Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới tiếp tục được xây dựng trên quan điểm coi mục tiêu GDPT là giáo dục con người toàn diện, giúp HS phát triển hài hòa về đức, trí, thể, mỹ. Hướng đến là giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp HS hoàn thành các công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả và sáng tạo những kiến thức đã học. Quan điểm này được thể hiện nhất quán ở nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục. Những năng lực chung cần hình thành cho HS, được tất cả các môn học và hoạt động giáo dục góp phần hình thành, phát triển là năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Giờ học tại một trường THCS ở TP.HCM
Để thực hiện tốt tinh thần đổi mới của chương trình nhằm phát huy tốt năng lực chung cho HS, thiết nghĩ mỗi thầy cô cần, tất nhiên – ngay từ bây giờ, đổi mới phương pháp giảng dạy trên tinh thần “lấy HS làm trung tâm”. Muốn làm tốt điều này, cơ bản nhất là trong mỗi tiết học HS phải liên tục được “động não” với hệ thống các câu hỏi của GV đặt ra, câu hỏi của HS với GV và của HS hỏi lẫn nhau. Có làm tốt hệ thống các dạng hỏi – đáp này tiết học sẽ thật sự trở nên sinh động và là thời gian HS tìm tòi và phát hiện kiến thức mới.
Câu hỏi là thuật ngữ dùng để chỉ việc nêu vấn đề trong khi nói hoặc viết, đòi hỏi có cách giải quyết. Câu hỏi được sử dụng trong cuộc sống thường ngày cũng như trong dạy học nhưng câu hỏi trong cuộc sống thường là người hỏi chưa biết câu trả lời còn trong dạy học thì câu hỏi của GV là những vấn đề GV đã biết, HS đã học hoặc dựa trên những kiến thức đang học, sẽ học mà trả lời một cách thông minh, sáng tạo. Còn câu hỏi phía HS sẽ giúp tăng cường kỹ năng quan sát, phân tích và mở rộng kiến thức của mình về thế giới xung quanh, giúp HS nâng cao kỹ năng nhìn nhận, đánh giá để đi đến hoàn thiện vấn đề được chặt chẽ hơn, giúp chủ động, linh hoạt và sáng tạo hơn trong việc tiếp cận kiến thức và giúp HS thấy được sự liên hệ giữa kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng trong thực tiễn. Chính vì vậy, câu hỏi trong dạy học bao giờ cũng mang yếu tố mở, yếu tố nhận biết, khám phá… Đặt câu hỏi là trung tâm của phương pháp dạy học tích cực.
Đối với GV
Đặt câu hỏi là một phương pháp được sử dụng thường xuyên và cũng là phương pháp dạy học tích cực. Câu hỏi được sử dụng như một phương tiện để tổ chức dạy học, hướng dẫn quá trình nhận thức, giúp GV đánh giá được năng lực, mức độ nhận thức của HS, nắm được thông tin phản hồi từ phía HS đồng thời thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của HS để có những điều chỉnh phù hợp. Điều quan trọng là phải lựa chọn được loại câu hỏi thích hợp để kích thích tư duy của HS và thu hút HS vào các cuộc thảo luận hiệu quả. Phương pháp dạy học bằng cách đặt câu hỏi được thực hiện thông qua việc đặt ra những câu hỏi thăm dò và thách thức nhắm đến các kỹ năng tư duy bậc cao như phân tích, tổng hợp và đánh giá. Đưa ra các câu hỏi có tính thách thức có thể kích thích HS khám phá các ý tưởng và ứng dụng kiến thức mới vào nhiều tình huống khác.
Vì thế, câu hỏi trong quá trình dạy học là quá trình tương tác giữa GV và HS, được thực hiện thông qua hệ thống câu hỏi và câu trả lời tương ứng về một chủ đề nhất định được GV đặt ra. Qua việc trả lời hệ thống câu hỏi dẫn dắt của GV, HS thể hiện được suy nghĩ, ý tưởng của mình, từ đó khám phá và lĩnh hội được đối tượng học tập. Đây là phương pháp dạy học mà GV không trực tiếp đưa ra những kiến thức hoàn chỉnh mà hướng dẫn HS tư duy từng bước để các em tự tìm ra kiến thức mới phải học. Đặt câu hỏi tốt không những có tác dụng trong dạy học mà còn là những kiểu mẫu cho HS học tập để các em mang vào cuộc sống khi giao tiếp hoặc tiếp tục khai thác tri thức cho mình. Điều quan trọng là phải lựa chọn được loại câu hỏi thích hợp để kích thích tư duy của HS và thu hút các em vào các cuộc thảo luận hiệu quả.
