Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hồ Chí Minh với việc giáo dục đạo đức bằng cách nêu gương

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bác Hồ và các cháu thiếu nhi. Ảnh: I.T

Bác Hồ của chúng ta đi xa đã 40 năm (1969-2009). Suốt hai năm qua, Đảng ta đã phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, và đã được mọi tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Việc làm đó rất thiết thực, vừa để luôn tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn Người, vừa nhằm chặn đứng và từng bước đẩy lui sự suy thoái đạo đức trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và trong xã hội.
Bài viết nhỏ này muốn góp phần nhỏ nhoi của mình, vừa để hưởng ứng cuộc vận động trên, vừa để tỏ lòng tưởng nhớ tới Bác, nhân kỷ niệm 119 năm ngày sinh và 40 năm ngày Bác đi xa.
Nặng lòng với việc giáo dục đạo đức
Không có một lãnh tụ chính trị của nước nào trên quả địa cầu này ở thế kỷ 20 lại được UNESCO phong tặng danh hiệu cao quý: “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới kiệt xuất”. Cũng không có lãnh tụ cộng sản nào ở các nước lại được người nước ngoài suy tôn là bậc “đại trí, đại nhân, đại dũng” như họ từng suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Và thật hiếm có một chủ tịch nước nào trên thế giới lại nặng lòng với việc giáo dục đạo đức cho nhân dân mình, nhất là cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, cho thế hệ trẻ như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta. Cũng rất đặc sắc, khi hình thức chủ yếu Người dùng để giáo dục nhân dân không dừng lại ở những lời nói, bài viết của mình, mà là ở việc nêu tấm gương đạo đức sáng ngời từ chính bản thân Người, và những tấm gương “người tốt, việc tốt” trong xã hội.
Suốt hai năm qua, hưởng ứng cuộc vận động trên, biết bao câu chuyện cảm động về tấm gương đạo đức của Bác, đã được đại diện mọi thành phần trong xã hội kể lại ở các diễn đàn khác nhau trên khắp cả nước, thậm chí vượt khỏi biên giới quốc gia.
Ngay từ thời ra đi tìm đường cứu nước, Người đã không nề hà làm những nghề “thấp kém” ở xứ người, như phụ bếp trên tàu, nhân viên khách sạn, thợ ảnh… để hoạt động. Người sống trong phòng trọ đơn sơ trong ngõ hẻm, và ăn uống cực kỳ tùng tiệm, để dành tiền mua sách báo. Người vượt qua cái lạnh buốt xương ở trời Âu bằng viên gạch nung nóng bọc trong giấy báo… Có thể nói: Thiết tha yêu nước thương nòi – Ý chí sắt thép chịu đựng mọi khó khăn gian khổ – Sống để tìm con đường giải phóng dân tộc – Trở về giúp dân… là những nét đạo đức đặc sắc trong con người Bác thuở ban đầu.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Người trở thành chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhà nước non trẻ vừa mới ra đời đã bị giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm trực tiếp đe dọa sự tồn vong. Người đã hô hào toàn dân mỗi người nhịn ăn một bữa mỗi tuần, và chính Người nêu gương trước, đem số gạo dành dụm được để cứu đói. Người phát động phong trào bình dân học vụ, và chính Người trực tiếp đi kiểm tra. Người đã khéo léo phân hóa kẻ thù (quân Tưởng, quân Pháp, quân Anh) để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, mà Người biết chắc chắn không thể tránh khỏi.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi ở ban đầu của Người là hang Pắc Bó nổi tiếng. (Hẳn chúng ta còn nhớ bài thơ thật hào sảng của Bác: “Sáng ra bờ suối tối vào hang/ Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng/ Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/ Cuộc đời cách mạng thật là sang”. Người đồng cam cộng khổ với nhân dân. Ăn uống đạm bạc, bữa nào “ăn tươi” thì có món “thịt hộp Việt Minh” (2) . Chắc trong chúng ta, ai cũng khó nén mà nỗi cảm xúc dâng trào, khi được xem những thước phim vô giá của nhà quay phim Thế Đoàn, người Nam bộ, chiếu cảnh Bác tắm suối ở Việt Bắc, rồi chỉ mặc quần cụt, ở trần, vác cành tre có mắc chiếc áo thun, đi dọc bờ suối cho áo mau khô.
Hòa bình lập lại trên miền Bắc, Thủ đô đón Bác trở về. Với cương vị cao nhất trong Đảng và Nhà nước, nhưng Người luôn xác định bản thân chỉ là một người lính già (chứ không hề là “quan”), và chỉ chọn căn phòng của người thợ điện trong Chủ tịch phủ xưa làm nơi ở hàng ngày. Và sau này, vẫn giữ nếp sống xưa, nơi ở của Người chỉ là ngôi nhà sàn đơn sơ, mà nay đã trở thành di sản vô giá của cả dân tộc. Phương tiện di chuyển chỉ là chiếc xe hơi cũ kỹ do Liên Xô sản xuất. Thời kỳ toàn dân phải ăn độn, Bác cũng không ngoại lệ. Kể cả khi đi công tác, mang cơm vắt theo (chứ không bao giờ ăn tiệc do nơi đón tiếp đãi), Bác cũng yêu cầu đồng chí phục vụ vẫn độn tỷ lệ sắn khoai như thường lệ, rồi nấu nhão mà vắt. Đối với các tầng lớp nhân dân, Bác đã đi thăm hầu khắp, và thường không báo trước. Bác xắn quần lội ruộng, tát nước cùng nông dân. Tới đơn vị nào, Bác thăm trước hết là nơi ở, nhà bếp, nhà vệ sinh. Còn nhớ đêm giao thừa năm nào, hồi Hà Nội mới giải phóng, Bác đã cùng đồng chí bảo vệ lặng lẽ đi thăm nhà một người dân nghèo nhất Hà Nội. Chị chủ nhà đang gánh nước thuê giữa đêm khua, đột ngột được gặp Bác, bỗng bật khóc: “Sao Bác lại đến thăm cháu?”. Bác ôn tồn hỏi lại: “Bác không thăm những người như cháu thì thăm ai?”.
Bác quan tâm tới mọi người, mọi thành phần, không phân biệt chính kiến, tôn giáo, dân tộc, tuổi tác, nghề nghiệp, quá khứ… Đặc biệt Bác ngày đêm đau đáu thương nhớ miền Nam ruột thịt… Quả thật, có nói nhiều bao nhiêu cũng khó mà kể hết công đức của Người.
Giáo dục đạo đức bằng tấm gương sống
Vì sao Bác rất mực coi trọng việc nêu gương như vậy? Theo tôi, với tầm trí tuệ, tư tưởng quảng bác và uyên thâm cả hai nền văn hóa Đông, Tây, chắc chắn Bác thấu hiểu hai lẽ sau:
– Do tính đặc thù của nội hàm khái niệm, phạm trù đạo đức, không chỉ dừng lại ở việc chuyển tải thông tin khách quan như các khái niệm, phạm trù của các môn khoa học tự nhiên, mà chủ yếu là ở định hướng giá trị cho hành vi. Việc định hướng giá trị hành vi, không thể chỉ dừng ở lý lẽ, mà phải nêu gương bằng hành động cụ thể, mới đủ sức thuyết phục người khác; bởi “trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một làm” (tục ngữ) và “nghe thì quên, thấy thì nhớ, làm thì biết” (Mạnh Tử).
Từ đó, điều uý kỵ nghiêm ngặt nhất của đạo đức là lời nói không đi đôi với việc làm: nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói một đàng làm một nẻo. (Và nghề giáo chúng ta càng không được phép căn dặn trò: “Hãy làm điều thầy nói, chớ làm điều thầy làm”) (3).

