Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hộ khẩu đã và đang làm người dân khổ như thế nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Hơn nửa thế kỷ qua và kể cả hiện nay, hộ khẩu đã ăn sâu bám rễ, tạo một “sức ép” nặng nề trong cuộc sống hàng ngày của người dân.Thật vất vả để tồn tại, nếu không có hộ khẩu.

Việc “khai tử” hộ khẩu nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân. Bởi, hơn nửa thế kỷ qua và kể cả hiện nay, hộ khẩu đã ăn sâu bám rễ, tạo một “sức ép” nặng nề trong cuộc sống hàng ngày của người dân.

Thống kê chưa đầy đủ, có hơn 20 loại thủ tục liên quan đến đời sống người dân – từ lúc sinh đến lúc chết –  yêu cầu phải xuất trình sổ hộ khẩu. Và thật vất vả để tồn tại, nếu không có hộ khẩu.

Cha con, vợ chồng không được thừa nhận pháp lý, vì hộ khẩu

Anh Nguyễn Hồng Sang (46 tuổi, ngụ 192/14C Cách Mạng Tháng Tám, phường 10, quận 3) có vợ và 3 con. Yêu nhau thì về ở với nhau chứ vợ chồng anh Sang không đăng ký kết hôn, vì anh Sang là con người không giấy tờ, không có hộ khẩu, không có CMND.

Anh Sang kể, năm 1990, hộ khẩu ở quận 3 của anh đã cắt; sau này anh quay trở lại quận 3 thì không có đủ điều kiện để nhập khẩu. Giấy tờ duy nhất anh có là giấy chứng nhận hộ khẩu thường trú năm 1982, trong đó cái tên Nguyễn Hồng Sang đã bị gạch. Khi về lại quận 3, không có giấy tờ, không có trình độ, hàng ngày anh Sang chạy xe ôm kiếm sống qua ngày.

Anh Sang cảm thán: “Tôi đến chừng này tuổi rồi, có khổ đến cùn đời cũng không sao. Chỉ thương 3 đứa con không được hưởng các quyền lợi như người dân TPHCM”.

Nếu như vợ chồng anh Sang yêu nhau, đến với nhau, đẻ ra 3 người con nhưng không đăng ký kết hôn được, thì anh Nguyễn Tuấn Kiệt (40 tuổi, ngụ TK11/21 Bến Chương Dương, phường Cầu Kho, quận 1) lại rơi vào cảnh có con mà không được thừa nhận về mặt pháp lý.

Anh Kiệt vẫn còn giữ bản sao sổ hộ khẩu (nhập khẩu 1995), giấy khai sinh của anh tại TPHCM. Nhưng những điều đó không giúp ích cho anh có hộ khẩu mới. Không có hộ khẩu, đương nhiên CMND không có.

Hộ khẩu làm người dân khổ như thế nào? ảnh 1
Anh Nguyễn Tuấn Kiệt (ngụ quận 1, TPHCM)  nuôi con gái nhiều năm nhưng không có  giấy tờ pháp lý thừa nhận con anh là… con anh, bởi anh Kiệt không có hộ khẩu, không có CMND

Hệ quả nhức nhối là bao nhiêu năm qua, anh có con mà không có giấy tờ thừa nhận con anh là… con anh! Anh kể, anh có duy nhất đứa con gái. Cháu mang họ mẹ, giấy khai sinh của cháu chỉ có tên mẹ, để trống tên cha. Bây giờ mẹ cháu không ở với cháu và anh một mình nuôi cháu suốt bao nhiêu năm qua, có đầy đủ anh em họ hàng, bà con khu phố biết, nhưng anh không thể điền tên anh vào giấy khai sinh của con, bởi anh không có hộ khẩu, không có CMND.

Không những cha con, vợ chồng không được thừa nhận về mặt pháp lý, anh Sang, Kiệt cũng không hề đứng tên sở hữu bất cứ tài sản có giá trị nào, như nhà cửa, xe máy… bởi các anh không có hộ khẩu, không có CMND. Thật khó tin, nhưng lại là sự thật, những người đàn ông trụ cột trong gia đình, một khi không có bất cứ giấy tờ gì chứng minh mình là… bản thân mình, lại trở nên… “trắng tay” như thế!

Hơn 20 loại thủ tục “đòi” hộ khẩu

Đối với nhiều người dân, hội khẩu là “cửa ải” không đáng có. Mỗi lần nhắc đến chuyện làm thủ tục vay vốn mua chung cư cách đây chưa đầy nửa năm, chị Nguyễn Thị Thuý, công nhân Công ty TNHH Freetrend Việt Nam (quận Thủ Đức, TPHCM) không khỏi ngán ngẩm.

