Mấy mươi năm trước, lớp tôi học rất nghịch ngợm. Các bạn học thì rất tốt nhưng những trò nghịch phá thì không học sinh lớp nào bằng. Thời ấy, thầy cô đánh đòn để dạy dỗ học sinh là chuyện bình thường, vậy mà chúng tôi dù sợ nhưng với bản tính hiếu động, phá phách nên vẫn không dừng bày trò.
Một lần, trong giờ học văn, tám học sinh (trong đó có tôi) ngồi ở bàn cuối đã ăn vụng xoài tượng chấm nước mắm đường. Mặc dù đứa canh cô giáo, đứa ăn, chấm xoài xong là đậy hũ nước mắm lại liền nhưng cái mùi của nó thì không giấu được. Cô giáo và cả lớp phát hiện, chúng tôi tỉnh bơ nói là mùi từ nhà dân cạnh bên bay vào lớp. Mọi người tin, chúng tôi càng hăng hái ăn và do giật qua giật lại hũ, nước mắm rơi đầy hộc bàn đến dưới đất. Chuyện bại lộ, cứ ngỡ sẽ bị cô giáo quất cho mỗi đứa mấy roi nhưng không, cô bắt chúng tôi lau sạch lớp bằng xà bông. Riêng cái bàn, cô buộc chúng tôi phải khiêng từ trên lầu xuông tận nhà vệ sinh dưới đất lau rửa, rồi phơi ngoài nắng trong giờ chơi cho khô, xong mới mang lên. Khỏi nói chúng tôi đã phải cực nhọc thế nào khi lau lớp bằng xà bông và nhất là khiêng bàn lên xuống để làm sạch. Khi dọn dẹp xong, cô giáo mới hỏi chúng tôi có mệt không và cô nói có mệt thì chúng tôi mới nhớ lớp học là nhà của mình. Nhà dơ dáy, hôi hám là lỗi ở chủ nhà. Ăn vụng trong giờ học là 1 lỗi, nói láo khi cô phát hiện là 2 lỗi, làm dơ lớp là lỗi thứ 3 và cô nói nếu tái phạm những lỗi như vậy thì cô cũng phạt y như thế. Sau lần ấy, dường như chúng tôi không còn dám ăn vụng những món độc đáo trong giờ học nữa.
Thật vậy, đối với học sinh, đôi khi những hình phạt đúng sẽ có tác dụng giáo dục nhiều hơn lời la mắng hay đòn roi.
Lê Phương Nhân Tâm (TP.HCM)
Bình luận (0)