Mới đầu giờ chiều chợ đã vắng ngắt, chỉ còn vài tiểu thương vật vờ ngồi, nằm nán lại mong bán được hàng cho khách “lạc lối” (ảnh chụp tại chợ Phú Nhuận, Q. Phú Nhuận) |
Hiện nay, những chợ chiều truyền thống ngày nào đang dần vắng khách dẫn đến việc rất nhiều tiểu thương treo bảng sang sạp…
“Tháo chạy” đồng loạt
Đặt chân đến chợ Phú Nhuận vào đầu giờ chiều, chỉ lác đác dân buôn ế ẩm ngồi nán lại… ngủ gật chờ khách. Chỉ tay về phía dãy sạp bỏ trống lâu ngày, chị Lan – một tiểu thương nói: “Sạp bỏ trống cả dãy để cho trẻ con chơi chứ có ai buôn bán gì đâu. Buôn bán ế ẩm, nhiều tiểu thương cầm cự không nổi đành bỏ chợ”. Nhiều năm nay, gian hàng ăn uống chợ Vườn Chuối (Q.3) im lìm “nằm ngủ”, phủ đầy bụi bẩn, ẩm mốc. Chị Hoa – tiểu thương chợ Hòa Hưng (Q.10) cho biết: “Có treo bảng rao bán sạp cũng… không ai dại gì bỏ tiền ra mua khi chợ buôn bán ảm đạm thế này”.
Thử vào google gõ từ khóa “sang sạp chợ”, lập tức hiển thị 2.120.000 kết quả trong 0,36 giây. Bảng “phong thần” rao bán sạp trên mạng đầy đủ tên các chợ một thời sầm uất. Có mặt tại chợ Hoàng Hoa Thám (Q. Tân Bình), tận mắt chứng kiến mới thấu hết nỗi niềm tiểu thương “tháo chạy” khỏi chợ. Bảng “sang sạp” treo san sát! Có bảng mới treo nhưng nhiều bảng “thâm niên” 5 – 7 năm vẫn còn đấy. Bà Thao – chợ Hoàng Hoa Thám đon đả chào mời: “Sạp buôn bán được lắm nhưng tôi lớn tuổi rồi, nhà lại không có người nên ông xã nói tôi nghỉ hưu. Tôi sang rẻ cho chú chừng 100 triệu đồng. Chú muốn thuê cũng được, 5 triệu đồng/tháng”. Một tiểu thương gần đó nói thật: “Nghỉ hưu cái gì, ế ẩm quá thì nghỉ. Có buôn bán gì được mà sang nhượng”.
Vật vã bám chợ!
Bà Loan (chợ Hòa Hưng) tâm sự: “Ngồi chợ lâu năm, bỏ chợ cũng không biết làm gì nên bám cho có chỗ đi về, có công việc. Buôn bán thế này làm sao nuôi con ăn học?!”. Một nhóm tiểu thương chợ Hoàng Hoa Thám ngao ngán lắc đầu: “Dân chợ chúng tôi bỏ chợ cũng không biết làm gì nên ra sạp ngồi được ngày nào hay ngày ấy. Khi nào nản quá thì tự động bỏ chợ!”. Bà Nga – tiểu thương chợ Bà Chiểu ngậm ngùi: “Tôi gần 20 năm ngồi chợ, coi chợ là nhà, là nồi cơm nên đâu dám phụ chợ, nhưng cứ đà này không trụ nổi nữa rồi”.
Theo bà Liên (chợ Hoàng Hoa Thám) thì: “Buôn bán mỗi ngày một ế ẩm, khách vắng hoe nhưng thuế cao, các khoản phí khác lại tăng. Riêng tiền rác tăng từ 20.000 đồng/tháng lên 60.000 đồng/tháng so với năm ngoái”. Tại chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10), tổng chi phí (thuế, điện nước, phí bảo vệ…) hộ kinh doanh rau khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, hộ kinh doanh vải hơn 3 triệu đồng/tháng. Nhiều tiểu thương cầm cự, tự ăn dần vào vốn, nợ phình ra, lãi mẹ đẻ lãi con, vỡ nợ rồi trốn nợ.
Theo báo cáo Hội nghị sơ kết sau 5 năm thực hiện Quyết định 216/QĐ-UB về quy chế đấu thầu, kinh doanh, khai thác và quản lý chợ loại 2, loại 3 trên địa bàn TP.HCM: “Tình trạng tiểu thương đi vay nặng lãi ở các chợ tuy đã được đẩy lùi nhưng mức lãi cho vay vẫn chưa phù hợp với bà con tiểu thương nghèo. Có chợ lãi vay trả góp còn tới 2,2%, có nghĩa là gần 5% tháng”. Chợ chiều truyền thống dần dần hiu hắt, ban quản lý các chợ cũng “trí cùng lực kiệt”.Bà Lưu Thị Lý – Phó BQL chợ Nguyễn Tri Phương nói: “Tháng nào cũng có tiểu thương sang sạp vì buôn bán ế ẩm. Mãi lực chợ giảm sút nghiêm trọng. Chúng tôi không còn cách nào khác ngoài việc vận động tiểu thương bán đúng giá, ứng xử lịch sự, niềm nở để giữ chân khách nhưng xem ra cũng chỉ cầm cự thôi”.
Bài, ảnh: Vũ Việt Giang
Bình luận (0)