Tem bưu chính Việt Nam đã từng khá nhiều lần khắc họa hình ảnh rồng trên các con tem, nhưng đáng lưu ý nhất có lẽ là hình ảnh con rồng lần đầu tiên thể hiện trên tem nhân dịp đón chào kỷ niệm 950 năm thủ đô.
Tem Tết Canh Thìn 2000
Ngày 10-10-1960, Bưu chính Việt Nam phát hành bộ tem “Kỷ niệm 950 năm thủ đô Hà Nội” (mã số 075), gồm 2 mẫu có giá mặt 8 xu (mã số 183), 12 xu (mã số 184) và block số 4 (mã số 075B). Cả 3 mẫu tem đều tái hiện chung hình ảnh con rồng 3 móng, vóc dáng thanh mảnh đặc trưng thời nhà Lý, miệng ngậm ngọc châu, đang uốn lượn bay lên (thăng long).
Tiếp sau 40 năm là 3 bộ tem Tết Thìn lần lượt ra đời nối tiếp nhau, cách quãng 12 năm, vào các năm Thìn. Trước tiên, ngày 3-1-2000, Bưu chính Việt Nam phát hành bộ tem Tết Canh Thìn (mã số 820), gồm 2 mẫu có giá mặt 400 đồng (mã số 3013) và 8.000 đồng (mã số 3014). Hai mẫu tem được khắc họa hình ảnh con rồng 4 móng thời Trần – Lê vạm vỡ, khỏe khoắn, đang mềm mại uốn lượn giữa mây trời, trên nền Chùa Một Cột và kỳ đài Hà Nội.
Tem Tết Nhâm Thìn 2012
Tiếp theo, nhân dịp đón chào năm mới Nhâm Thìn 2012, ngày 1-12-2011, Bưu chính Việt Nam phát hành bộ tem Tết Nhâm Thìn, mã số 1013, gồm 2 mẫu có giá mặt 2.000 đồng (mã số 3542) và 10.500 đồng (mã số 3543). Hai mẫu tem đã khắc họa hình ảnh con rồng 5 móng thời nhà Nguyễn ở 2 hình thế khác nhau, với nét vẽ cách điệu tươi vui, mô phỏng nghệ thuật nặn tò he, tạo không khí hân hoan, tưng bừng đón chào năm mới an khang, thịnh vượng.
Và ngày 24-12-2023, Bưu chính Việt Nam phát hành bộ tem Tết Giáp Thìn (mã số 1184) gồm 2 mẫu có giá mặt 4.000 đồng (mã số 3905) và 15.000 đồng (mã số 3906), cùng block mã số 1184B do họa sĩ Nguyễn Quang Vinh thiết kế. Cả 3 mẫu tem đều khắc họa hình ảnh con rồng với nhiều hình thế phong phú, qua nét vẽ hiện đại, vui nhộn, hân hoan đón chào năm mới 2024.
Block tem Tết Giáp Thìn 2024
Như chúng ta đều biết, rồng là con vật không có thật duy nhất trong 12 con giáp, là linh vật được tạo nên bởi trí tưởng tượng của nhân loại nên rồng có nhiều hình thái biểu hiện khác nhau tại các dân tộc, ở các nền văn hóa. Rồng Việt Nam đã trải qua tiến trình biến đổi, tùy các giai đoạn lịch sử với những hình tượng rồng riêng phù hợp với tâm thức của người Việt trong từng thời kỳ. Rồng trên tem Tết Giáp Thìn 2024 của Bưu chính Việt Nam là hồi quang hình thể rồng 3 móng thanh mảnh thời nhà Lý, phiên bản của thời đại 4.0 mới mẻ, thân thiện và gần gũi, với dáng bay vừa uyển chuyển vừa mạnh mẽ, bước chân đạp mây tung tăng dạo chơi trong tiết xuân cùng nụ cười thân thiện. Tuy mang tinh thần của một hình tượng rồng thế hệ trẻ nhưng chúng ta cũng dễ nhận thấy rồng 2024 vẫn giữ các nét đặc trưng của tổ tiên rồng Việt – những đặc điểm tạo nên sự dị biệt của rồng Việt Nam, so với các hình tượng rồng khác trên khắp thế giới.
