Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hồ hởi nghe hướng nghiệp trong giá lạnh

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Đắk Lắk chăm chú nghe thông tin hướng nghiệp từ Ban tư vấn chương trình

Mặc dù thời tiết giá lạnh, học sinh phổ thông hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông vẫn hồ hởi đến để được trực tiếp nghe tư vấn những thông tin quan trọng về kỳ thi THPT quốc gia 2015 cũng như các định hướng lựa chọn ngành nghề thiết thực, phù hợp với nhu cầu nhân lực địa phương.
Chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn quyết định tương lai” chủ đề “Hiểu đúng mình, chọn đúng nghề, sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp Trường ĐH Quốc tế Miền Đông tổ chức tại hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông ngày 15 và 16-12 đã thu hút nhiều sự quan tâm của phụ huynh, học sinh.
Giỏi ngoại ngữ, lợi thế lớn
Học sinh hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông bày tỏ mong muốn được định hướng chọn học những ngành nghề thiết thực để khi ra trường không rơi vào tình trạng thất nghiệp, đồng thời còn có thể đóng góp xây dựng địa phương. Ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM – nhận định, các tỉnh Tây Nguyên đang có những chuyển biến lớn trong phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ… Riêng theo quy hoạch nhân lực của tỉnh Đắk Lắk, các nhóm ngành đang thu hút lao động gồm: Nông lâm, thủy sản, công nghệ sinh học, công nghệ vi sinh, hóa thực phẩm, cơ khí, điện – điện tử, sức khỏe, công nghệ thông tin… Học sinh theo học những ngành này không phải quá áp lực về khả năng xin việc. Ngoài ra, nhóm ngành khoa học xã hội, thể dục thể thao cũng khá thu hút tuy không “nóng” bằng. Trong đó, tỷ lệ của trình độ ĐH-CĐ chiếm 25%; trung cấp 40%; sơ cấp 35%.
Tuy nhiên, cũng theo ông Tuấn, thị trường lao động hiện không chỉ giới hạn ở trong nước. Với sự hội nhập sâu rộng, nhu cầu nhân lực quốc tế cũng ngày càng rộng mở. Nguồn việc cho các khóa sinh viên tốt nghiệp những năm sắp tới khả năng sẽ dồi dào hơn bây giờ. Dù vậy mức độ cạnh tranh cũng sẽ gắt gao hơn vì đòi hỏi về kỹ năng nghề nghiệp cũng cao tương ứng. Trong điều kiện cạnh tranh như vậy, thông thạo ngoại ngữ sẽ trở thành một trong các lợi thế đáng kể đối với đội ngũ lao động trẻ.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Phúc – Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Miền Đông – cho biết, tại trường, chương trình đào tạo chú trọng ngoại ngữ là một trong những chìa khóa giúp sinh viên thoát khỏi lo âu về ngoại ngữ, tự tin khi làm việc trong môi trường nước ngoài. Dù vậy, nhiều học sinh Tây Nguyên hiện vẫn còn lo ngại sẽ không đáp ứng được trình độ tiếng Anh đầu vào do điều kiện học tập ở miền núi vốn đã thiếu thuận lợi so với những em thuộc các đô thị phát triển. TS. Phúc cho rằng, đối với những thí sinh chưa đạt chuẩn đầu vào ngoại ngữ, trường sẽ tạo điều kiện để các em học bổ sung, củng cố kiến thức ngay từ năm nhất. Trường mời nhiều giảng viên nước ngoài về dạy để sinh viên không quá tốn kém hoặc không phải ra nước ngoài vẫn có thể thông thạo được ngoại ngữ. Chính nhờ vậy, qua các khóa đào tạo thời gian qua tại trường, nhiều sinh viên đã chứng tỏ được khả năng nổi trội.
TS. Phúc lý giải thêm, người học có lợi thế rất lớn nhờ khả năng ngoại ngữ tốt, nhất là trong tiếp cận các doanh nghiệp nước ngoài. Cụ thể, các em sẽ được chạm đến những vị trí công việc mơ ước với mức lương bổng rất cao. “Ở các quốc gia như Mỹ, Nhật, đơn vị tuyển dụng thường đòi hỏi rất cao khả năng tiếng Anh của ứng viên, nhất là trong lĩnh vực y tế, sức khỏe. Vì vậy, tiếng Anh chẳng bao giờ thừa cả”, TS. Phúc nói.
TS Nguyễn Văn Phúc – Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế Miền Đông trao học bổng cho các em học sinh tỉnh Đắk Lắk
Trường địa phương vẫn cạnh tranh cao
Khác với suy nghĩ của nhiều thí sinh rằng học tại trường ĐH địa phương, tỷ lệ “chọi” sẽ không đáng kể, TS. Nguyễn Đức Nghĩa – Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM – lý giải, thí sinh thi vào trường địa phương hoàn toàn có thể chịu sức ép cạnh tranh lớn. Đơn cử, học sinh của Đắk Lắk có thể chọn địa chỉ quen thuộc là Trường ĐH Tây Nguyên và Trường ĐH Buôn Ma Thuột mới thành lập để học. Tuy nhiên, hai trường này hiện đang là điểm đến của một lượng lớn thí sinh tỉnh láng giềng là Gia Lai vì tỉnh này chưa có trường ĐH. Chính vì vậy, ngay cả học sinh “chủ nhà” có thể vẫn “chọi” đông để có được suất học. Qua đây, TS. Nghĩa lưu ý, thí sinh cân nhắc sức học và điều kiện trước khi chọn trường địa phương. Đồng thời, nếu có điều kiện, thí sinh có thể mở rộng cơ hội bằng cách chọn trường ở xa.
TS. Nghĩa cũng dự đoán, với 4 môn tối thiểu, thí sinh có thể dùng xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ, tuy nhiên khả năng phần lớn thí sinh sẽ dự thi 5 hoặc 6 môn để tăng cơ hội xét tuyển.
Ông Nguyễn Quốc Cường (Chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT) cũng khuyến cáo, hiện nhiều trường đã gửi đề án tuyển sinh riêng về Bộ GD-ĐT và công khai trên trang web. Thí sinh còn 3 tháng để lựa chọn đăng ký các môn thi, cần tìm hiểu kỹ ngành nghề, khối thi, hình thức xét tuyển để tránh nhầm lẫn.
Ban tư vấn trả lời các câu hỏi của học sinh tỉnh Đắk Nông qua sóng Đài PTTH Đắk Nông
Bài, ảnh: Mê Tâm

Báo Giáo dục TP.HCM trân trọng cảm ơn trường Đại học Quốc tế Miền Đông đã đồng hành cùng chương trình "Tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển ĐH – CĐ năm 2015" với chủ đề "Cùng bạn quyết định tương lai".

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)