Tòa soạnThư đi – tin lại

Hình xăm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hình xăm như thế này không ít người cho là quá phản cảm (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Các hình xăm đủ màu sắc ở chân, đùi, vai, lưng, thậm chí một bên má… của những bà mẹ mỗi lần đưa con xuống phố, đến các tụ điểm sinh hoạt văn hóa khiến không ít người lắc đầu ngao ngán.
Hình xăm ở nơi công cộng
Xăm hình trên người đối với giới trẻ không còn là chuyện mới. Thú chơi ngông thời thượng của giới trẻ hiện đang bị các bà mẹ “soán ngôi”. Một khi các bà mẹ trẻ sở hữu những hình xăm, cho dù là xăm nghệ thuật bằng những phương pháp hiện đại, dễ xóa thì ít nhiều vẫn gây “xốn” mắt người nhìn. Nguy hiểm hơn, chính hình xăm tồn tại trên cơ thể người mẹ đã tạo một lỗ hổng nguy hiểm trong việc giáo dục con cái. Hiện nay, tại TP.HCM đã xuất hiện các loại hình xăm (dán) nhuốm màu bạo lực như súng đạn, mã tấu, nắm đấm hay nhiều hình xương xẩu gớm ghiếc… Không chỉ thu hút giới trẻ mà còn gây sự chú ý đối với những bà mẹ lứa tuổi 7X, 8X.
Sáng cuối tuần, tại sân chơi cho trẻ do hệ thống Trường Mầm non Academy tổ chức ở chung cư Botanic, Q.Phú Nhuận, một bà mẹ khá trẻ với hình xăm lộ ở chân dắt con đến vui chơi là tâm điểm chú ý của bao người. Các ông bố, bà mẹ khác chỉ trỏ, thì thầm về hình xăm trên cơ thể người mẹ này không phải vì cái hay cái đẹp mà vì nó phản cảm. “Nếu cô ấy đi một mình đến những nơi khác, không phải là sân chơi của trẻ thì có thể chấp nhận được”, một phụ huynh gay gắt. Mặc cho những cái nhìn xem thường, người mẹ này tỏ ra khá tự tin dắt con dạo hết chỗ này đến chỗ khác”.
Hình ảnh những bà mẹ xăm hình, cố tình mặc quần áo ngắn để khoe hình xăm mà theo họ là mốt, là thời thượng xuất hiện ở nơi công cộng không phải là hiếm. Đáng ngại là những hình ảnh ấy xuất hiện ở những nhà văn hóa, nhà thiếu nhi… ít nhiều làm xấu đi môi trường trong sáng vốn có của nó. Tại một buổi nói chuyện chuyên đề dành cho các bà mẹ trẻ tổ chức mới đây ở TP.HCM, nhiều người không khỏi khó chịu khi một bà mẹ thế hệ 8X mặc áo dây, lưng áo ngắn cũn cỡn “khoe hình xăm” đứng dậy xin được trao đổi với chuyên gia. Cả hội trường hơn 100 người đều hướng về phía người đang đặt câu hỏi bởi hình xăm trên cơ thể là một cây súng và hàng loạt đạn bắn hướng xuống “vòng 3”.
Người trong cuộc nói gì?
Chị Huỳnh Thị Thu Nga, buôn bán ở chợ Tân Mỹ, Q.7 tâm sự: “Tôi từng xăm hình ở vai. Những ngày đầu, con gái 17 tuổi của tôi len lén nhìn và tỏ ra “thần tượng”. Một ngày nọ, tôi giật mình vì con cũng có một cái hình xăm tương tự ở cánh tay. Tôi không kiềm chế được, đã tát vào mặt con. Trong khi đó con phản ứng: “Mẹ làm được tại sao con làm không được?”. Là người trong cuộc, chị Nga nói: “Hình xăm có thể khẳng định cái tôi của một người ở lứa tuổi 20-25, song sẽ là phản cảm nếu là người phụ nữ đứng tuổi. Càng khó dạy bảo con nếu đã có con, cháu”.
