Trong 12 con giáp của văn hóa phương Đông dùng để tính thời gian và tuổi tác thì rồng là con vật kỳ lạ nhất. Nó không phải là vật nuôi, cũng không phải là loài thú hoang dã, mà là một con vật được hư cấu theo trí tưởng tượng của con người. Rồng có thể lặn sâu dưới nước, bay trên trời cao, uốn lượn nơi cung vàng điện ngọc và còn có thể gọi được gió, làm được mưa… Quá độc đáo về hình thể, quá phi phàm về sức lực và có nhiều khả năng, nên rồng được xem là con vật thần bí. Với tính chất đa năng, thần diệu, nhiều giá trị biểu tượng, hình tượng rồng đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các nghệ nhân sáng tác, là mô típ quan trọng xuyên suốt trong nền nghệ thuật tạo hình cổ, đặc biệt trên các hiện vật gốm sứ xưa.
Tác giả với tượng gốm Biên Hòa tích “Cá chép hóa rồng”
Từ giá trị biểu tượng văn hóa…
Trong tứ linh “Long – Lân – Quy – Phụng”, rồng là linh vật đứng đầu, biểu tượng cho sức mạnh, quyền lực, nam tính. Rồng được thần thoại hóa và lý tưởng hóa, tích hợp nhiều bộ phận khác nhau của nhiều động vật khác, như: đầu lạc đà, mặt ngựa, sừng nai, mắt tôm, tai trâu, mình rắn, vảy cá, bàn chân cọp, móng vuốt chim ưng, lại có cả râu ở bên mép và ngọc châu dưới cằm. Do vậy, hình tượng rồng là sự hội tụ của tinh túy, là sự kết hợp của nhiều con vật để tạo thành linh vật rồng. Nó là biểu tượng cho sự kết tinh, hội tụ và lan tỏa của tinh hoa, quyền lực và những giá trị của cuộc sống, để cuộc sống tồn tại, phát sinh, phát triển. Thật vậy, rồng được người xưa gửi gắm, gắn với nhiều biểu tượng mang ý nghĩa sự cao quý và tốt đẹp.
Trước hết, rồng biểu trưng cho quyền lực, cho uy quyền của đấng tối cao, sự cao quý được tôn vinh, ngưỡng vọng và quy phục. Rồng thường được biểu trưng cho vua trong xã hội phong kiến. Các đấng quân vương lấy rồng là biểu tượng của mình, cho nên rất nhiều khía cạnh có liên quan đến vua đều gắn chữ “Long”. Ví như: “Long thể” (thân hình, cơ thể của vua), “Long bào” (áo quần của vua), “Long ngai” (ngai rồng, ngai vàng của vua), “Long sàn” (sập rồng, bệ rồng nơi vua ngự), “Long nhan” (khuôn mặt của vua)… Về cơ bản, vua được coi là rồng nên tất cả những gì gắn với vua đều được gọi là “Long”.
Bình rồng đắp nổi thời nhà Mạc thế kỷ 15
Điều đặc biệt, hình tượng rồng còn biểu trưng cho sự phát triển, bay cao, vươn lên trong cuộc sống. Thân rồng uốn lượn thể hiện sự thay đổi, phát triển liên tục, không ngừng, sự vận động của vũ trụ và sự thăng hoa trong cuộc sống. Có lẽ vì vậy, tuy là con vật mang tính tưởng tượng, nhưng kỳ thực, người phương Đông xem như con vật có thật. Và dù có hay không, rồng cũng mặc nhiên trở thành hình ảnh quen thuộc, thậm chí nó xuất hiện nhiều nhất trong 12 con giáp ở thế giới nghệ thuật tạo hình.
Đến hình ảnh nghệ thuật trên gốm xưa
Với nhiều giá trị biểu tượng, nên hình tượng rồng xuất hiện trong nghệ thuật tạo hình rất đa dạng và phong phú, trải dài qua không gian, thời gian và chiếm vị trí khá đặc biệt trong tâm thức người xưa.