Đặt câu hỏi đúng cách là trọng tâm của việc giảng dạy và truyền đạt kiến thức hiệu quả. Đặt câu hỏi một cách hợp lý sẽ giúp GV giữ nhịp được bài giảng, thu hút được sự chú ý của HS, khẳng định vấn đề một cách khéo léo. Dù sử dụng theo các phương pháp dạy học nào thì một giờ dạy đạt hiệu quả cao không thể thiếu sự hợp lí trong mức độ yêu cầu kiến thức của các câu hỏi và tính hợp lý trong hệ thống câu hỏi mà GV đặt ra cho HS. Trong giờ dạy, GV thiết kế và sử dụng câu hỏi không hợp lý, bài giảng sẽ không thuyết phục, không có chiều sâu của kiến thức, trọng tâm bài học không đầy đủ, hoặc không đáp ứng yêu cầu về kiến thức và kỹ năng cần đạt mặc dù GV đã sử dụng rất nhiều phương pháp dạy học cùng các thiết bị dạy học hiện đại. Trái lại, giờ học GV thiết kế, sử dụng hợp lý các câu hỏi nhận thức ở các cấp độ khác nhau đi kèm với các câu hỏi gợi mở thì giờ dạy của GV trở nên nhẹ nhàng hơn, yêu cầu GV đặt ra cho HS thông qua hệ thống câu hỏi từ đó HS tiếp nhận kiến thức một cách tự nhiên và khắc sâu hơn.
Đối với HS
Hiện nay, trong giờ học trên lớp, thói quen đặt câu hỏi chưa thực sự được coi trọng tương xứng với giá trị thực của nó. Phương pháp giảng dạy truyền thống vẫn còn chịu ảnh hưởng rất lớn của giáo dục Nho học, nơi người học chủ yếu tiếp thu những chân lý có sẵn của “thánh hiền” hơn là thử thách với những tri thức đã có hay khám phá tri thức mới. Từ đó, phần lớn HS thường e dè trong việc đặt câu hỏi và gần như không có suy nghĩ hoài nghi nào với những gì GV đã giảng. Phần lớn HS còn rất thụ động trong việc học, nhiều HS quan niệm kết quả học tốt hay không là do bài giảng của GV hoặc do GV vì lớp học có số HS đông và phải chạy theo “giáo án” cho kịp giờ nên thường không khuyến khích HS đặt câu hỏi. Điều này dẫn đến thói quen là HS chỉ nghe mà không hỏi, mặc nhiên chấp nhận những điều GV giảng trên lớp là chân lý.
Để đổi mới phương pháp giảng dạy, cần có quan niệm rõ ràng là đặt câu hỏi không phải là sự “kết thúc” mà là sự “khởi đầu’’ tất yếu của một hành trình khám phá tri thức, nên nếu GV gợi ý, khuyến khích HS biết hoài nghi chắc chắn rằng HS sẽ không ngại đặt câu hỏi. – Ở đây cần chú ý “hoài nghi” là hành động khách quan cần thiết để đánh giá thấu đáo một sự vật, hiện tượng. Còn “đa nghi” thuộc về tính cách tiêu cực kiểu như “nhìn thức ăn nào cũng thấy có độc tố” – GV phải biết dẫn dắt HS tự hỏi và tự tìm câu trả lời, ưu tiên hỗ trợ HS tự mình tìm tòi; cần biết tự đặt câu hỏi và hiểu câu hỏi của người khác sao cho tốt. Việc đặt câu hỏi giúp cho trí não HS được vận động, chuyển từ trạng thái thụ động sang trạng thái hoạt động. Việc làm này, tuy có mất thời gian, nhưng sẽ làm cho bài học, kiến thức truyền thụ được khắc sâu, rộng mở và chính xác hơn.
Ngoài ra, việc mạnh dạn đặt câu hỏi và thể hiện bản thân giúp HS giải tỏa những thắc mắc của mình với nhiều kiến thức mới mà thầy cô chưa khai thác hết. Thường xuyên đặt câu hỏi với GV sẽ giúp HS phát huy tinh thần sáng tạo và khả năng tư duy của mình. Đặt câu hỏi tốt giúp tạo hứng thú, khơi dậy và mở rộng được sự đóng góp, chia sẻ, thảo luận trong lớp học giữa HS với HS, HS với GV. Đặt câu hỏi cũng có tác dụng định hướng, dẫn dắt tiếp cận với chân lý, giúp tiếp thu tri thức một cách có hệ thống, tránh tình trạng ghi nhớ máy móc, rập khuôn, giúp bản thân hiểu bài hơn, đồng thời có thể khám phá ra những câu trả lời cho riêng mình; xác định những bằng chứng thuyết phục trước khi tin vào những điều được học. Ngoài ra, việc trả lời câu hỏi cũng giúp HS rèn luyện và phát triển tư duy, giúp kiến thức mới có thể vào sâu trí nhớ hơn.
Trần Đăng Huy (TP.Cần Thơ)
Bình luận (0)