Sân chùa Đông Sơn với nhiều hình lạ |
Trong 2 ngày qua (7 – 8.3), hàng ngàn người hiếu kỳ đã kéo đến chùa Đông Sơn (thôn Tân Sơn, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) để xem hiện tượng lạ: sau khi được lát sân chùa, trên bề mặt những viên gạch nổi nhiều hình thù kỳ lạ giống những ký tự.
PV Thanh Niên đã có mặt tại chùa Đông Sơn và chứng kiến rất nhiều người dân đến xem hình trên gạch lát. Theo quan sát của chúng tôi, trên khoảng sân chùa rộng hơn 100m2, hầu hết các viên gạch đều nổi những vệt trắng giống như nước vôi trên nền gạch đỏ, và nằm ngay giữa viên gạch. Những người cao tuổi trong làng cho rằng, hình thù trên gạch gần giống các nét của các ký tự cổ, hoặc chữ Hán.
Bà Ngô Thị Tín, 71 tuổi, trụ trì chùa Đông Sơn cho biết: chùa mới được lập cách đây 4 năm, trước đó nữa là một ngôi đình. Sự việc bắt đầu từ ngày 8.2 âm lịch (4.3), nhà chùa bắt đầu tiến hành đổ đất, san nền, lát sân. Ngày 11.2 âm lịch (7.3) việc lát sân đã hoàn thành. Từ một vườn cỏ phía trước sân chùa cũ, sân chùa mới có diện tích trên 110m2. Công trình do 3 người thợ nề của địa phương làm.
Vật liệu lát nền là gạch men – tách của Công ty Tân Xuyên, tổng số 120 viên, thợ tách đôi thành 240 viên. Do lát thiếu, nhà chùa lấy của một gia đình trong thôn thêm 3 viên, tách thành 6. Anh Ngô Văn Hòa, thợ trực tiếp lát gạch sân chùa cho biết: “Việc lát nền sân diễn ra bình thường. Chúng tôi chỉ dùng xi măng và cát, không hề dùng một chút vôi nào”. Sau khi việc lát sân được hoàn thành thì hiện tượng nói trên xảy ra. Trong ngày 7.3 đã có hàng nghìn người kéo đến xem “chữ lạ trên sân chùa".
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hầu hết những người dân đến xem chỉ vì hiếu kỳ, chưa có bất cứ lời đồn thổi cũng như hoạt động mê tín dị đoan nào tại đây. Ngay sau khi nhận được tin báo của người dân, một số cán bộ ngành văn hóa – thông tin của tỉnh Bắc Giang đã đến ghi nhận, chứng kiến sự việc. Trao đổi với PV, ông Trần Văn Lạng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang nói: “Cá nhân tôi cho rằng đây là sự việc bình thường. Năm ngoái nhà tôi làm sân dùng loại gạch này cũng xuất hiện những hình thù tương tự, dần dần sẽ mất đi”.
Thái Uyên – Song Sơn (Theo TNO)
Bình luận (0)