Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Hồ Núi Cốc nên thơ…

Tạp Chí Giáo Dục

Để lại sau lưng bao bộn bè của cuộc sống, thoát xa sự ồn ào của phố thị, xe chúng tôi lao nhanh trên con đường trải nhựa uốn lượn qua những cánh rừng bạt ngàn, tít tắp để tới Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên).

Đến gần, phóng tầm mắt, một vài đảo nhỏ hiện ra và nước trong xanh ào ạt vỗ vào từng mé bờ. Du khách ngỡ ngàng: Hồ trên núi.
Chợ tình Ba Cây Thông.
Lung linh sắc màu huyền thoại
Khu du lịch Hồ Núi Cốc đã nổi tiếng bởi nét đẹp thiên tạo tự bao năm. Núi Cốc – tên gọi một vùng đất, vùng hồ nên thơ, lung linh sắc màu huyền thoại của câu chuyện tình thuỷ chung trong truyền thuyết Nàng Công – Chàng Cốc, người hóa núi, kẻ nước mắt chảy dài thành sông… Ngày nay, suốt bốn mùa, khách thập phương dập dìu kéo nhau về du lịch Hồ Núi Cốc. Ngọn núi Cốc in bóng xuống dòng nước sông Công lặng lẽ trầm tư như thầm thì kể cho khách nghe câu chuyện tình tuyệt đẹp thuở ấy.
Một trong những điểm nhấn của Khu du lịch Hồ Núi Cốc là quần thể "Thuyết Nhân Quả" được xây dựng mô phỏng tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 45m trên diện tích hơn 5.000m2. Đây được coi là một trong những pho tượng Phật lớn nhất nước. Bên trong tượng Phật khổng lồ này là ngôi chùa được đặt tên “Chùa Thiêng Thác Vàng” với cảnh quan kiến trúc uy nghiêm, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Với ý nghĩa trong Phật có chùa, trong chùa có Phật, Chùa Thiêng Thác Vàng là điểm nhiều du khách thập phương lựa chọn trong dịp du xuân chiêm bái đầu năm.
Du khách đến Khu du lịch Hồ Núi Cốc không những được lễ chùa, trẩy hội, mà còn được thưởng ngoạn những vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng. Động Âm Phủ được xem là một trong những hang động lớn và huyền bí nhất trong quần thể hang động ở khu danh thắng này. Địa ngục A Tì là chốn mà ai cũng sẽ phải bước qua, với ý nghĩa để trả lại tội lỗi của mình đã gây ra trên trần gian.
Mê mải dạo chơi ngắm cảnh, du khách lạc vào một thung lũng, nơi ấy là Chợ tình- Ba Cây Thông. Thấp thoáng giữa những dáng cây là Ba Cây Thông sừng sững mang gương mặt của 2 chàng trai và một cô gái, phảng phất nét buồn… Du khách dừng chân ghé thăm động Ba Cây Thông để thấy mình như lạc vào chốn huyền thoại, để nghe kể về một chuyện tình…
Hành trình của những khám phá
Đến Hồ Núi Cốc cái thú nhất là được đi du thuyền trên hồ. Nếu đi tàu một vòng trên hồ sẽ mất khoảng 1 giờ. Du khách muốn thưởng thức một cảm giác mạnh hơn, muốn khám phá Hồ Núi Cốc trong một hành trình ngắn hơn thì hãy chọn một chuyến xuồng cao tốc.
Được biết, ban đầu, Hồ Núi Cốc chỉ đơn giản là một hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, điều tiết nước cho hệ thống thủy lợi của toàn tỉnh Thái Nguyên. Sau đó, hồ mới dần được đưa vào khai thác du lịch. Dù du khách đến đây nhiều, nhưng nét hoang sơ, mờ ảo của vùng non nước nơi đây vẫn gần như được gìn giữ trọn vẹn.
Nếu thích vẻ đẹp nguyên sơ, du khách có thể cắm trại để thưởng ngoạn đêm vùng núi tĩnh lặng cùng tiếng côn trùng rả rích. Lúc bình minh đến hay lúc hoàng hôn buông xuống là lúc bạn nên rong ruổi khám phá những hòn đảo hoang sơ hoàn toàn. Đảo nổi, đảo chìm thoắt ẩn, thoắt hiện với nhiều tên gọi rất gần gũi: Đảo Cò, đảo Dê, đảo Khỉ, đảo Bạch Đàn, đảo Trám…
Ngày 25.6.2011, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức công bố quy hoạch xây dựng Vùng du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Vùng Hồ Núi Cốc được quy hoạch theo định hướng là khu du lịch trọng điểm quốc gia, khu du lịch sinh thái có tổng diện tích gần 19.000ha trên địa bàn TP. Thái Nguyên, huyện Đại Từ và Phổ Yên.
Chúng tôi thật háo hức khi khám phá đảo Cò với những bãi sim và rặng tre già là nơi trú ngụ của rất nhiều loại chim, cò… đặc biệt là cò lửa. Những chú cò bay kín cả mặt hồ, bay kín cả đảo, những chiếc cánh trắng muốt trao lượn tạo nên một khung cảnh thật tuyệt vời nhưng cũng thật hoang dã. Tiếng kêu của chúng vang xa, lúc trầm lúc bổng tạo thành một bản hoà tấu tuyệt vời như để khởi động một ngày mới hoặc kết thúc một ngày làm việc mệt mỏi.
Khu du lịch Hồ Núi Cốc còn có một điểm dừng chân khá lý thú. Đó chính là "Khu trưng bày các sản phẩm làng nghề truyền thống" trên đảo Núi Cái (hòn đảo lớn nhất trên hồ). Dừng chân lên đảo, du khách phải leo 108 bậc lên tới Nhà Cổ – khu nhà đã tồn tại hơn 200 năm tuổi. Với các hạng mục đều được làm bằng gỗ lim, Nhà Cổ thực sự là một kiệt tác kiến trúc. Nơi đây trưng bày hơn 1.000 hiện vật là các sản phẩm được đưa đến từ hơn 90 làng nghề truyền thống trên khắp đất nước.
Theo Thanh Giang
(Dân Việt)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)