“Ngán nhất là… hộ khẩu! Vợ chồng tôi quê ở tận tỉnh Hà Giang, vào TPHCM làm công nhân chưa đầy 5 năm. Nhờ cha mẹ bán căn nhà thừa kế ở quê cộng với số tiền hai vợ chồng “năng nhặt chặt bụng”, chúng tôi có khoảng 400 triệu đồng. Gia đình tôi hỏi mua một căn hộ ở tỉnh Bình Dương (giáp quận Thủ Đức) có giá 950 triệu đồng.

Bạn bè, đồng nghiệp tư vấn vợ chồng tôi vay tiền ngân hàng, trả góp trong 20 năm. Tính ra, mỗi tháng trả khoảng 6 triệu đồng cả gốc lẫn lãi thì vợ chồng tôi có thể gồng gánh. Chúng tôi nhanh chóng đến ngân hàng. Nhân viên ngân hàng rất nhiệt tình, hỗ trợ vợ chồng tôi thủ tục định giá, mua bảo hiểm cho căn hộ, phân tích hợp đồng. Tuy nhiên, do vợ chồng tôi chưa tách khẩu nên hồ sơ ách lại. Cha mẹ già yếu nên không nhớ hộ khẩu cất ở đâu trong nhà.

Thế là, chồng tôi đành xin nghỉ 4 ngày, bay từ TPHCM ra Hà Nội, rồi đi xe đò về quê, chỉ để tìm bản chính hộ khẩu”, chị Thuý nhớ lại. Nhân viên ngân hàng giải thích theo quy định, hợp đồng thế chấp và hồ sơ đăng ký thế chấp bắt buộc có hộ khẩu. Đây là căn cứ xác nhận nhân thân người giao kết hợp đồng. Như thế, vì hộ khẩu, gia đình chị Thuý tốn thêm hơn 5 triệu đồng chi phí đi lại. Số tiền trên gần bằng một tháng lương và tiền tăng ca của chị.

Theo chuyên gia cải cách hành chính Diệp Văn Sơn, đến thời điểm hiện tại, thế giới có 4 quốc gia, trong đó có Việt Nam, duy trì “chế độ hộ khẩu”Người không có hộ khẩu bị xem là công dân hạng hai. Nhiều giao dịch dân sự, đơn giản như lắp đặt điện thoại, đồng hồ nước… yêu cầu hộ khẩu (bản sao y có công chứng).

Có khoảng hơn 20 loại thủ tục yêu cầu có hộ khẩu trong hồ sơ làm thủ tục đăng ký/xác nhận, được niêm yết tại trụ sở UBND phường. Người dân không có hộ khẩu thường trú luôn đối mặt nhiều phiền hà khi thực hiện thủ tục hành chính tại nơi cư trú, có khi phải chi phí tổn không chính thức.

Tình trạng trên gây tâm lý bất ổn, bào mòn lòng tin. Trong cơ quan nhà nước, hộ khẩu là nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn nội bộ phát sinh giữa “công chức ngụ cư” và “công chức chính cư”…

Hộ khẩu làm người dân khổ như thế nào? ảnh 2
Hơn 20 loại thủ tục "đòi" hộ khâu được niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã. Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam – Ngân hàng Thế giới 

Dẫn thực tế hầu hết các nước trên thế giới không xài hộ khẩu, ông Diệp Văn Sơn đánh giá, việc bỏ hộ khẩu không ảnh hưởng lớn đến chất lượng, việc vận hành nền công vụ. Thậm chí, bỏ hộ khẩu sẽ “cởi trói” rất nhiều cho người dân và giảm tải nhiều gánh nặng về hành chính với chính quyền.

Điểm thật sự đột phá, ngày 30-10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP, bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “sổ hộ khẩu”, thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Cùng với đó, các thủ tục như tách sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ hộ khẩu, cấp giấy chuyển hộ khẩu… được bãi bỏ.

Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ, không những chỉ bỏ hộ khẩu trong các thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng của ngành công an như Nghị quyết 112/NQ-CP nêu, mà cần hơn nữa là phải tháo bỏ hoàn toàn “sức nặng” của hộ khẩu khỏi các lĩnh vực, thủ tục khác như: đăng ký học hành cho con cái, khám chữa bệnh, xin việc…

KỲ LÂM – MẠNH HÒA/ SGGP

 

Bình luận (0)