Bác đã sống một cuộc đời thật như vậy, chứ không hề “diễn”, bởi triết lý sống đạo đức đã khởi đi từ “máu thịt” của Bác, tự nhiên như ánh sáng, trong trẻo như khí trời mát lành.

– Đối với người phương Đông, do tư duy “duy tình” mạnh hơn “duy lý”, (“một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”) mà duy tình thì nghiêng về trực giác, cảm tính, nên khi những tấm gương sống “người tốt, việc tốt” đập vào mắt, người ta dễ dàng bị thuyết phục. Bác đã từng có nhận định sâu sắc: “Đối với người phương Đông thì một tấm gương sống có giá trị gấp trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Như trên đã nói, Bác rất mực coi trọng việc giáo dục đạo đức bằng những tấm gương sống hàng ngày. Song điều đó không có nghĩa là Bác không coi trọng việc giáo dục đạo đức bằng con đường nhận thức.
Thông qua những bài nói, bài viết của mình, Bác đã thường xuyên giáo dục đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, cho tất cả các tầng lớp nhân dân ở mọi thành phần, lứa tuổi, tín ngưỡng, ngành nghề trong xã hội, thậm chí cả đối với những người trong hàng ngũ đối phương, khi đất nước còn kháng chiến. Biết bao lời khuyên dạy cụ thể, ân cần của Bác lúc sinh thời đã được mọi tầng lớp nhân dân “nằm lòng” và làm theo: Đối với các cháu thiếu nhi thì “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Đối với thanh niên thì: “Không có việc gì khó / Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Với các cụ phụ lão thì “Tuổi cao chí càng cao”. Với bộ đội thì “Trung với nước, hiếu với dân. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Với ngành y thì “Lương y như từ mẫu”. Với công an thì có 6 điều dạy công an nhân dân. Với thầy giáo thì “Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh” (4) …
Cả cuộc đời mình, bất luận lúc nào, ở đâu, với ai, Bác luôn nêu cao tấm gương sáng ngời về đạo đức và lối sống giản dị như một huyền thoại: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc, để câu cá, trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính gì với vòng danh lợi” (1).
Bác không chỉ dùng những lời dạy ngắn gọn, dễ hiểu; mà còn viết thành những cuốn sách về đạo dức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, nghiên cứu. Từ Đường Kách mệnh (cuốn sách huấn luyện cho các thanh niên yêu nước trong thời kỳ cách mạng còn trong “trứng nước”, mà nội dung đầu tiên được Bác nêu trong cuốn sách là: Tư cách người Kách mệnh) đến Sửa đổi lề lối làm việc (được Bác viết năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mới diễn ra được một năm). Rồi những năm cuối đời, Bác vẫn tha thiết nhắc nhở cán bộ, đảng viên và nhân dân “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Ngay trước lúc đi xa, Bác còn căn dặn việc “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau…”.
(Còn tiếp)
Lê Bách

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)