Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Hình phạt” cho học sinh cá biệt

Tạp Chí Giáo Dục

Trong một lần nói chuyện với đồng nghiệp về cách giáo dục học sinh chưa ngoan, học sinh cá biệt, nhiều người lên tiếng khen cách làm rất hiệu quả đầy tính nhân văn trong việc giáo dục cảm hóa học sinh cá biệt của thầy Nguyễn Văn Cải (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM).

Qua trao đổi, tôi được thầy cho biết: Cuối năm học những em có hạnh kiểm yếu phải rèn luyện trong hè thường được nhà trường áp dụng các hình thức lao động như tưới cây, dọn dẹp vệ sinh, lau phòng học… Riêng ở Trường THPT Quang Trung còn có thêm cách làm tương đối mới, đó là sau một thời gian trực tiếp tham gia lao động các em còn được giáo viên chủ nhiệm, giám thị hay trợ lý thanh niên nhà trường giáo dục thêm ý nghĩa của lao động, giá trị của lao động mang lại và sự vất vả khổ cực của con người trong lao động để từ đó biết yêu quý lao động, thương yêu người lao động… Ngoài ra nhà trường còn dùng “hình phạt” buộc các em phải lên thư viện trường đọc sách, viết nhật kí qua đó tự soi rọi lại bản thân mình. Thầy Cải cho biết thêm: “Tôi có cách làm như thế thú thật cũng không có gì lớn lao hay sáng tạo hoặc đặc biệt nhưng ít nhiều từ thực tế các năm học qua đã mang lại hiệu quả. Cái được trước nhất là bản thân học sinh không nghĩ mình bị nhà trường phạt hay “đì” mà các em phải có tinh thần tự giác lao động, tự giác viết nhật kí công việc mình làm trong ngày, từ đó các em có thời gian suy ngẫm để có thái độ đúng đắn hơn trong suy nghĩ và việc làm của mình”.

Tôi được biết ở nhiều trường THPT, những học sinh có hạnh kiểm yếu trong năm học buộc phải rèn luyện trong hè được ban giám hiệu nhà trường cử người theo dõi sát, điểm danh từng ngày, giám sát từng li từng tí công việc, khi các em hoàn thành xong công việc được giao trong ngày mới cho về, hôm sau đến trường làm việc tiếp. Nếu cứ lặp đi lặp lại hoài mấy việc như: quét rác, tưới cây, lau phòng học cho đến hết hè thì tôi nghĩ công việc sẽ trở nên nhàm chán mà không còn ý nghĩa tốt đẹp của lao động đem lại cho các em. Tôi nghĩ các trường THPT cần học tập và áp dụng cách làm: Đưa học sinh chưa ngoan, hạnh kiểm yếu lên thư viện đọc sách, viết nhật kí, lao động tự phục vụ trong những ngày hè chắc chắn việc làm đó sẽ biến nhà trường trở thành môi trường thân thiện với học sinh, mối quan hệ thầy – trò ngày càng xích lại gần hơn. Theo ý kiến của thầy Cải, ngoài việc cho học sinh đọc sách phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, cán bộ thư viện còn có thể sưu tầm truyện ngắn, tản văn, thơ trên các báo cho các em đọc. Sau đó cho các em viết cảm nhận, suy cho cùng đó cũng là hình thức luyện viết văn cho các em. Biết đâu chừng các em sẽ tiến bộ hơn trong môn văn nhờ thời gian rèn luyện “hình phạt” trong hè.

Trần Văn Tám

Bình luận (0)