Xét về mặt không gian, rồng có mặt trên khắp đền đài, cung điện, miếu vũ, đình chùa… Rồng xuất hiện trên các mái đình, bờ nóc, đầu hồi, bình phong, bậc cấp, khung cửa, nghi môn, trang trí trên ngai vàng, án thờ vua quan, hiện diện trên các hiện vật cổ kính, được lưu giữ ở các bảo tàng cổ ngoạn…
Bình rồng trên gốm Biên Hòa
Về chất liệu, rồng được chạm trổ trên đá, điêu khắc trên gỗ, xương, ngà và các vàng bạc đá quý khác, được đúc trên đồng, được thêu trên lụa, được vẽ trên giấy, được nung từ đất, được ghép bằng sứ, thủy tinh, làm pháp lam trên cung điện triều chính… Về nghệ thuật, hình ảnh rồng rất đa dạng: chạm lộng, chạm nổi, đúc đồng, gia công bằng vàng bạc, khảm cẩn ngọc trai, sành sứ… Khi thì tạo hình khối, lúc lại thể hiện trên bề mặt phẳng, lúc khác vẽ chìm dưới lớp men phủ…
Rồng trên gốm Biên Hòa Nam bộ
Nhưng có lẽ, chất liệu tạo hình hình tượng rồng từ gốm sứ là phong phú và nhiều hiện vật nhất. Một trong những bảo vật quốc gia ở Hoàng thành Thăng Long là hiện vật Đầu rồng thời Trần rất độc đáo và nghệ thuật cao. “Đầu rồng” này thể hiện rồng ở tư thế chuyển động với nhiều khúc uốn lượn, hướng về phía trước. Đường nét uyển chuyển, tinh tế, mắt to tròn và nổi rõ, lông mày dài thành dải bay ngược lên trên, tạo thế uốn lượn trông rất sống động. Theo các nhà nghiên cứu, hiện vật này là minh chứng sinh động cho sự tiếp nối và kế thừa nghệ thuật thời Lý của nghệ thuật tạo hình thời Trần.
Rồng trên gốm xưa
Nhân năm rồng, Giáp Thìn, ngắm nhìn những hình ảnh rồng trên gốm xưa, thấy được nét tài hoa của cha ông, triết lý sâu sắc của dân tộc, góp phần làm phong phú thêm mỹ thuật Việt, văn hóa Việt, khơi nguồn cho một năm mới khởi sắc như thế rồng bay. |
Đề tài thể hiện nhiều nhất, đặc sắc nhất khi nói về rồng trên gốm xưa thường là các mô típ “lưỡng long tranh châu”, “lưỡng long triều nhật” trên nóc đền thờ, đền miếu, cung điện… Trên bình gốm xưa thường vẽ, khắc chủ đề “long ngư hý thủy”, “long vân khánh hội”, “cá hóa long”, “trúc hóa long”, “cúc hóa long”, “long phụng hòa minh”, “song long hiến thụy”… Những chủ đề này, có mặt hầu khắp các loại gốm ở nước ta, từ Nam chí Bắc, như: gốm Bát Tràng, gốm Chu Đậu, gốm Châu Ổ, gốm Quảng Đức, gốm Đồng Nai, gốm Lái Thiêu… đều thể hiện và tạo tác rất ấn tượng, đẹp mắt. Trong thời phong kiến, rồng là biểu tượng của vương quyền, gắn liền với hình ảnh của vua, là đỉnh cao của khái niệm quyền uy. Tuy vậy, rồng trong tâm thức của cư dân nông nghiệp, rồng còn là biểu tượng của nguồn nước, nên không hẳn dành riêng cho “thiên tử”, mà hình ảnh rồng còn vượt khỏi chốn cung cấm, góp mặt hầu khắp các đình chùa, miếu vũ nơi thôn dã, linh thiêng. Nhưng để có sự tôn kính với vua, với thiết chế của triều chính, người xưa đã tạo tác hình ảnh rồng 5 móng là biểu tượng dành riêng cho vua. Còn quan lại, thường dân chỉ được sử dụng hình ảnh rồng 4 hoặc 3 móng. Hoặc nghệ nhân cũng sáng tạo, linh hoạt, biến chuyển hình ảnh rồng thành những con giao, con cù, một cách dân dã hóa con rồng truyền thống.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín
Bình luận (0)