khiến cho những người đọc không khỏi ngỡ ngàng và xúc động. Câu chuyện chân thực, cảm động trong bức thư một phần được xuất phát từ chính cảnh ngộ của gia đình Thảo. Bố Thảo cho rằng hoàn cảnh gia đình có tác động lớn đến ý tưởng trong bức thư của Thảo. Anh Nguyễn Đắc Sinh cho biết: “Hình ảnh người cha và gia đình trong câu chuyện của Thảo rất giống gia đình tôi. Hiện nay cả hai vợ chồng đều là những người làm công, qua những câu chuyện hằng ngày tôi kể ở chỗ làm đã tác động đến ý tưởng của Thảo”. Hiện nay bố Thảo là thợ xây dựng, mẹ Thảo bán nước tại cổng Trường TH Phan Thanh (Đà Nẵng). Kinh tế gia đình rất khó khăn bởi cả cha và mẹ đều lam lũ và vất vả để hai anh em Thảo được đến trường. Thế nhưng không phụ lòng cha mẹ, cả hai anh em Thảo đều là học sinh giỏi của trường. Từ câu chuyện thực của gia đình, Thảo đã nhập vai viết thư cho Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với mong muốn những người lao động nghèo khổ được yên tâm làm việc trong những điều kiện lao động an toàn để không còn xảy ra những tai nạn đáng tiếc khiến cho bao gia đình trở nên khó khăn về vật chất và mất mát về tinh thần.
Trong suốt 20 năm tham gia cuộc thi “Viết thư quốc tế UPU”, lần đầu tiên một thiếu nhi Việt Nam được vinh danh ở cuộc thi này. Chính sự cảm động và chân thực về tình cảm của một người con hiếu thảo đã vượt qua được hàng ngàn bức thư của 190 quốc gia trên thế giới để chinh phục được Ban giám khảo quốc tế.
Bài, ảnh: Đinh Hương
Bình luận (0)