Ở gần tuổi thất thập, tròn 20 năm bền bỉ trên đường chạy, 28 năm làm thầy, HLV Bùi Lương là một tấm gương hiếm có của thể thao VN.
Tài năng và đam mê
Năm 1954, 15 tuổi, Bùi Lương được cha mẹ gửi ra miền Bắc. Một thân một mình lăn lộn học hành, làm công nhân Nhà máy ximăng Hải Phòng, xung phong đi bộ đội, cuối cùng số phận đưa đẩy ông đến với đường chạy.
Chỉ cao có 1,62m và nặng 48kg, nhưng Bùi Lương là chủ nhân của 9 chức vô địch việt dã Báo Tiền Phong, giữ kỷ lục 5.000, 10.000m của VN suốt 14 năm liền, riêng kỷ lục marathon ông lập từ năm 1968 mãi đến… 35 năm sau, tại SEA Games 2003, Nguyễn Chí Đông mới phá được.
Rất ít người biết đến nay ông vẫn còn giữ một kỷ lục nữa ở nội dung chạy 50km (3 giờ 17 phút) – vì nội dung này sau một lần tổ chức duy nhất vào năm 1974, chưa có lại. Nói về thành tích thời VĐV ở VN, ông quả là… vô địch.
Năm 1980, 41 tuổi và đã có 2 con, Bùi Lương mới đi học ĐH TDTT Từ Sơn và bắt đầu sự nghiệp làm thầy. 28 năm huấn luyện, chuyên nội dung gian khổ nhất của điền kinh là cự ly dài và marathon, học trò của ông – từ Đặng Thị Tèo, Nguyễn Thu Phương, Lưu Văn Hùng, Đoàn Nữ Trúc Vân, Nguyễn Thị Hoà, Phạm Thị Hiên… giành huy chương trong nước và quốc tế, nổi tiếng khắp nơi, còn ông vẫn là cái bóng lặng thầm, nhỏ bé sau họ.
Sôi nổi và đầy đam mê với nghề là điều dễ nhận thấy ngay khi bất cứ ai trò chuyện với ông. Kể lại câu chuyện 2 ngày sau đám cưới, đã tạm biệt người vợ trẻ để lên Nhổn tự tập tành, mặc dù khi ấy ĐT đã giải tán, ông cười bảo: “Vợ tôi cũng thông cảm vì biết tôi mê chạy lắm”.
Bao nhiêu năm, chỉ có một lần nuối tiếc duy nhất là năm 1975, giải phóng miền Nam, thì ông lại đang khoác áo ĐTVN thi đấu giải marathon ở CHDCND Triều Tiên và ở nhà, bố ông đã mất vì ung thư mà không kịp chờ gặp lại đứa con 21 năm xa cách.
28 năm huấn luyện, thầy Lương vẫn chỉ là một HLV bình thường, chưa bao giờ có chức tước gì và vui vẻ làm “lính” của những người đáng tuổi con mình. Cũng có lúc cay đắng, vì “làm thể thao cũng nhiều chuyện lộn xộn, có khi quân mình huấn luyện, người khác dẫn đi thi đấu, chỉ vì có thưởng”, nhưng ông không màng: “Tuyên ngôn của tôi là làm việc theo lương tâm, danh dự và trách nhiệm. Vướng víu gì đều bước qua để đi đến cái đích chân chính”.
Nghèo mà vui
Gần 50 năm cống hiến, mãi đến năm ngoái, ở tuổi 68, ông mới có được ngôi nhà của mình. Ông kể về “căn nhà” “rộng 2 thước, dài 6 thước” (vốn là phòng thay quần áo của hội trường bóng bàn bên kia cầu Long Biên mà gia đình 4 người của ông được ở nhờ từ năm 1973 đến 1986) với giọng hài hước: “Không có nước, nên 11 giờ đêm, 4 giờ sáng phải xách xô vượt đê sông Hồng hứng từng xô nước, còn vệ sinh cá nhân thì cứ phải sáng sớm tranh thủ chạy ra bãi ngô, cô ạ!”.
Khổ như vậy, nhưng cứ cách 1 ngày, ông vẫn đạp xe sang Đông Anh, Hải Bố để phát hiện tài năng (Đặng Thị Tèo đã được ông đưa từ bóng tối ra trong một chuyến đi như vậy). Năm 1986 căn phòng bị đòi, gia đình ông lại “du cư” hết nhà mượn, đến nhà thuê, mãi năm ngoái có người thương tình mới mách nước ông có tiêu chuẩn mua nhà giá rẻ theo NĐ 61 và thế là căn hộ chung cư 74m2 ở Cống Mọc nay đã làm sổ đỏ mang tên ông.
“Đấy là tiêu chuẩn huân chương kháng chiến của tôi, chứ ngành thể thao thì chẳng có gì đâu” – ông giãi bày.
Tính ra mỗi năm, ông ở Nhổn nhiều hơn ở nhà, mà mỗi tháng, cũng chỉ có 2 triệu đồng bồi dưỡng, nhưng không than thở, ông chỉ lo cho các học trò đáng tuổi cháu mình: “Chúng nó lên ĐT mà mỗi ngày có 70.000đ lại còn bị trừ đi 4 chủ nhật (mà chủ nhật thì vẫn phải đấu), ăn thì có 60.000đ/ngày, chịu sao nổi”.
Tôi hỏi ông: “Bao nhiêu năm cống hiến, bác thấy mình được gì?”. “Nếu nói về vật chất thì chẳng được gì. Nhưng được cái tiếng, được nhiều học trò ở khắp miền đất nước. Thế là quý rồi”.
69 tuổi, một ngày của thầy Bùi Lương ở Nhổn bắt đầu từ 4h sáng, sau đó là huấn luyện, chơi bóng chuyền, bóng rổ với học trò đến tận 18 giờ chiều. Gần đây nhất, học trò xuất sắc của ông là Phạm Thị Hiên – đã vô địch leo núi Phansipang 2 năm liên tiếp…
Quang Minh (theo laodong)
Bình luận (0)