Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hình thành kỹ năng toàn cầu từ lễ hội giao lưu văn hóa

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Lynda Sharp (đi din Trưng THCS Pukekohe) gii thiu trò chơi dân gian New Zealand đến hc sinh VASS

Vừa qua, tại Trường TH-THCS-THPT Việt Mỹ (VASS) đã diễn ra Lễ hội Giao lưu văn hóa giữa VASS và Trường THCS Pukekohe (New Zealand). Sự kiện là một trong những “điểm nhấn” nằm trong kế hoạch giáo dục năm học 2019-2020 của trường, đồng thời tạo điều kiện để học sinh nhà trường có cơ hội được tìm hiểu về văn hóa truyền thống dân tộc, được giao lưu học hỏi về văn hóa, giáo dục tại New Zealand. Lễ hội có sự tham gia của cô Lynda Sharp (đại diện Trường THCS Pukekohe), bà Ngô Thanh Tâm (đại diện Lãnh sự quán New Zealand tại TP.HCM), Th.S Ruby Nguyễn (Giám đốc quan hệ đối ngoại Trường THCS Pukekohe – Newzealand, kiêm Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn du học đầu tư RBG Education) cùng đông đảo học sinh, giáo viên nhà trường.

Trong khuôn khổ lễ hội, nhiều hoạt động đặc sắc về văn hóa hai quốc gia đã được giới thiệu, đẩy mạnh qua các gian hàng văn hóa, trò chơi, ẩm thực… Song song đó, các hoạt động về hội thảo du học tại lễ hội lại cung cấp cho học sinh, phụ huynh nhà trường những thông tin du học, học bổng du học bổ ích, chính xác tại bậc trung học và ĐH tại đất nước New Zealand xinh đẹp.

Phát biểu tại lễ hội giao lưu, ThS. Nguyễn Thanh Mai (thành viên HĐQT, Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, VASS được biết đến là môi trường giáo dục theo hướng hội nhập quốc tế. Học sinh VASS được tiếp cận song song chương trình của Bộ GD-ĐT Việt Nam và chương trình tiếng Anh quốc tế. “Với mục tiêu đào tạo ra những công dân toàn cầu, việc trao đổi, giao lưu văn hóa giữa các quốc gia là yếu tố không thể thiếu. Tuy nhiên, mục tiêu này cũng đặt ra trọng trách trong việc giáo dục học sinh về văn hóa truyền thống của dân tộc, giữ gìn và lan tỏa các nét văn hóa đẹp đó đến bạn bè quốc tế”.

Do đó, lễ hội đã mở ra không gian văn hóa để học sinh nhà trường được hòa mình vào các sân chơi truyền thống của dân tộc: các trò chơi dân gian như banh đũa, nhảy sạp, ô ăn quan, thưởng thức những món ăn dân gian như bánh dầy, bánh giò, bánh chuối…, tìm hiểu về văn hóa dân tộc. Cạnh đó, các trò chơi dân gian truyền thống của New Zealand cũng được giới thiệu, giúp học sinh có thêm những hiểu biết và tình yêu với văn hóa nước bạn.

“Vượt ra ngoài yếu tố giao lưu, trao đổi giữa hai trường, hoạt động còn là sợi dây để thắt chặt thêm nữa mối quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam và New Zealand”, ThS. Thanh Mai nhấn mạnh.

Đặc biệt, lễ hội còn có sự góp mặt của những sản phẩm trang phục thời trang tái chế và các mô hình văn hóa đặc trưng tái chế do cô và trò trường VASS thực hiện. Từ những mô hình này, những chợ Bến Thành, cầu Mỹ Thuận, miền Tây sông nước… đã hiện lên chân thực, đầy hình ảnh trong mắt học sinh nhà trường và bạn bè quốc tế. “Học đi đôi với hành, học mà chơi, chơi mà học. Ngoài việc rèn luyện về ngoại ngữ, hiểu biết về các nền văn hóa, khi tham gia vào các hoạt động của lễ hội sẽ hình thành cho học sinh thêm nhiều kỹ năng về sự tự tin, khả năng giao tiếp – những kỹ năng cần có của một công dân hội nhập toàn cầu”, ThS. Mai khẳng định.

Bài, ảnh: Yến Hoa

 

Bình luận (0)