Mẹ Bùi Thị Mè tại nhà riêng năm 2012 |
Sáng qua 13-3, dòng người từ khắp nơi đã đến căn nhà số 03, Phùng Khắc Khoan, P.Đakao, Q.1, TP.HCM đưa tiễn mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè (còn gọi má Năm Mè) về với đất mẹ. Trong dòng người ấy, có những người chỉ biết mẹ qua sách, báo, cảm phục ý chí kiên cường của người phụ nữ Nam bộ tìm đến thắp nén nhang tiễn biệt. Cụ ông Lê Tấn Phan (ngụ TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) xúc động nói: “Tôi từng cầm súng chiến đấu, chịu nhiều gian khổ nhưng với chị (tức mẹ Mè – PV), nỗi đau mất mát và gian khổ của tôi chẳng xá gì”.
Mẹ Mè sinh năm 1921 tại làng Trường Thọ, tổng Bình Qưới (nay là xã Qưới An), huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Mẹ tham gia kháng chiến từ năm 1945. Những năm 50, mẹ tham gia công tác dân vận tại tỉnh Trà Vinh dưới vỏ bọc Hiệu trưởng Trường Trung học tư thục Long Đức (trường là cơ sở cách mạng), Tổng thư ký Hội Phụ nữ Việt Nam tỉnh Trà Vinh. Năm 1957, ngôi trường này bị Ngô Đình Diệm đóng cửa vì lý do Hiệu trưởng thân Cộng, Ban giáo sư thân Cộng và dạy đường lối chống Chính phủ. Từ đó đến khi nghỉ hưu năm 1979, mẹ kinh qua các công việc như: Ủy viên Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Tây Nam bộ; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Y tế – Xã hội – Thương binh Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM…
Cách đây ba năm, dịp mừng thọ 90 tuổi của mẹ, tôi được mẹ kể nguồn gốc cái tên. Mẹ có ba người chị nhưng đều mất từ lúc hơn tháng tuổi. Mẹ nói: Có thể vì mẹ tôi dầm mưa dãi nắng, sữa bị lạnh nên các chị chết non. Khi mang thai mẹ, mẹ của mẹ lo lắng, nếu không may mẹ cùng chung số phận với các chị. Ngày lọt lòng, mẹ được cho làm con của bà mụ đỡ. Bà mụ có đứa con tên Đậu nên đã đặt tên mẹ là Mè. Đầu năm 2011, trong lần đi cùng mẹ về thăm Trung tâm Dạy nghề cho người tàn tật và trẻ mồ côi ở Hóc Môn (nơi mẹ làm cố vấn), mẹ kể nhiều câu chuyện đầy nghiệt ngã đã đi qua cuộc đời mình. Chúng tôi nhớ mãi chuyện mẹ mất bốn người con chỉ trong vòng một tuần lễ trong chiến dịch Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968. Năm 1966, khi đang công tác ở R (chiến trường miền Đông – PV), mẹ nhận tin con Nguyễn Huỳnh Đạo tình nguyện gia nhập giải phóng quân. Đến đầu 1967, Nguyễn Huỳnh Tài gửi thư, có đoạn: “Vì thời gian cấp bách, đường sá xa xôi cách trở và thời gian đi qua vùn vụt không thể chờ đợi nên con định đến đơn vị sẽ báo tin cho ba má luôn thể. Mong ba má hiểu và tha lỗi cho con”. Cũng trong thời gian này, mẹ được tin con trai đầu Nguyễn Huỳnh Sanh (bé Hai) được lệnh tham gia và sắp xuống đường vào thành phố. Mẹ chia sẻ: Từ giã con mà lòng băn khoăn khó tả. Tiễn con ra trận, có người mẹ nào không lo khi biết con mình sẽ xông pha ra trận chiến đấu với kẻ thù?
Một sáng nọ, các đồng chí từ chiến trường báo tin Sanh, Tài hy sinh trong đợt phản kích. Mẹ không tin vì Tài ở đơn vị miền Tây, chắc là có sự nhầm lẫn. Đúng là Tài ở miền Tây nhưng được lệnh lên tăng cường cho chiến trường T4. Hai cái tang con làm nát lòng người mẹ. Chưa dứt cơn sốt rét hoành hành, mẹ lại có tin buồn từ chiến trường T3: Nguyễn Huỳnh Đại (bé Tư) và Nguyễn Huỳnh Đạo hy sinh. Đau đứt ruột. Nhưng rồi tin tức từ chiến trường hàng ngày đã vực mẹ dậy. Kẻ thù còn kia. Đồng bào còn bị giết, đồng đội con còn đổ máu ở chiến trường… Mẹ không thể nào chùn bước. Phải thay con tiếp bước đi đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đón Bác vào Nam. Mẹ đứng lên kêu gọi hồn con tiếp sức. Nghiến chặt răng, lùa nước mắt vào tim, tiếp tục nhiệm vụ của mình…
Với những hy sinh, đóng góp to lớn của mẹ trong chiến tranh cũng như sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào ngày 17-2-1994. Mẹ Mè còn được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quyết thắng hạng nhất (30-4-1973); Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng nhất (28-1-1973); Huân chương Giải phóng hạng nhì (7-3-1981); Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ; Huy chương Vì sự nghiệp chữ thập đỏ Việt Nam…
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Bình luận (0)