Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hình tượng Bác Hồ trên sân khấu cải lương

Tạp Chí Giáo Dục

Hình ảnh Bác Hồ trong lòng mỗi người dân Việt Nam đã trở nên rất đỗi gần gũi và thân quen. Tôi đã từng xem NSƯT Tiến Hợi, NSƯT Trần Lực và gần đây nhất là diễn viên trẻ Minh Đức thể hiện xuất sắc vai Bác Hồ trên phim ảnh. Nhưng trên sân khấu cải lương, NSƯT Thanh Điền được xem là người khắc họa hình tượng Hồ Chủ tịch thành công nhất.

Thanh Điền trong hình tượng Bác Hồ vở Đêm trắng (ảnh nhân vật cung cấp)

Thanh Điền là một nghệ sĩ đa năng. Anh được đông đảo công chúng yêu mến bởi khả năng diễn xuất rất đa dạng, đảm nhận được nhiều loại vai từ chính diện, phản diện đến vai hài. Trong số hàng ngàn vai diễn của anh, ngoài vai Quan huyện Trìa trong vở cải lương Ngao Sò Ốc Hến ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả, còn có một vai diễn mà khi nhắc đến anh cảm thấy rất tự hào – đó là vai Hồ Chủ tịch trong vở cải lương Đêm trắng (tác giả Lưu Quang Hà, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang) trên sân khấu Sài Gòn I năm 1990.
Thanh Điền cho biết anh giữ gìn cuốn băng video mà các đồng nghiệp quay lại trong thời gian diễn vở Đêm trắng như một báu vật. 21 năm đã trôi qua nhưng mỗi khi nhắc lại vai diễn này, anh vô cùng hồ hởi: “Vai Hồ Chủ tịch thực sự là một thử thách rất lớn đối với tôi. Bản thân sự kiện và những lời thoại trong kịch bản đã làm nên sự vĩ đại của Người. Đoàn cải lương Sài Gòn I là sân khấu miền Nam đầu tiên dựng vở về Bác Hồ, do Hội Sân khấu TP và Ban lãnh đạo Sở VHTT TP chọn để thiết thực kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác nên trọng trách hết sức lớn lao, tất cả ê kíp thực hiện đều thấy hồi hộp, lo lắng…”.
Ban đầu, vai Hồ Chủ tịch do một nam nghệ sĩ trong đoàn Sài Gòn I đảm nhận. Nhưng trong quá trình tập, đạo diễn Doãn Hoàng Giang thấy không phù hợp nên mới quyết định chọn… Thanh Điền. Khi Thanh Điền gọi điện báo tin vui này cho tôi, bản thân tôi cũng cho rằng anh Giang đã có một quyết định đúng đắn. Trước mặt tập thể diễn viên, anh Giang khẳng định: “Thanh Điền có khuôn mặt khá giống Bác Hồ, chiều cao tuy có hơi cao hơn Bác một chút, nhưng dáng nhanh nhẹn và giọng nói cũng khá giống Bác”. Tôi biết lúc ấy, anh Thanh Điền bị áp lực rất dữ dội bởi trong suy nghĩ của anh đóng vai Bác Hồ là phải giống một bức ảnh, một vở kịch, một bộ phim nào đó hoặc một nghệ sĩ nào đó đã từng đóng trước rồi. Tôi đã khuyên anh rằng: “Vĩ nhân cũng là con người, điều quan trọng là mình có tự tin hay không. Nếu không tự tin hay cố ép mình theo một lối diễn nào đó mới là điều không nên. Anh là một diễn viên và Bác là một nhân vật trong số nhiều nhân vật của anh, anh phải cố gắng hết sức để nhân vật linh hoạt, sống động, có sức cảm hóa người xem chứ không phải cố gắng để trở thành một lãnh tụ”.
