Năm học 2008-2009, huyện KonPlông có 17 đơn vị trường học với tổng số 5.460 học sinh, trong đó có nhiều điểm trường phân bố ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại hết sức gian nan. Các thầy giáo, cô giáo nơi đây đang khắc phục biết bao khó khăn, ngày đêm cần mẫn đưa ánh sáng văn hoá của Đảng và cái chữ Bác Hồ đến với đàn em thân yêu của mình, cùng góp ngọn lửa nhiệt huyết thắp sáng lên những buôn làng trên dải Đông Trường Sơn huyền thoại:
Với hành trang là tri thức và lòng yêu nghề, các thầy, các cô mang theo sứ mệnh hết sức vẻ vang mà cũng thật nặng nề của người chiến sỹ văn hoá, bỏ lại sau lưng phồn hoa đô hội để đến với núi rừng, bản làng- nơi có đàn em thân yêu đang khát từng con chữ. Khó mà nói hết được những nỗi vất vả, gian nan mà các thầy, các cô phải vượt qua. Những quãng đường rừng heo hút, lầy lội mùa mưa, những thác cao, vực sâu đầy hung dữ trong mùa lũ; có những cô giáo cắm bản suốt 2-3 tháng mùa mưa không ra được khỏi làng vì nước lũ lên cao. Bởi thế, những bữa cơm nhạt muối, thiếu rau với loại gạo đỏ mà bà con dân tộc nơi đây vẫn quen gọi là “gạo bọc thép” do phải nấu cả tiếng đồng hồ mới chín thành cơm đã trở nên thân thuộc.
Nói về những khó khăn của người giáo viên ở vùng sâu KonPlông, thầy giáo Phạm Đình Hải-Phó hiệu trưởng Trường trung học cơ sở xã Măng Cành tâm sự: “Trước tiên là khó khăn về tinh thần. Đa số anh chị em giáo viên phải đi xa để công tác; xa nhà, xa gia đình thì thiếu thốn về tình cảm. Còn về vật chất thì với giáo viên vùng sâu, vừng xa khó khăn rất là nhiều, về trường lớp, về đường sá đi lại…khi tôi dạy ở xã Ngọc Tem có lần đi bộ từ UBND xã ra đến đường nhựa mất hai ngày. Mặc dù có khó khăn, nhưng tình cảm giữa người thầy với nhân dân rất là tốt đẹp, vững chắc. Nói về ngày 20/11 thì rõ ràng là thầy cô công tác ở đồng bằng có nhiều cái thuận lợi; Chúng tôi không nói về vật chất về quà cáp mà nói về tình cảm. Các em cũng ngại nhiều lúc không muốn gần thầy, gần cô, do đó mà trong ngày 20/11 mình cảm thấy có chút gì đó nó hơi thiệt thòi so với anh chị em đồng nghiệp công tác ở vùng thuận lợi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cố gắng vận động, cùng với chính quyền địa phương tổ chức toạ đàm, giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao nên cũng vơi đi phần nào…”
Có chứng kiến thực tế đời sống của đội ngũ giáo viên, nhất là các giáo viên nữ cắm bản, mới thấy hết nghị lực phi thường, thấy được tấm lòng vì đàn em thân yêu và sự hi sinh thầm lặng, cao cả của họ. Có cô giáo cắm bản vùng sâu, đã vĩnh viễn nằm lại với núi rừng Trường Sơn khi cô đang qua suối thì gặp dòng lũ dữ bất ngờ ập về; những bài giảng còn dở dang, những dự định còn ấp ủ, đành gửi lại để đồng nghiệp đi sau tiếp bước. Các thầy giáo, cô giáo ở vùng sâu KonPlông ví như con ong chăm chỉ bay khắp đại ngàn, cần mẫn tích cóp từng hạt phấn hoa, làm nên mật ngọt cho đời. Nhiều thầy cô giáo gắn bó với bản làng hàng chục năm trời và vẫn đang tiếp tục hành trình gieo ươm con chữ của mình. Thầy giáo Nguyễn Đình Hợp-người đã gắn bó với sự nghiệp trồng người trên vùng đất KonPlông 30 năm có lẻ thổ lộ những ước mơ rất đỗi giản dị, bình thường: “Tôi về đây công tác từ 24/8/1978, qua 7 trường, tính đến nay đã bước sang năm thứ 31 rồi. Trong không khí chào đón ngày 20/11, bản thân tôi cũng như các anh em đồng nghiệp khác công tác trên vùng sâu. vùng xa, ước muốn nhất là có một lời thăm hỏi, lời chúc sức khoẻ là mừng lắm rồi, là toại nguyện lắm rồi. Chúng tôi không cầu mong gì về vật chất cả. Ước mơ thứ hai là các thầy cô giáo có một chỗ ở, trong các điểm trường ở làng còn khó khăn về vấn đề này, chưa nói là thời tiết khắc nghiệt. Điều thứ 3, ước muốn là: trong quá trình công tác, anh chị em giáo viên đặc biệt là đối với giáo viên nữ, công tác 5 năm, 7 năm thì được luân chuyển. Có chế độ khen thưởng cho những người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ví dụ như nâng lương trước thời hạn, hoặc có khoản phụ cấp thêm nhằm tạo ra động lực thi đua trong bản thân đội ngũ các nhà giáo”.