Là người mẹ ở tuổi U 50 mang hình xăm nhiều năm, chị Trần Thị Xuân Dung (cư xá Bắc Hải, Q.10) từng phải dằn vặt, đau đớn vì những hình xăm trên cơ thể không thể xóa. “Sống chung” với hình xăm, với nhiều ý kiến về mình, chị Dung chia sẻ: “Nếu các bà mẹ trẻ thích một hình xăm nào đó có thể áp dụng phương pháp xăm mực phun. Hình xăm chỉ tồn tại trong vòng một tuần lễ, sau đó mình có thể xóa nó dễ dàng bằng cồn”.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Vũ Thu Hương nhìn nhận, những việc người lớn làm trẻ đều cho là đúng. Bao giờ trẻ cũng nghĩ rằng người lớn làm được thì mình cũng làm được. Từ đó, bằng mọi cách chúng sẽ làm tương tự như người lớn. Nếu người lớn làm sai, ắt trẻ sẽ làm sai vì những gì người lớn làm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ và nhận thức của trẻ.
Bài, ảnh: Trần Anh
 
Nhiều phụ nữ hối hận khi đã xăm mình
Xăm mình là một hiện tượng mới xuất hiện ở nước ta trong mấy thập niên gần đây và nhanh chóng thâm nhập vào một số bộ phận của giới trẻ. Họ xem việc xăm mình như là “mốt” hay để khẳng định “đẳng cấp” của mình trong nhóm và đôi khi “đẳng cấp” này còn được khẳng định thông qua việc cá nhân đó lựa chọn biểu tượng hay vị trí cơ thể để xăm. Chẳng hạn, những hình càng “kinh dị”, càng lớn hay được xăm vào các vị trí càng nhạy cảm càng làm cho “đẳng cấp” của mình được nâng lên, khiến cho bạn bè trong nhóm phải nể phục.
Đối với nam giới, họ thường chọn những hình tương đối lớn và vị trí xăm hình thường là ở lưng, bả vai, ngực, tay… Còn đối với phụ nữ, họ thường chọn những tấm hình nhỏ như bông hoa, biểu tượng gì đó mang tính chất nhẹ nhàng hơn… để xăm hình, tuy nhiên vị trí để xăm hình ở phụ nữ lại là vấn đề đáng bàn. Có người cho rằng, nếu vị trí xăm mình của chị em càng “nhạy cảm” thì “đẳng cấp” của người đó trong nhóm càng cao. Một số chị em thì chọn hình thức “nửa khoe, nửa che” để thu hút sự chú ý của người khác như xăm vùng trên thắt lưng phía sau, gần ở nách hay phía trên mắt cá chân vài cm… và những hình xăm như vậy thì tính “ẩn – hiện” phụ thuộc rất lớn vào cách ăn mặc của chính cá nhân đó.
Xuất phát từ quan niệm của người phương Đông, từ truyền thống của người phụ nữ Việt Nam nên có quan niệm cho rằng: Những người phụ nữ xăm mình là những người “chịu chơi”, hoặc họ “chẳng ra gì”. Thật ra, không phải tất cả những người phụ nữ xăm mình đều là như vậy mà đôi khi, do một chút bốc đồng, thiếu suy nghĩ hoặc vì một lí do nào đó… dẫn đến việc họ xăm hình lên cơ thể. Rất nhiều phụ nữ tỏ ra hối hận khi đã quyết định xăm hình lên cơ thể, họ phải đến các cơ sở thẩm mĩ để “tẩy” nó đi. Do đó, khi nhìn nhận, đánh giá hiện tượng chị em xăm hình lên cơ thể cũng đừng nên khắt khe quá.
ThS. Nguyễn Quế Diệu
(Hội TL-GD tỉnh Đồng Nai)
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)