Các bạn trẻ đã quen dùng khí cười để “phê” thì sẽ có lúc chơi thử bồ đà, thuốc lắc, thậm chí là heroin
Thời gian gần đây, tại các bar, vũ trường, thú tiêu khiển mới của một bộ phận giới trẻ là hít khí cười. Các “dân chơi” này không hề biết hít khí cười chỉ có hại cho sức khỏe, thậm chí là đe dọa tính mạng chứ hoàn toàn không có lợi lộc gì.
Khí cười là gì?
Dụng cụ đựng khí cười được gọi là bóng cười (hay còn gọi là Funkyball hoặc Hippycrack), xuất hiện từ năm 2010 ở châu Âu và thời gian gần đây trở thành “món ăn chơi lạ” của giới trẻ Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội.
Bóng cười thực chất là quả bóng bay được bơm khí nitrous oxide. Dụng cụ bơm khí rất đơn giản, chỉ một bình khí nén nhỏ, hai chiếc hộp nhựa đựng bóng và một ống sắt. Người sử dụng dùng miệng ngậm vào đầu quả bóng, hít khí trong quả bóng (đã được bơm khí cười) rồi lại thổi ngược ra cho quả bóng to lên và tiếp tục hít khí, cứ như vậy lặp đi lặp lại khoảng 4 lần. Hít loại khí trong quả bóng này vào người sẽ có cảm giác tê tê, lâng lâng, sau đó thì phấn khích và cười vật vã.
Một số bạn trẻ thường hít khí cười tại các bar, vũ trường Ảnh: PHẠM DŨNG
Bất cứ sinh viên dược khoa nào đã học môn dược lý học phần thuốc gây mê đều biết khí cười. Chính tác dụng tạo cảm giác hưng cảm dễ chịu ở người hít nó đưa đến cười rộ lên mà ai học về nó một lần rồi cứ phải nhớ. Cách nay khá lâu, trong ca mổ song sinh Việt – Đức, các nhà phẫu thuật đã dùng khí cười do tính chất khá an toàn của nó so với nhiều chất gây mê khác.
Khí cười là hợp chất vô cơ có công thức N2O – chất khí không màu, vị ngọt nhẹ. Sở dĩ gọi N2O là khí cười bởi có giả thuyết cho rằng nó tác động lên một điểm của hệ thống thần kinh gây cười. Có giả thuyết khác cho rằng N2O gây phấn chấn đến độ phải cười ở người thì chưa rõ nhưng mô hình ở chuột cống cho thấy N2O làm tăng bài tiết và hoạt hóa các tế bào dopaminergic.
Nhà hóa học Anh Humphry Davy là người đầu tiên khi nghiên cứu về các nitơ oxid đã phát hiện N2O có tính chất sinh lý rất độc đáo, thậm chí kỳ cục là gây cười. Còn người ứng dụng N2O làm chất gây mê đầu tiên là nha sĩ người Mỹ Horace Wells.
N2O gây vô cảm hoặc tê mê toàn thân nhưng không mất tri giác nên nó là chất gây mê yếu. Muốn gây mê hoàn toàn, người ta phải dùng N2O (thật ra là hỗn hợp N2O 50% + O2 50%) phối hợp với thuốc mê đường tĩnh mạch hoặc đường hô hấp. N2O có thể gây buồn nôn, ói mửa hậu phẫu. Dùng N2O một mình chỉ để giảm đau trong nhổ răng ở trẻ con hoặc giai đoạn đầu của chuyển dạ ở phụ nữ mang thai.
Giống như ma túy nhẹ
Sở dĩ các bạn trẻ thích hít khí cười qua sử dụng “bóng cười” vì nó giống như ma túy nhẹ tạo sự phấn khích và ảo giác. Nên lưu ý, khi hít khí cười qua bóng cười, cơ thể rất khó kiểm soát lượng khí bởi bản thân người sử dụng lúc ấy không thể đo đếm được lượng khí hít vào. Một số chuyên gia cảnh báo hít nhiều khí này chắc chắn sẽ bị ngộ độc, rối loạn, thậm chí cả ung thư và các rối loạn khác trong cơ thể.
Theo báo chí, vào năm 2010, diễn viên Mỹ Demi Moore sau khi hít loại bóng cười này trong những buổi tiệc đã phải nhập viện với triệu chứng co giật, run rẩy. Cuối năm 2012, một sinh viên Trường Đại học Illinois là Benjamin Collen, 19 tuổi, đã tử vong vì bị ngạt khí N2O.
Điều đáng nói nhất là giới trẻ đã lạm dụng khí cười chỉ để tìm sự tê mê, lâng lâng trong cảm giác mà thực chất là ảo giác. Nhờ ảo giác mà các bạn trẻ cảm thấy hưng phấn, vừa hít bóng cười vừa ôm nhau nhảy trong tiếng nhạc ầm ĩ, cuồng loạn và thấy thế mới là cuộc vui đích thực. Điều nguy hại là nếu lạm dụng chất gây ảo giác lâu ngày sẽ rất dễ đi đến sử dụng thuốc gây nghiện thật sự, thậm chí là sử dụng ma túy. Bởi vì, khi đã quen cảm giác “phê” với ảo giác, các bạn trẻ rất dễ tìm đến thứ tạo cảm giác “phê” mạnh hơn. Các em đã quen dùng khí cười để “phê” thì sẽ có lúc chơi thử bồ đà, thuốc lắc, “hàng đá”… Đến lúc nào đó sẽ chơi thử heroin, từ hút đến tiêm chích và rồi chắc chắn việc nghiện tiêm chích ma túy cộng với nhiễm HIV/AIDS sẽ đến cái chết.
Theo NLĐ
Bình luận (0)