Bộ tem “Kỷ niệm 950 năm thủ đô Hà Nội”
Bộ tem Tết Giáp Thìn được thể hiện qua hình tượng “lý ngư hóa long”, ngụ ý thể hiện sự phát triển “vượt vũ môn” của đất nước Việt Nam trong thời đại 4.0, để hòa nhịp cùng thế giới. Nó cũng khiến chúng ta liên tưởng đến phong tục tiễn ông Công ông Táo cưỡi cá chép về trời mà nhiều gia đình Việt vẫn thực hiện mỗi dịp cận Tết. Tem khắc họa hình hai con rồng thăng – hạ hướng vào nhau tạo nên thế cân bằng âm dương hòa hợp. Hình ảnh biểu tượng Thăng Long, Hạ Long trên hai con tem như ngầm nhắc nhở hai di sản thế giới tại Việt Nam cần được giữ gìn và bảo vệ là Kinh thành Thăng Long – nơi rồng thăng hoa bay lên và Vịnh Hạ Long – nơi bình an rồng hạ xuống.
Theo thông lệ hằng năm, mỗi khi năm cũ dần qua, năm mới sắp đến, ngành bưu chính nhiều nước – nhất là các nước châu Á có đón Tết âm lịch giống Việt Nam, có thể kể tên một số nước như: Malaysia, Singapore, Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên, Ấn Độ, Bhutan… thường phát hành bộ tem linh vật cầm tinh năm đó, để chào mừng Tết Nguyên đán; đồng thời gửi gắm thông điệp ước muốn vạn sự tốt đẹp trong năm mới. Năm nay 2024 – năm Giáp Thìn – là năm cầm tinh con rồng, linh thú huyền ảo duy nhất trong 12 linh vật, cũng là con vật giàu ý nghĩa nhất trong thập nhị chi, biểu trưng cho sức mạnh, quyền uy, phú quý và thịnh vượng. Rồng được xem là con vật của trời đất, có quyền năng tối thượng, vượt trên muôn loài; đồng thời là linh vật cát tường của phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Tem Bưu chính Việt Nam, cách đây hơn 60 năm – năm 1960 – lần đầu tiên đã khắc họa hình ảnh rồng 3 móng trên tem bưu chính. Từ đó đến nay, những mô-típ rồng 3 móng, rồng 4 móng, rồng 5 móng của các triều đại phong kiến Việt Nam, qua nhiều phương thức nghệ thuật phong phú như cách điệu, tả thực, tượng trưng, đã lần lượt được biểu đạt trên mặt tem bưu chính nước ta.
|
Riêng block khắc họa hình 9 rồng quần tụ, dàn trải trên khắp mặt block như dòng sông Cửu Long uốn lượn ăm ắp phù sa với 9 cửa cuồn cuộn đổ ra biển Đông, đắp bồi nên vựa lúa trù phú châu thổ Tây Nam bộ. Block còn thể hiện đại gia đình nhà rồng quần tụ hướng về nhau trên những đám mây hình chiếc khánh, tượng trưng cho sự bình an, những dải lụa mây gợi nên hạnh phúc hòa quyện; các đám mây lớn nhỏ cùng cặp rồng trung tâm trên block kết hợp với nhau lại tạo thành hình liễn cơm đầy tượng trưng cho sự đủ đầy, no ấm.
Rồng Việt trên tem Tết luôn là biểu tượng chuyên chở thông điệp: Ấm no – Hạnh phúc – Bình an – Sum vầy; đó cũng chính là nỗi niềm cháy bỏng trong tâm thức đại gia đình Việt Nam đều mong muốn mỗi dịp Tết đến xuân về.
Phan Thi My (Hội Tem tỉnh Khánh Hòa)
Bình luận (0)