Nhiều cô giáo tâm sự: ban ngày lên lớp, bận rộn với đàn em còn đỡ, mỗi khi đêm về, bản làng đã chìm trong giấc ngủ, văng vẳng bên rừng tiếng tắk kè, tiếng chim “bắt cô trói cột” kêu nghe thật nao lòng, nước mắt cứ tự nhiên ứa ra. Đó là chưa kể đến những lúc ốm đau, thiếu thuốc men, thiếu bàn tay chăm sóc của gia đình, người thân. Mỗi lúc như thế, lại tự động viên, an ủi mình hãy cố gắng lên, không được yếu mềm;đàn em và bản làng đang trông cậy ở mình nhiều lắm. Nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình thương yêu đàn em thơ đã cho họ thêm niềm tin, sức mạnh để vượt qua bao gian khó, dù rằng không phải là không có những lúc trăn trở, suy tư rất đời thường. Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Kim Dung-Trường trung học cơ sở xã Măng Cành tâm sự: “Em thì mới ra trường, lên đây công tác được hơn một năm. Đi xa nhà thì tất nhiên là nhớ rồi, nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ, thì khó khăn mình cũng phải cố gắng vượt qua, cùng với các em và đồng nghiệp mình đi lên thôi. Là thanh niên thì có thể xông pha đi mọi nơi và có thể chịu đựng được hoàn cảnh. Em chỉ có suy nghĩ, khi thấy các chị có con nhỏ, sống cảnh xa chồng, xa con, em rất là thương, và em cũng nghĩ sau này cuộc sống của mình có hơn các chị hay như các chị, em rất lo. Em mong Nhà nước tạo điều kiện cho giáo viên, nhất là giáo viên nữ ở vùng sâu, vùng xa có cuộc sống ổn định hơn”.
Nói về đội ngũ giáo viên của mình, ông Đinh Lê Chon – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện KonPlông cho biết: “Giáo viên rất an tâm công tác, ngay số giáo viên mới tuyển vừa rồi, trong quá trình chúng tôi làm công tác tư tưởng, chúng tôi cũng rất là lo, băn khoăn vì trúng thời gian vừa rồi là thời gian mưa bão. Khi các đồng chí vào nhận nhiệm vụ ở đây, chúng tôi cũng mời họp, triển khai động viên, sau khi triển khai xong thấy các đồng chí lên đường vui vẻ, vào gặp giáo viên trong trường thì cũng chia sẻ với nhau. Qua quá trình công tác, đến giờ phút này, nhìn chung số giáo viên đó đảm bảo hết rồi, an tâm công tác rồi…”
Có thể nói: từ khi huyện KonPlông được chia tách và tái thành lập năm 2002 đến nay, cùng với sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành và sự tận tâm, yêu nghề của đội ngũ giáo viên đã làm chuyển biến đáng kể sự nghiệp giáo dục ở nơi đây. Song đời sống của đại bộ phận giáo viên KonPlông vẫn còn nhiều khó khăn, họ rất cần sự quan tâm của Nhà nước và các cấp, các ngành, tạo điều kiện để các thầy, cô an tâm công tác, gắn bó với nghề, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người trên đỉnh Trường Sơn hùng tráng.
Nguyễn Văn Tuấn
Theo Gi áo dục & Thời đại
Bình luận (0)