Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

HIV – nguy hiểm nhưng không dễ lây

Tạp Chí Giáo Dục

Một trẻ OVC đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (em này đã phải nghỉ học do bị kỳ thị)

TP.HCM hiện có khoảng 60-70 ngàn trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (trẻ OVC). Theo quy định của pháp luật thì trẻ OVC phải được đến trường như những trẻ em khác. Tuy nhiên, con đường đến trường của trẻ OVC không dễ dàng chút nào do sự thiếu hiểu biết của mọi người về căn bệnh này.

Các đường lây của HIV
Nói về cơ chế lây nhiễm HIV, tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về chống phân biệt, kỳ thị và đối xử với trẻ OVC” do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức mới đây, bác sĩ Nguyễn Tài Dũng – Phó phòng HSSV Sở GD-ĐT TP cho biết: “Khi xâm nhập vào cơ thể con ngươi, HIV tìm cách tấn công vào tế bào bạch cầu gây tàn phá hệ miễn dịch. Sau một thời gian, khi các bạch cầu bị tiêu diệt nhiều, khả năng chống đỡ với mầm bệnh bị giảm, cơ thể sẽ dễ bị mầm bệnh tấn công gây nhiều chứng bệnh nguy hiểm và dẫn đến tử vong. Khi vi rút HIV xâm nhập vào cơ thể, người bị nhiễm HIV có thể không có dấu hiệu và triệu chứng của AIDS từ 6 tháng đến 10 năm, cũng có khi lâu hơn. Trên thực tế, nhiều người nhiễm HIV vẫn sống khỏe mạnh bình thường nếu không xét nghiệm thì cũng không biết là mình mang mầm bệnh. Khi chuyển qua giai đoạn AIDS, người bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng cơ hội như tiêu chảy kéo dài, lao và ung thư, kết cục là dẫn đến tử vong”. Trong cơ thể người, vi rút HIV nguy hiểm là vậy nhưng khi ra bên ngoài thì nó rất yếu. Ở nhiệt độ 680, HIV bị hủy diệt trong 2 giờ. Chỉ trong vài phút, HIV đã bị các hóa chất hủy diệt…
HIV lây qua đường máu, cụ thể là dùng chung bơm tiêm (nhất là với người tiêm chích ma túy); dùng chung các loại kim xăm trổ, kim châm cứu, các dụng cụ xăm lông mi, xăm mày, lưỡi rao cạo râu; dùng chung các loại dụng cụ phẫu thuật, dụng cụ khám chữa bệnh có xuyên cắt qua da mà chưa được tiệt trùng đúng; dùng chung các vật dụng dính máu như chung bàn chải đánh răng; tiếp xúc trực tiếp với máu trong vết thương hở; truyền máu hoặc ghép các mô, tạng bị nhiễm HIV… HIV còn lây từ mẹ sang con trong khi mang thai, khi sinh và sau khi sinh qua sữa mẹ. Quan hệ tình dục không an toàn cũng là con đường lây truyền HIV. Khoảng 70-80% người nhiễm HIV trên thế giới bị lây nhiễm qua con đường này.
Trẻ cắn nhau không lây nhiễm HIV
Trong đợt học hè vừa qua, một trường tiểu học ở huyện Củ Chi, TP.HCM có 280 học sinh đăng ký học hè nhưng khi thấy trẻ của Trung tâm Mai Hòa (nơi nuôi dưỡng người nhiễm HIV/AIDS) tới học thì có khoảng 200 học sinh nghỉ học. Hay như ở một trường tiểu học của huyện Nhà Bè, khi hay tin một trẻ OVC vào lớp 1 (bố của em này đã chết do AIDS, mẹ nhiễm HIV), nhiều phụ huynh đã đòi rút hồ sơ chuyển con mình sang trường khác học. Đến nay mọi chuyện đã được giải quyết, tuy vậy những vụ việc tương tự vẫn có thể xảy ra trong thời gian tới.
Sở dĩ có những chuyện đáng tiếc như thế này xảy ra, không chỉ ở TP.HCM mà rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước cũng gặp phải là do những phụ huynh khác sợ trẻ OVC lây HIV cho con em họ.
Song, như bác sĩ Nguyễn Tài Dũng khẳng định thì: “HIV không phải là một mầm bệnh dễ lây. Tỷ lệ lây sau một lần tiếp xúc có nguy cơ cao chỉ có 0,3% (3/1.000). Đặc biệt, HIV không lây khi: sinh hoạt, chơi cùng nhau, bắt tay, ôm hôn, dùng chung dụng cụ ăn uống (bát đĩa, thức ăn, nước uống) và dụng cụ học tập, nhà tắm, nhà vệ sinh. HIV cũng không lây qua tiếp xúc nơi công cộng như trường học, công sở, hồ bơi; không lây khi nói chuyện, hắt hơi. Côn trùng đốt (muỗi) không truyền HIV. Thậm chí, khi trẻ cắn nhau cũng không đủ khả năng gây rách da chảy máu để lây nhiễm HIV vì hàm răng của trẻ em còn yếu. Khả năng lây nhiễm chỉ có thể xảy ra nếu trẻ nhiễm và trẻ chưa nhiễm cùng bị rách da chảy máu và có sự chà xát mạnh với nhau”… Từ thực tế trên cho thấy, các bậc phụ huynh không nên vì sự thiếu hiểu biết của bản thân về căn bệnh HIV/AIDS mà vô tình cướp đi cái quyền được đến trường của trẻ OVC.
Bài, ảnh: Kim Anh

Bình luận (0)