Thanh Điền đã chấp nhận hướng đi này, sự đầu tư của anh cho vai diễn để đời này thật đáng nể. Anh đã mượn phim tài liệu của các đài truyền hình về Bác Hồ để nghiền ngẫm, nghiên cứu; đến Bảo tàng Hồ Chí Minh xem những hình ảnh của Người, thậm chí nhờ đến bạn bè tìm lại bất kỳ tài liệu cũng như hình ảnh nào có liên quan đến thời kỳ hoạt động của Bác trong vai diễn. Anh cũng tiếp cận nhiều cán bộ lão thành, nghe kể lại các câu chuyện xúc động về Bác. Anh nói: “Chỉ một chi tiết rất nhỏ trong sinh hoạt đời thường như Bác luôn luôn muốn làm việc và sống trong một không gian ấm cúng. Đêm khuya, Bác luôn bật đài nho nhỏ để không gian có tiếng người, chỉ một chi tiết đó thôi cũng cho tôi thấy được Bác là người rất có tình cảm. Tôi còn chú ý tới những động tác cơ bản, tác phong, dáng đi, cách hút thuốc, những chuyện Bác đối xử với mọi người xung quanh, tất cả toát lên sự bình dị trong cuộc sống. Sau một thời gian dài tập vai, tôi đã có được tác phong của Bác trong chính cuộc sống hàng ngày của mình”.
Ngoài việc diễn xuất, giọng nói thì việc hóa trang cũng rất quan trọng và góp phần không nhỏ cho sự thành công của vai diễn này. Trước mỗi xuất diễn, Thanh Điền phải dành hơn bốn tiếng đồng hồ cho nghệ sĩ Xuân Chính – “phù thủy” của làng hóa trang Việt Nam “biến hóa” gương mặt mình. Thanh Điền kể với tôi: “Đêm ra mắt đầu tiên có rất nhiều cán bộ lão thành cách mạng, những người đã từng gần gũi với Bác Hồ trước đây đi xem nên trước khi màn nhung được kéo ra, tôi đã dành một phút tĩnh lặng để nghĩ về Bác. Tự nhiên trong tôi có một cảm xúc thật gần gũi, thật thân thuộc đối với Bác. Vậy là cái cảm xúc đó đã theo tôi ra sân khấu…”.
Thanh Điền tâm sự: “Đóng cải lương về Bác cũng chính là một quá trình để tôi học tập tấm gương đạo đức của Người. Tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào, thậm chí hơn cả niềm tự hào khi mình được đóng vai Bác Hồ”.
Ngồi dưới hàng ghế khán giả, tôi âm thầm thán phục tài năng diễn như không diễn của Thanh Điền. Lao động cật lực của anh đã thêm một lần nữa khẳng định giá trị của loại hình cải lương, là bài học lớn cho những diễn viên mới vào nghề hoặc đã có chút tên tuổi nào đó, vô tình hay hữu ý, lười biếng ỷ lại, chạy theo cái phù phiếm bên ngoài, thiếu trau dồi cái tâm, cái đạo cao cả của nghề. Khi vở diễn kết thúc, tôi thật sự hạnh phúc khi nhìn thấy rất nhiều đồng chí cán bộ cấp cao và khán giả tràn lên sân khấu bắt tay anh chúc mừng. Họ ôm hôn anh với một tình cảm trân trọng, thành kính giống như anh chính là vị cha già của dân tộc vậy. Tôi nhớ mãi câu nói của một cụ già ôm chầm anh vừa khóc vừa nói: “Cảm ơn Thanh Điền nhiều lắm. Anh đóng Bác giống quá, khiến tôi nhớ lại kỷ niệm hồi còn ở Trung đoàn Sông Lô, được đón Bác lên thăm”. Sau đó, vở diễn được chọn tham gia Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, đoạt huy chương vàng, riêng Thanh Điền đoạt một huy chương vàng và một giải đặc biệt. Năm 1998, vở Đêm trắng đại diện cho TP.HCM ra Nghệ An – quê hương Bác tham gia Liên hoan sân khấu toàn quốc về hình tượng Bác Hồ. Nói theo ngôn ngữ trong nghề của chúng tôi thì Thanh Điền đã có một “vai diễn để đời”…
TS-NSƯT Bạch Tuyết

Bình luận (0)